Quản lý cây xanh đô thị, làm sao để đảm bảo không gian xanh và an toàn?

Trong 9 tháng đầu năm 2024, TP.HCM ghi nhận 401 cây ngã và 635 cây gãy nhánh, trong đó có 4 sự cố làm 5 người tử vong. Hình ảnh những nhánh cây bất chợt đè lên mái nhà, xe cộ; gây thương vong cho những người đi đường, hoặc bật gốc nằm ngổn ngang, vẫn còn là nỗi ám ảnh với người dân.

Hiện tỉ lệ phủ cây xanh của TP.HCM mới chỉ đạt khoảng 0.55m2/người, thấp hơn nhiều so với các thành phố khác trên cả nước, và chỉ bằng 1/20 so với tiêu chí 10m2/người của UNESCO. Điều này cho thấy, việc quy hoạch và phát triển cây xanh đô thị chưa được sự quan tâm đúng mức.

Đón xem Toạ đàm phát thanh với chủ đề Quản lý cây xanh đô thị: Làm sao để đảm bảo không gian xanh và an toàn? phát sóng vào lúc 12h30-13h30, thứ Sáu (22/11) trên Kênh VOV Giao thông FM91Mhz và vovgiaothong.vn.

Cùng với sự tham gia của các vị khách mời: Ông Lê Văn Tấn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) và TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn.

 

Những hàng cây cổ thụ tại TP.HCM đang dần bị mất đi

THÀNH PHỐ THIẾU HỤT "MẢNG XANH"

Trước và trong mùa mưa bão, cư dân đô thị vẫn thường có một nỗi lo canh cánh. Nỗi lo về những lão mộc già cỗi, có thể đang mang bệnh bên trong, sẽ ngã đổ bất cứ lúc nào. Hình ảnh những nhánh cây bất chợt đè lên mái nhà, xe cộ; gây thương vong cho những người đi đường, hoặc bật gốc nằm ngổn ngang, vẫn còn là nỗi ám ảnh.

Bà Nguyễn Xuân Lan (Phú Nhuận) thường đến công viên tập thể dục và ngồi dưới tán cây để nghỉ mát. Bà Lan cho biết, khi nghe tin về những vụ thương vong do cây đổ, bà rất đau lòng nhưng cho rằng chuyện xui rủi, không thể nào loại trừ hết 100% được:

“Đâu phải chuyện này mới xảy ra đâu, có những cây ở trong trường học đổ đè trẻ con chết, trường đó cũng kêu công viên cây xanh kiểm tra. Nhưng đến lúc bị thì bị thôi chứ thật ra khám bệnh cho một con người dùng biết bao nhiêu máy móc, có lẽ khám cho cây chưa có thiết bị hiện đại nào nên những sự kiện đau lòng nó vẫn cứ xảy ra”. 

Trong khi đó, ông Dương Hồng Nam (53 tuổi, ngụ Phú Nhuận) cho hay ông từng là người thoát tai nạn bị nhánh cây đè trong công viên. Rất may lần đó ông Nam né kịp, nhánh cây nhỏ nên không xảy ra xây xát gì. Song, mỗi khi đi trên đường, ông Nam cũng lo sợ vì đang thời điểm mùa mưa gió nhiều:

“Thấy cũng tội, mưa gió không thể biết được. Đến mùa mưa này rồi những người bên cây xanh cũng cắt, tỉa nhưng nhiều khi nhánh cây mục khó biết rồi tập thể dục ở đây thấy cũng sợ. Giờ ở đây chỉ sợ nhiều lúc gió, nếu tập thấy mưa gió, giông bão mình kiếm chỗ nào núp vô chứ nguy hiểm, cây cối làm sao biết được”. 

Hiện trường cây đổ tại công viên Tao Đàn sáng 9/8/2024

Bên cạnh đó, thời gian qua, hàng loạt công trình giao thông quan trọng của TP.HCM được hoàn thành và khởi công. Song song với đó, hàng nghìn cây xanh bị đốn hạ, di dời để nhường chỗ cho các dự án. Trong bối cảnh diện tích cây xanh trồng mới chưa bù đủ số cây đã bị đốn hạ, khiến mảng xanh của thành phố đã thiếu lại càng thiếu.

Ủng hộ việc phát triển hạ tầng giao thông nhưng người dân cũng tiếc nuối khi nhiều cây xanh có tuổi hàng chục năm bị đốn hạ: 

"Hàng cây này đối với tôi rất là thân quen, nhất là vào những ngày nắng nóng cũng giúp giảm nhiệt. Nếu mà chặt thì cũng thấy rất tiếc".

"Bây giờ những công trình lớn của nhà nước đưa ra thì đành phải chấp nhận. Chặt đi thì cũng tiếc vì một cây xanh trồng rất lâu, mấy chục năm mới có được chứ không phải vài năm đã có".

“Tiếc lắm chớ, tại vì những cái cây đó họ đã trồng lâu năm lắm rồi, nhiều người ở đây nói nhiều cây cổ thụ cả trăm nay, đốn rồi tiếc nắng nôi lắm”.

Sự tiếc nuối của người dân hoàn toàn có cơ sở, khi những bóng cây xanh thân thuộc dần biến mất, nhường chỗ cho bê tông và khói bụi.

Không chỉ là một cái cây, đó là một phần của thành phố, là sự kết nối giữa con người và thiên nhiên.

Những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị cắt đi...

LÀM SAO ĐỂ QUẢN LÝ CÂY XANH ĐÔ THỊ?

Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS. La Vĩnh Hải Hà - Trưởng Bộ môn Lâm nghiệp Đô thị (Trường Đại học Nông lâm TP.HCM).

PV: Một cái cây ngã đổ, theo ông, đó là do yếu tố thời tiết, hay lỗi trong việc chăm sóc cây?

TS. La Vĩnh Hải Hà: Một cây ngã đổ có rất nhiều nguyên nhân. Cây mọc ở môi trường đô thị chịu tác động rất khắc nghiệt chứ không phải như cây rừng. Trong rừng có cây cổ thụ cả ngàn năm tuổi nhưng môi trường tự nhiên khác.

Công tác bảo dưỡng, chăm sóc cây rất phức tạp. Vì mọi người bằng mắt thường nhìn chỉ thấy cây vẫn đang phát triển không vấn đề gì, xanh tốt, nhưng thực tế cây có những mao mạch bên trong bị “bệnh” gì, mình không thể nào biết được nên phải có công tác kiểm tra đánh giá định kỳ thường xuyên.

PV: Vậy công tác chăm sóc cây xanh đô thị cần phải lưu ý những điều gì?

TS. La Vĩnh Hải Hà: Nên kiểm soát thường xuyên và cần có những đánh giá hiện trạng cây xanh. Với những cây đã quá già cỗi, đặc biệt cây trong công viên, cần có sự chăm sóc thường xuyên hơn. Điều này sẽ hạn chế rủi ro.

Những cây nào quá già cỗi phải có công tác chăm sóc đặc biệt hoặc thay thế, chứ không thể để điều này xảy ra.

Theo tôi, những cây xanh hiện đang cao quá, 30-50 mét, mỗi lần đi kiểm tra phải có thang nâng cao, anh em leo cao vất vả để đánh giá nhánh, tán phát hiện kịp thời. Cái khó đó cần phải được giải quyết bằng những đánh giá cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho người dân và cả công nhân làm công việc này. 

Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thí điểm dùng máy kiểm tra khuyết tật của cây tại công viên ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: Công ty CVCX cung cấp

PV: Vậy kế hoạch, giải pháp bảo tồn cây xanh đô thị dường như đang có nhiều bất cập? 

TS. La Vĩnh Hải Hà: Công tác bảo tồn hoặc di dời cây xanh cần phải có sự tham gia của các nhà khoa học để đánh giá, xem hiện nay nên làm thế nào với công tác quản lý, bảo tồn cây xanh. Có những cây tạm gọi là cây di sản hay cây bảo tồn, chúng tôi chưa thấy có đánh giá khoa học nào nghiêm túc để có sự phân loại, đánh giá thấu đáo.

Tôi quay lại vấn đề như đã nói ban đầu, cây xanh trong môi trường đô thị chịu rất nhiều yếu tố tác động đến như bê tông hoá, ngập lụt, cơ sở hạ tầng, rễ cây bị bó hẹp trong không gian sinh trưởng.

Đây là thách thức trong lĩnh vực quản lý cây xanh đô thị. Cái nào mình cũng muốn hết, vừa muốn bảo tồn cây xanh có giá trị lịch sử, vừa muốn an toàn.

Nhưng trong lĩnh vực hoạt động lâm nghiệp đô thị, cần phải có cách nhìn nhận, khảo sát, đánh giá để tìm ra giải pháp cho quản lý cây xanh đô thị trong thành phố. Một số cây xanh di sản phải được di dời ra khu vực khác để bảo tồn.

PV: Xin cảm ơn TS. La Vĩnh Hải Hà!