Quả bóng trách nhiệm quản lý xăng dầu đang được đá qua lại

Một diễn biến đang rất được quan tâm từ thị trường xăng-dầu, khi 2 bộ Tài Chính – Công thương vẫn đang đùn đẩy trách nhiệm quản lý mặt hàng này. Ý kiến chuyên gia nhận định ra sao về vấn đề này?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

# Trong năm 2023, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng và ban hành một loạt quy định mới về công chức, viên chức, chính sách tiền lương… 

Còn ngành Công Thương đặt mục tiêu, đến năm 2030 có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia. 

# Một diễn biến đang rất được quan tâm từ thị trường xăng-dầu, khi 2 bộ Tài Chính – Công thương vẫn đang đùn đẩy trách nhiệm quản lý mặt hàng này. Ý kiến chuyên gia nhận định ra sao về vấn đề này? 

Đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính trong việc giao việc điều hành giá xăng dầu về cho Bộ Công Thương để thống nhất một đầu mối quản lý, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích: 

"Thứ nhất, với việc sửa đổi Luật giá trong thời gian tới thì rõ ràng giá của những mặt hàng như xăng dầu, giá vật tư y tế, giá của các dịch vụ về GDDT sẽ do các cơ quan chủ quản xây dựng và quyết định.

Như vậy, nếu theo Luật giá đó thì trước sau việc điều hành giá xăng dầu cũng sẽ thuộc về Bộ Công Thương.

Thứ hai, do Bộ Công Thương là bộ quản lý chuyên ngành về kinh doanh xăng dầu, cho nên phải là đơn vị xây dựng nên hệ thống tổ chức sản xuất - kinh doanh của mình sao cho đơn giản nhất, phù hợp nhất".

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc xác định định mức giá cả trong từng khâu trung gian hoặc bán lẻ thuộc về Bộ Công Thương thì lúc đó việc điều phối của Bộ Công Thương với các doanh nghiệp mới phù hợp và sát với thực tiễn thị trường.

Ảnh: VGP

# Trong tình hình kinh doanh khó đoán định, DN XNK đang có nhiều âu lo trong những tháng đầu năm:

Cụ thể, hiện các thị trường XK chính của VN như Mỹ, châu Âu tiếp tục gặp khó khăn về sức mua, khiến cho đối tác NK cắt giảm mạnh đơn đặt hàng. 

Và nếu như cuối năm vừa qua, đơn hàng XK của ngành dệt may sụt giảm khoảng 25%, thì bước sang quý đầu năm 2023, tỷ lệ này là 30-40%. 

# Còn với thị trường sản xuất tiêu dùng trong nước: Đẩy mạnh sức mua trong nước, thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Đó là một trong những biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước – một trong hai động lực tăng trưởng kinh tế được Bộ công thương xác định. Để làm được điều đó, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) kiến nghị:

"Rất mong Bộ Tài chính quan tâm bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước, như: Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025".

Ngành Công Thương cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước.

Ảnh: Reuters

# Với thị trường giao dịch hàng hóa, đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (06/02), lực bán chiếm ưu thế trên thị trường hàng hoá, đặc biệt trên nhóm các mặt hàng kim loại. Chỉ số MXV- Index suy yếu 0,63%, về mức 2.339 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 2.500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năng lượng là nhóm duy nhất duy trì được đà tăng trong ngày hôm qua. Chốt phiên, dầu Brent kỳ hạn tháng 4 trên Sở ICE tăng hơn 1,3% lên sát mức 81 USD/thùng và dầu WTI kỳ hạn tháng 03 trên Sở NYMEX tăng gần 1% lên hơn 74,1 USD/thùng.

Những lo ngại về nguồn cung một lần nữa trở thành yếu tố nâng đỡ giá dầu. Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA mới đây cho biết, dự kiến một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay sẽ đến từ Trung Quốc, đồng thời, nhu cầu nhiên liệu máy bay của nước này đang bùng nổ và hỗ trợ cho giá.

Trong khi đó, trên thị trường kim loại, 9 trên 10 mặt hàng đồng loạt giảm giá trước sức ép của đồng Dollar Mỹ.

Ảnh: AFP

# Còn Saudi Arabia vừa cảnh báo, các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga có thể gây thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong tương lai. 

Thậm chí, trong tháng đầu năm, xuất khẩu dầu thô của Nga đã đạt 3,7 triệu thùng/ngày, con số cao nhất kể từ tháng 6/2022.

# Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng kinh tế của ASEAN khó có thể đạt được tốc độ như năm ngoái, với mức tăng 5,2%.

Riêng tại Trung Quốc, phục hồi tiêu dùng sẽ là mục tiêu xuyên suốt của nước này trong năm nay, với mức doanh thu bán lẻ dự kiến tăng 9%.

Ảnh nh họa: Vietstock

Thị trường chứng khoán

# Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày thứ Hai (06/02), dẫn đầu là đà sụt giảm của chỉ số Nasdaq Composite, khi nhà đầu tư ngày càng thận trọng với sự gia tăng lợi suất trái phiếu. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones hạ 34.99 điểm (tương đương 0.1%) xuống 33,891.02 điểm, S&P 500 cũng lùi 0.61% xuống 4,111.08 điểm.

# Còn ở trong nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa lưu ý về khả năng cổ phiếu nhiều công ty có thể bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 có kết quả kinh doanh tồi tệ, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.

# Trở lại với phiên hôm nay, theo SSI Reseach, Về kỹ thuật, VN-Index hiện vẫn chưa có sự thay đổi khi tiếp tục kết phiên trên vùng hỗ trợ quan trọng trong khoảng 1.045-1.075 điểm.

Với việc giữ vững MA 20 ngày, đà hồi phục ngắn hạn có thể sẽ quay trở lại trên chỉ số VNIndex. Vùng kháng cự gần tiếp theo là ngưỡng tâm lý 1.100 điểm trong khi hỗ trợ gần trên chỉ số là khu vực 1.070 – 1.075 điểm.