Phở và cách tiếp cận văn hóa, bản sắc

Có rất nhiều thứ giá trị trong cuộc sống của chúng ta được giới thiệu bằng cách đưa ra các đánh giá, xếp hạng của người khác. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi: liệu điều đó có khiến chúng ta mất đi thói quen tự đánh giá bản thân, để hiểu và thực sự tự hào về những giá trị của mình?

“Phở là món ngon truyền thống của người Việt từ hàng trăm năm nay, với hương vị nồng nàn, vị ngọt hấp dẫn và một chút cay tê đầu lưỡi. Phở đã trở thành món ăn quốc hồn quốc túy của nền ẩm thực Việt Nam.

Hương vị tuyệt vời của phở đã chinh phục biết bao thực khách và được CNN bình chọn vào top 50 món ăn ngon nhất hành tinh” – đó là những giới thiệu về món phở trên khoang thương gia của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Tất nhiên, tôi hiểu sẽ có nhiều người (trong đó không bao gồm tôi) cho rằng, phở là một trong những món ăn đặc thù của người Việt Nam. Tôi nghĩ, người Việt Nam có rất nhiều món ăn đặc trưng khác, không phải chỉ có mỗi món phở. Nhưng đưa ra thông tin phở là một món ăn có từ hàng trăm năm nay, liệu có chính xác hay không?

Bởi nhiều nhà nghiên cứu, khảo cứu khác nhau đã chỉ ra rằng, phở chỉ xuất hiện trong nửa đầu của thế kỷ 20, chứ không phải là một món ăn lâu đời. Ngay như nơi được coi là phổ biến nhất về món phở là Hà Nội, bạn sẽ rất khó khăn để tìm ra một quán phở nào đó có tuổi đời lâu hơn 30 - 40 năm.

Ảnh nh họa: Shutterstock

Thứ hai, tôi không hiểu lắm về việc phải đưa ra thông tin là CNN đã bình chọn phở là một trong 50 món ăn ngon nhất hành tinh. Thú thực, tôi là người đọc tương đối nhiều và tôi cũng quan tâm đến các bài viết về ẩm thực. Một hãng thông tin nước ngoài như CNN, họ có hàng trăm bảng xếp hạng mỗi năm (như 10 món ăn đường phố tốt nhất châu Á, 100 món ăn hay nhất bạn phải thử, 50 món ăn ngon nhất ở chỗ này, chỗ kia.v.v.).

Những danh sách như vậy thường rất nhiều, hầu như tuần nào cũng có. Việc này rất khác với những giải thưởng, khác với việc một bộ phim được giải Oscar.

Nếu như chúng ta tự tin về món phở là món đặc thù của Việt Nam, tại sao chúng ta phải đưa ra thông tin rằng, một hãng thông tấn nào đó ở nước ngoài xếp hạng món ăn đó, như là một bảo chứng rằng món ăn đó ngon?

Thực ra, cách đưa thông tin quá lên như vậy không phải là một trường hợp riêng lẻ.

Chúng ta đã quen với những giới thiệu thông tin về sản phẩm đặc trưng của địa phương đã bị nói quá lên rất nhiều. Thay vì mô tả các đặc điểm của một sản phẩm, một món ăn, một điểm đến, không ít trường hợp sử dụng việc được một một hãng tin nào đó, được một nhà báo nào đó ở nước ngoài nói đến, được ngợi ca, để coi đó là một giá trị.

Tôi nghĩ, những việc như vậy nên được cân nhắc.

Trở lại với món phở được phục vụ trên khoang thương gia của Vietnam Airlines, giá như nó được giới thiệu như cách mà những người yêu quý ẩm thực như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, hay những nhà văn hóa khác ở Việt Nam đã từng viết, thì thật là thú vị biết bao nhiêu.

Và nếu như có thêm những thông tin hay hơn, không bị nói quá lên về lai lịch, về lịch sử của nó, thì tôi nghĩ nó sẽ mang lại sự thú vị nhiều hơn.

Đó mới là cách tiếp cận đầy văn hóa, đầy bản sắc./.