Phòng chống virus Corona: Khẩu trang leo giá, sẽ xử phạt hành vi đầu cơ

Trong những ngày này, tại Hà Nội, nhiều người đổ xô đi mua khẩu trang y tế dẫn tới khan hiếm, thậm chí "cháy" hàng. Tổng Cục Quản lý thị trường, (Bộ Công Thương) chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát tình trạng thu gom, tăng giá bất hợp lý trang thiết bị y tế, bảo

Nhiều cửa hàng "cháy hàng" khẩu trang y tế trong đợt dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra. (Ảnh: Báo Giao thông)

Nghe nội dung chi tiết:

 

Khẩu trang "cháy hàng", giá cả "leo thang"

Trước tình hình dịch bệnh do vi rút corona diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân tránh tụ tập nơi đông người và đeo khẩu trang y tế để phòng bệnh. Trong những ngày này, tại Hà Nội, nhiều người dân đã đổ xô đi mua khẩu trang y tế dẫn tới khan hiếm, thậm chí "cháy" mặt hàng này.

Theo ghi nhận của PV Đài Tiếng nói Việt Nam trong sáng nay (31/1), tại nhiều cửa hàng thuốc treo biển hết khẩu trang y tế. Do nhu cầu của người dân tăng đột biến nên nhiều cửa hàng, đại lý thuốc không đủ nguồn hàng để bán, việc nhập hàng về cũng khó khăn do nguồn cung không đủ. Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ cửa hàng thuốc ở Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, mấy ngày nay nhiều người đặt mua khẩu trang với số lượng lớn nhưng không nhập được hàng, thêm vào đó giá cả tăng cao chóng mặt, gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với bình thường:

"Trước tình hình dịch bệnh corona, quầy chúng tôi lấy hàng khẩu trang y tế rất khó khăn do nhu cầu tăng cao đột biến. Bình thường ngày trước giá nhập vào chỉ từ 20 đến 30 nghìn một hộp 50 cái,  hiện tại giá nhập hàng tăng gấp đôi, gấp 3 lên đến 70, 80 nghìn một hộp nhưng không có hàng để lấy. Cửa hàng chúng tôi đã gọi từ hôm qua đến giờ mà vẫn  không có hàng để phục vụ khách hàng."

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người dân lo lắng cho sức khỏe gia đình cũng như con em mình nên đã “ráo riết” tìm mua khẩu trang, song không phải ai cũng mua được, thậm chí huy động cả người thân mua khẩu trang từ quê gửi ra:

"Theo khuyến cáo của Bộ Y tế tôi có ra hiệu thuốc mua khẩu trang nhưng cũng không có để mua, do lượng người mua tăng cao nhiều nhà mua hàng trăm cái do dùng một lần thay thường xuyên. Giá cả tăng gấp đôi, đi 4 đến 5 cửa hàng để mua nhưng không có."

"Bây giờ dịch nhiều quá cũng sợ, bình thường mua có 40 nghìn một hộp giờ lên giá 150 nghìn nhưng không có mà mua. Sáng đến giờ tôi đi “lùng” mua mấy cửa hàng mà cũng không có. Giờ đang giờ người nhà ở quê mua để gửi ra đây."

"Cũng rất lo lắng vì bây giờ mới chớm của bệnh nhưng cũng chưa đủ lượng hàng khẩu trang để  bán giá cả bây giờ đã  đắt đỏ tăng cao gấp 2 lần. Nếu sau này xảy ra dịch người dân cũng không biết mua ở đâu."

Trước tình trạng khẩu trang khan hiếm, hôm nay (31/1), một số tổ chức và cá nhân đã phát khẩu trang ễm phí cho người đi đường tại Hà Nội từ 1 đến 3 chiếc. Qua đó, nhằm chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh do virus corona gây ra.

Khẩu trang y tế hiện đang là mặt hàng vô cùng quan trọng, trực tiếp liên quan tới sức khỏe cộng đồng.

Cảnh báo tình trạng thu gom, tăng giá bất hợp lý 

Tổng Cục Quản lý thị trường, (Bộ Công Thương) vừa có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường về việc kiểm tra, kiểm soát tình trạng thu gom, tăng giá bất hợp lý trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe trên thị trường. Văn bản nêu rõ:

Ngày 30/1 vừa qua, Ủy ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế (IHR) đã ra Cảnh báo khẩn cấp toàn cầu đối với sự lây lan của virus corona bên ngoài Trung Quốc.

 Để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng thu lợi bất chính và bảo đảm quyền lợi của người dân trên toàn quốc, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus corona; phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vân chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường là đầu mối theo dõi, phối hợp kiểm tra, thường xuyên tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Tổng cục khi được yêu cầu và sau khi công tác chống dịch kết thúc. Các đơn vị nghiêm túc triển khai và báo cáo kịp thời về Tổng cục nếu có vướng mắc để kịp thời xử lý.

Mức xử phạt ra sao?

Tổng Cục QLTT cho biết, đối với việc kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng khẩu trang y tế:

Điểm c khoản 2 Điều 10 Luật Giá cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Khoản 1 Điều 11 Luật Giá quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục bình ổn giá, đăng ký giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá); phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định.

Khoản 1 Điều 46 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định số 185/2013/NĐ-CP) quy định xử phạt đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.

Điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định “người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá thì mặt hàng khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.

Đối với hành vi kinh doanh hàng nhái, hàng giả là khẩu trang y tế: Nếu có căn cứ để xác định hàng hóa là hàng giả thì hành vi buôn bán hàng giả sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ. Ví dụ, tại Điều 13 quy định xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Đối với hành vi kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng: Chất lượng sản phẩm khẩu trang y tế được quản lý theo tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Bộ TCVN 8389:2010 Khẩu trang y tế. Nếu có căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng thì tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Ví dụ, Điều 17 quy định xử phạt đối với các hành vi không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu; Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng…