Phổ cập bơi cho học sinh, đừng chạy theo thành tích

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm có gần 300.000 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước, trong khi con số đó tại Việt Nam là hơn 2.000 trường hợp.

Tai nạn đuối nước trẻ em đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của các cấp các ngành các địa phương, song không phải cách làm nào cũng mang đến hiệu quả. PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung này.

Một buổi tập bơi tại trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa - Ảnh VOV

PV: Theo ông thì nhận thức của cộng đồng về phòng chống đuối nước ở trẻ em hiện nay diễn ra thế nào?

Ông Đặng Hoa Nam: nhận thức chung của cộng đồng người dân, đặc biệt là cha mẹ đã có chuyển biến rõ nét nhưng chưa đồng đều. Ở các khu vực đô thị, cha mẹ rất có ý thức cho con đi học bơi trong mùa hè vì đó kỹ năng sinh tồn cho trẻ. Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặc biệt là Cục thể thao sẵn sàng mở các lớp và cấp chứng chỉ cho các huấn luyện viên và giáo viên thể dục những người có thể dạy bơi cho trẻ.

Còn tại đa số các khu vực nông thôn nghèo, kinh tế xã hội còn khó khăn, phụ huynh chưa có nhiều năng lực để cho con cái học bơi an toàn. Đó là chưa kể ở những vùng này còn chưa có nhiều bể bơi. Tuy nhiên theo xu hướng thì sẽ tăng dần số trẻ được học bơi ở vùng nghèo từ các nguồn tình nguyện của cộng đồng, đóng góp của doanh nghiệp để lắp bể bơi hay tận dụng các thiết chế hồ bơi trong các khu du lịch…bằng mọi cách để có thể tăng số trẻ em có kiến thức kỹ năng về an toàn phòng chống đuối nước.

Ngoài ra ở những nơi chưa có nhiều bể bơi chúng ta có thể mở những lớp về giáo dục kỹ an toàn trong môi trường nước vì không phải người biết bơi là không bị đuối nước. Ở trẻ em cũng vậy, có thể biết bơi nhưng nếu không có kiến thức, nhận thức về nguy hiểm về môi trường nước cũng có thể đuối nước.

Thậm chí có em không có kỹ năng cứu đuối nhưng vẫn nhảy xuống cứu đuối để rồi bị đuối nước. Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta cần ưu tiên mở những lớp về nhận thức, kiến thức về kỹ năng an toàn và lý tưởng là mở những lớp kỹ năng an toàn cho trẻ

PV: Thực tế là thời gian gần đây tại TP.HCM, nhiều trường học yêu cầu học sinh phải có chứng chỉ biết bơi. Các phụ huynh cho rằng nhà trường đang chạy theo thành tích mà không thực sự quan tâm đến khả năng an toàn của học sinh. Quan điểm của ông ra sao?

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Ông Đặng Hoa Nam: Tôi được biết hiện nay Bộ Giáo dục và đào tạo cũng có những thúc đẩy về dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn trong trường học.

Ở quyết định 1248 của Chính phủ về đề án phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho Bộ giáo dục, vấn đề là chúng ta cần chuẩn hóa những lớp học bơi dạy bơi cho dù ở cộng đồng, các thiết chế thể thao văn hóa hay trong trường học, ễn trẻ em đã hoàn thành khóa về bơi an toàn như bơi 25m, nổi trong 90s…nếu đã có chứng chỉ đó thì không phải tham gia học bơi ở trường nữa.

Tôi cho rằng việc liên thông giữa các lớp học bơi dạy bơi hay cấp chứng chỉ cho trẻ em không quá khó, ở cấp độ thành phố, Sở GDD, Sở VHTDTT và Sở LDTBXH hoàn toàn có thể thống nhất và đưa ra giải pháp tốt nhất cho học sinh và phụ huynh

PV: Vấn đề là việc triển khai còn mang tính hình thức, nhiều phụ huynh cũng có tâm lý chạy cho xong chứng chỉ cho con để xong thủ tục nhưng không quá quan tâm đến khả năng bơi thật, phòng chống đuối nước thật?

Ông Đặng Hoa Nam: Tôi nghĩ rằng bệnh thành tích không chỉ đến từ trường học mà cũng có thể từ phụ huynh nữa. 1 chứng chỉ giả về hoàn thành học bơi an toàn ở trẻ cũng đồng nghĩa với sự nguy hiểm tính mạng của trẻ.

Tôi có 1 lời khuyên rất thực với các phụ huynh là hãy để cho con em mình được học bơi và những kỹ năng an toàn và được công nhận hoàn thành các lớp như vậy bởi các lớp học này thường không mất nhiều thời gian, chỉ khoảng 10 buổi thôi. Trong khuôn khổ mô hình các dự án của chúng tôi có đến 90-95% trẻ em hoàn thành các khóa học này.

Một lần nữa chúng tôi kêu gọi cha mẹ chớ có dại cho con chạy theo bệnh thành tích và lấy những chứng chỉ giả đó, và chắc chắn pháp luật sẽ xử lý nghiêm đối với những tổ chức/cá nhân cấp chứng chỉ giả đó

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!