Một trong những điểm mới của mô hình này là sự kết hợp chặt chẽ giữa công- tư và người dân, có thể góp phần nắn lại dòng đi của rác nhựa giá trị thấp.
Rác thải nhựa giá trị thấp là một trong những loại rác thải sinh hoạt khó phân loại và thu gom nhất khi phần lớn đều bị lẫn cùng với rác hữu cơ, chủ yếu sẽ xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp, gây gánh nặng lớn tới môi trường.
Xác định và chấp nhận điểm khó khăn này, mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa giá trị thấp được đưa ra áp dụng tại quận Hoàn Kiếm, kết hợp cùng công ty Môi trường đô thị Hà Nội và Công ty tái chế nhựa Vietcycle.
Lần đầu tiên, lực lượng ve chai – là lực lượng chính thu gom rác thải nhựa giá trị thấp này nhận được sự hỗ trợ từ đồ bảo hộ, công cụ làm việc cũng như có nhiều điểm thu nhận loại rác nhựa giá trị thấp này.
Cô Nguyễn Thị Minh Phương, trưởng một Câu lạc bộ nhặt rác quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Mình hết sức hoan nghênh dự án , các bạn đã đi vào lĩnh vực rất khó hiện nay và không nhiều người muốn làm, các bạn được nhân dân rất hoan nghênh, rất vui mừng như là duyên số là ngay ở gần nhà chúng tôi cũng có 1 điểm thu gom, tôi mong có nhiều điểm thu gom rác nhựa hơn nữa."
Với 52 tấn rác thải nhựa giá trị thấp, thay vì bị thải ra môi trường thì đã được thu gom, phân loại và chuyển giao tái chế đã tạo ra được 31 tấn hạt nhựa tái chế, 21 tấn còn lại được chuyển giao cho đơn vị môi trường xử lý thành năng lượng đốt hoặc ximang, dự án đã cho thấy mô hình kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các tổ chức môi trường và người dân có hiệu quả rõ rệt.
Bà Nguyễn Thị Hoàng My – Phó GĐ Công ty Vietcycle cho biết: "Sau khi dự án kết thúc thì Vietcycle vẫn tự bằng nguồn lực của mình, tiếp tục thug om tại các điểm đã thiết lập. Và cũng đang kêu gọi một số tổ chức quốc tế kết hợp để tài trợ thêm, để có thể tiếp tục nhân rộng ra các quận khác và cũng rất muốn kết hợp với chính quyền, hội phụ nữ và các trường học để phát triển mạnh hơn mô hình thu gom nhựa giá trị thấp này"