Quản lý đỗ xe ở đô thị, cần cách tiếp cận mới

Câu chuyện TP.HCM phải bù lỗ 8 tỷ cho hoạt động trông giữ xe không chỉ phản ánh vấn đề quản lý yếu kém mà còn gợi ra một vấn đề thiết yếu của đô thị. Đó là chúng ta chưa có tiêu chuẩn cho việc cung cấp chỗ đỗ xe tại các hạ tầng đô thị.

Có lẽ chúng ta là một trong số ít quốc gia, kể cả những quốc gia ở châu Á, hay kể ra những quốc gia đang phát triển, có cách quản lý tiện ích đỗ xe (tôi nói vui là) theo cách riêng và không giống ai cả.

Thứ nhất, câu chuyện về tiện ích đỗ xe của những khu dân cư cũng như là những công trình công cộng, rõ ràng khi đã là công trình công cộng, nếu các bạn bỏ thời gian đtìm hiểu hết các quy định của pháp luật, thì sẽ thấy rằng, các công trình công cộng bị hạn chế tiếp cận và không cung cấp chỗ đỗ xe, hoặc thu phí đỗ xe là không hợp lý.

Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TP.HCM (đơn vị được giao tổ chức thu phí đậu xe) cho hay, trong năm 2021 đơn vị chỉ thu được hơn 2 tỉ đồng, song chi tới 10 tỉ đồng/năm. Ảnh: PLO

Ở đây có một câu chuyện thế này.

Nếu như các cơ quan chức năng có quyền hạn chế không cho những xe nhất định nào đó vào khu vực (vì lý do an ninh hoặc tổ chức giao thông), nhưng không có chuyện chính quyền cho phép ai đó sử dụng đất đai, cơ sở hạ tầng trong khuôn viên của mình để có thể kinh doanh đỗ xe, tức là không thể nào thu phí đỗ xe được (mà thu phí đỗ xe cũng là kinh doanh).

Việc tổ chức một bãi đỗ xe như vậy cũng không hợp lý.

Ở rất nhiều cơ quan công sở, như tại một khu liên cơ của nhiều cơ quan của thành phố Hà Nội thuộc quận Tây Hồ, nơi có 8 cơ quan cấp Sở của Hà Nội. Mỗi cơ quan, theo như tôi biết, cung cấp khoảng 3 chỗ đỗ xe, tổng cộng có khoảng 25-30 chỗ đỗ xe.

Và với thực tế, các công chức, những người đi làm ở các cơ quan đó có rất nhiều người đi lại bằng ô tô, sẽ làm cho hạ tầng xung quanh trở nên quá tải. Mỗi người sẽ phải tìm mọi cách để đỗ được xe, trong khi phương tiện công cộng tiếp cận đến công trình đó cũng chưa có.

Ngoài ra, mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn lượt người đến làm việc, họ cũng phải đi xe ô tô.

Tất cả những nhu cầu đỗ xe đó đều bị đẩy ra ngoài, (tôi nói vui là đẩy ra ngoài xã hội), là đẩy ra tất cả những khu phố xung quanh đó.

Mọi người phải đỗ ở những bãi đỗ xe tự phát, phải gửi người nọ, người kia, biến khu phố trở thành một thứ rất lộn xộn.

Công ty Dịch vụ công ích TNXP cho biết số chi đang vượt quá số thu nên công ty phải sử dụng nguồn thu từ các hoạt động khác để bù đắp kinh phí hoạt động quản lý đỗ xe và thu phí sử dụng tạm lòng đường để đỗ xe ô tô. Ảnh: PLO

Tất nhiên, tôi nghĩ chúng ta không thể và không có khả năng đáp ứng nhu cầu đỗ xe của cư dân ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong số chúng ta, ai cũng có thể tung tỉm cười và khó hiểu khi đọc thông tin nói rằng, một cơ quan của TP. Hồ Chí Minh khi được cung cấp chỗ đỗ xe ở trung tâm thành phố, trong 1 năm, lại có thể lỗ 8 tỷ đồng. Điều này là vô lý, khi mà nhu cầu đỗ xe là rất cao.

Tất nhiên, có một nguyên do nữa là chúng ta đang trông xe nhưng lại không cung cấp chỗ đỗ xe. Vì trông xe, nên chúng ta có sự can thiệp của con người để trông giữ, rồi phải tạo ra rất nhiều quy định, những rào cản phức tạp để tổ chức việc đỗ xe đó.

Hầu hết ở các quốc gia, chuyện này được tổ chức rất đơn giản. Bạn đỗ xe ở một con phố, bạn phải đến một điểm để trả tiền đỗ xe trong 2, 3 hoặc vài giờ đồng hồ. Rồi bạn lấy phiếu trả tiền và cài vào kính lái. Các nhân viên phụ trách đỗ xe sẽ đi tuần thường xuyên.

Nếu như bạn không có phiếu đỗ xe, đương nhiên được tặng một tờ giấy phạt.

Tôi nghĩ câu chuyện đỗ xe và quản lý đỗ xe ở các đô thị, đặc biệt là những đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đến lúc cần phải có một cách tiếp cận mới, với khả năng công nghệ hiện có, để đáp ứng được một phần nhu cầu hợp lý của người dân.

Chúng ta không thể tiếp tục để các dịch vụ tự phát để đáp ứng nhu cầu đỗ xe theo cách tùy tiện như hiện nay, không chỉ ở các góc phố, không chỉ ở ngoài đường, mà ở cả các cơ quan công quyền, các cơ sở công cộng, trường học, bệnh viện.

Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải chấn chỉnh để làm tốt hơn công việc đó./.