PV "khiếm thị" sang đường và chuyện đầu tư, tổ chức hạ tầng để giảm thiểu TNGT

Việc thay đổi thiết kế tuyến đường có thể phòng ngừa được số vụ tai nạn, cũng như số người chết vì TNGT. Cùng với đó, nếu được thiết kế phù hợp, đường phố là nơi có thể tổ chức sự kiện, ăn tối, vui chơi, ngắm nhìn thiên nhiên, thư giãn và là nơi mưu sinh của nhiều người.

Ngày 21/3, tại buổi tập huấn trong khuân khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021 -2025 do Sở GTVT Hà Nội cùng Tổ chức Sáng kiến Thiết kế đường phố toàn cầu (GDCI), tổ chức HealthBridge (tổ chức phi chính phủ của Canada) thực hiện, PV VOV Giao thông được “đóng vai” người khiếm thị, người khuyết tật trải nghiệm đi bộ trên vỉa hè và sang đường qua khu vực ngã tư Võ Chí Công – Nguyễn Hoàng Tôn. 

Lo lắng và thấu hiểu

PV VOV Giao thông kể lại cảm giác bịt mắt tham gia giao thông: “Khi đeo bịt mắt cảm giác đầu tiên rất hụt hẫng vì xung quanh là bóng tối. Vị trí trải nghiệm là ở khu vực vỉa hè gần ngã tư Võ Chí Công – Nguyễn Hoàng Tôn nên tiếng xe máy, ô tô, còi xe,… dội vào tai gây ra cảm giác hơi lo sợ.

Khi bắt đầu di chuyển trên vỉa hè về hướng cầu vượt để sang đường, mặc dù có người dắt nhưng đôi khi bị vấp do vỉa hè mấp mô, nắp cống, nắp cáp cao hơn so với mặt phẳng vỉa hè. Khi lên cầu thang để lên cầu đi bộ thì một tay bám theo lan can để định hướng; nhưng vẫn không khỏi lo sợ việc bước hụt vì vậy chân phải dò dẫm từng bước.

Khi lên được cầu đi bộ, đi ra giữa cầu cảm giác phương tiện đi ở dưới chân khá sợ, tiếng gió rít từ phương tiện tạo ra cũng khiến gai sống lưng (vì lúc này hoàn toàn là cảm nhận vì mắt không thấy gì).

Tiếp tục đi gần hết cầu đi bộ phóng viên VOV Giao thông quyết định trải nghiệm vừa làm người khiếm thị vừa làm người dạng khuyết tật chân phải sử dụng gậy chống. Khi có gậy chống cảm nhận mọi thứ rõ hơn, nhưng lên xuống bậc đôi khi vẫn bị hẫng bởi bậc lên xuống vỉa hè".

Kết thúc trải nghiệm mọi thứ diễn ra an toàn, không bị ngã hay có va chạm. Nhưng cùng với đó là thấu hiểu được sự khó khăn của người khiếm thị, người khuyết tật khi đi bộ, tham giao thông hàng ngày.

Đóng vai người khiếm thị, người khuyết tật đi bộ tại vỉa hè đường Võ Chí Công.

4 trụ cột để thay đổi

Hà Nội có dân số đông, tốc độ tăng dân số cơ học cao, việc này cho thấy đầu tư cho kết cấu hạ tầng rất quan trọng. Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021 -2025 là một trong giải pháp nhằm đảm bảo ATGT trên địa bàn thành phố.

Ông Đào Duy Phong – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban ATGT TP. Hà Nội, Sở GTVT xác định việc thiết kế đường phố là một trong những nội dung nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

Theo bà Vivi Tiezzi - Cán bộ dự án GDCI, việc thay đổi thiết kế tuyến đường có thể phòng ngừa được tai nạn giao thông, đồng thời tạo thuận lợi cho việc di chuyển hàng ngày của nhóm người khuyết tật, người già và trẻ em. Cùng với đó, nếu được thiết kế phù hợp, đường phố là nơi có thể tổ chức sự kiện, vui chơi, giải trí,... 

Ông Đào Duy Phong – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Bà Vivi Tiezzi cũng đề cập tới 4 trụ cột gồm: Thiết kế đường phố đổi mới giúp giảm tốc độ; Thực thi luật pháp thật nghiêm đối với hành vi vi phạm quy tắc giao thông; Các quy định pháp lý giúp giảm tốc độ tối đa; Các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng. 

“Khi xe lưu thông tốc độ cao sẽ có nguy cơ cao gây ra tai nạn và tử vong. Ví dụ, nếu ô tô đi tốc độ 30km/h và đâm vào một người đi bộ, thì người đó có 90% khả năng sống sót, nhưng nếu đâm với tốc độ 60km/h khả năng tử vong tăng lên rất cao”, bà Vivi Tiezzi cho biết.

Bà Vivi Tiezzi - Cán bộ dự án GDCI.

Hiện một số nước trên thế giới như thủ đô Paris (Pháp) đã giới hạn tốc độ xuống dưới 30km/h. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành phố có đủ nguồn lực làm việc đó.

Nhưng vẫn có thể cân nhắc biện pháp khác như áp dụng hạn chế tốc độ tùy theo bối cảnh cụ thể của từng thành phố.

Vấn đề chính của giao thông Hà Nội là lượng xe cá nhân, dân số, phương tiện tăng lên trong khi đường phố của Hà Nội vẫn còn hạn chế.

Để giải quyết việc này, cần hướng tới tuyến đường đa phương thức, cùng không gian như vậy nhưng đáp ứng nhu cầu của nhiều người.

Bà Uditi Argawal - Quản lý dự án GDCI.

Bà Uditi Argawal - Quản lý dự án GDCI cho biết, những chuyển đổi trong thiết kế các tuyến đường, tuyến phố tập trung vào con người như: tăng thêm vỉa hè, sơn phản quang, tạo ra những nơi cho người đi bộ, người khuyết tật,… có thể đi qua tuyến phố một cách an toàn, đặt gờ giảm tốc để giảm tốc độ phương tiện, cùng với đó thực hiện các biện pháp tăng tầm nhìn cho người điều khiển phương tiện.

Giảm tốc độ kết hợp với thay đổi thiết kế giao thông, thực hiện truyền thông, thực thi pháp luật và có sự tiến bộ của công nghệ sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn tính mạng người tham gia giao thông./.