Pháp cấm chuyến bay chặng ngắn nhưng hiệu quả không cao

Hạn chế tối đa các chuyến bay chặng ngắn, khuyến khích đi tàu hỏa hoặc các phương tiện giao thông khác là kế hoạch đang được Pháp và nhiều quốc gia châu Âu triển khai nhằm cắt giảm lượng khí thải từ ngành hàng không.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, kế hoạch này thực tế chỉ mang ý nghĩa ‘biểu tượng’, bởi không đem lại hiệu quả như chính phủ nhiều nước mong đợi.

Một máy bay của Air France cất cánh từ Sân bay Paris Charles de Gaulle - Ảnh Bloomberg

Chính phủ Pháp mới đây ban hành lệnh cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn nhằm giúp nước này cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm từ hàng không dân dụng. Theo đó, các hãng hàng không sẽ không được thực hiện những chuyến bay, nếu giữa hai điểm đến có hành trình đi lại bằng tàu hỏa dưới 2 giờ 30 phút.

Ông Clément Beaune, Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp ca ngợi, động thái này là bước đi tiên phong, mạnh mẽ và cần thiết của nước Pháp trong nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu: “Khi tất cả chúng ta đang đấu tranh không ngừng để giảm lượng khí thải carbon, chẳng lý do nào biện nh cho việc sử dụng máy bay để di chuyển giữa các thành phố có thể kết nối nhanh chóng và hiệu quả bằng tàu hỏa”.

Theo ông Beaune, việc cấm các chuyến bay chặng ngắn hoàn toàn phù hợp với chính sách thúc đẩy các phương thức vận tải ít phát thải khí nhà kính hơn.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Olivier Veran, Người phát ngôn của Chính phủ Pháp khẳng định: “Việc cấm các chuyến bay chặng ngắn là trường hợp đầu tiên trên thế giới được thông qua. Đây là lựa chọn của người dân, do người dân quyết định và chính phủ Pháp chỉ đang biến lựa chọn đó thành hành động cụ thể”.

Thực tế, lệnh cấm bay giữa những thành phố có thể đi lại bằng tàu hỏa đã được các nhà lập pháp thông qua từ năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh du lịch hàng không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đến nay sắc lệnh mới được thực hiện.

Sau quyết định của Chính phủ, nhiều người Pháp cũng bày tỏ quan điểm tích cực, đồng thời kỳ vọng kế hoạch này có thể góp phần bảo vệ môi trường, thay đổi chiến lược phát triển giao thông ở cấp quốc gia.

Anh David Rineau, một người dân Paris bày tỏ: “Ở góc độ sinh thái, tôi thấy đây là giải pháp quan trọng và cần thiết. Lẽ ra nó phải được thực hiện từ lâu, đặc biệt khi Pháp có rất nhiều tuyến đường sắt. Chúng tôi có nhiều cách để đi lại, hơn là chỉ sử dụng máy bay”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tự hào, Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện lệnh cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn. Đây là bằng chứng cho thấy nước này đang đi tiên phong trong các chính sách chống biến đổi khí hậu đầy tham vọng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, lệnh cấm các chuyến bay ‘chỉ mang tính biểu tượng’ và tác động rất ít đến việc giảm lượng khí thải. Bởi thực tế nó chỉ áp dụng cho các chuyến bay có giải pháp thay thế bằng tàu cao tốc với thời gian di chuyển ít hơn 2h30 phút.

Hạn chế tối đa các chuyến bay chặng ngắn, khuyến khích đi tàu hỏa hoặc các phương tiện giao thông khác là kế hoạch đang được Pháp và nhiều quốc gia châu Âu triển khai nhằm cắt giảm lượng khí thải từ ngành hàng không - Ảnh nh họa Getty

Ngoài ra, đường sắt cũng phải đáp ứng yêu cầu tăng lịch trình tàu chạy sớm và muộn, cho phép hành khách đến và đi từ điểm xuất phát của họ trong cùng một ngày, đồng thời có thời gian ít nhất 8 tiếng ở điểm đến. Bên cạnh đó, lệnh cấm còn có ‘ngoại lệ’ là không áp dụng cho các chuyến bay chuyển tiếp.

Với những hạn chế đó, hiện cả nước Pháp chỉ có 3 đường bay từ sân bay Orly ở Paris đến các thành phố Bordeaux, Nantes và Lyon bị hủy. Tuy nhiên, các chuyến bay này đã bị cắt giảm từ năm 2020 do COVID-19, vì vậy lệnh cấm đơn giản là… ‘chưa có tác dụng’.

Ông Max BoyKoff, chuyên gia hàng không từ Đại học Colorado nhận định: “Tôi nghĩ, đây là thử nghiệm mà các quốc gia khác có thể xem xét học hỏi, dù tác động thực tế là khá nhỏ. Tuy nhiên, hoạt động mang tính biểu tượng này cũng giúp mở ra những cuộc thảo luận để tìm giải pháp cắt giảm khí thải ở những lĩnh vực khác”.

Các chuyên gia cho rằng, lệnh cấm ‘nghe có vẻ’ là một ý tưởng hay để giúp chống biến đổi khí hậu, song những ràng buộc đi kèm đã  hạn chế nghiêm trọng phạm vi ảnh hưởng của nó.

Theo ông Laurent Donceel, Giám đốc điều hành Hiệp hội hàng không châu Âu (Airlines for Europe), đây dường như chỉ là ‘lệnh cấm tượng trưng’ và thực tế tác động không đáng kể đến giảm lượng khí thải carbon.

Được biết, lệnh cấm các chuyến bay chặng ngắn dự kiến áp dụng trong ít nhất 3 năm, sau đó chính phủ Pháp sẽ phân tích tác động của nó trước khi thực hiện những bước đi mới.

Hiện Air France là hãng hàng không đầu tiên cam kết tuân thủ quy định, đổi lại hãng này sẽ nhận được gói hỗ trợ tài chính liên quan đến dịch COVID-19. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải Pháp cũng cho biết, sẽ áp dụng mức phí khí thải cao hơn đối với người sử dụng máy bay cá nhân vào năm 2024.

Thực tế, Pháp không phải là quốc gia châu Âu duy nhất áp dụng chính sách cứng rắn đối với các chuyến bay ngắn. Nhiều nước, trong đó có Áo, Đức, Tây Ban Nha cũng đang vạch kế hoạch cắt giảm các chuyến bay chặng ngắn để thay thế bằng lộ trình tàu hỏa phù hợp.

Tại Việt Nam, hàng không được xem là phương thức vận tải nhanh, an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch, giao thương và vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng. Đồng thời tạo việc làm và đóng góp lớn GDP cho nền kinh tế trong, ngoài nước. Song, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, ngành Hàng không cũng gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, trong đó, khí thải máy bay là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2030 sẽ xây dựng mới 16 tuyến đường sắt quốc gia với tổng chiều dài hơn 4.800km. Đến năm 2050, xây dựng mới 25 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng trên 6.300km.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đường sắt có ưu thế là loại hình vận tải ít tác động đến môi trường; vận chuyển hành khách, hàng hóa khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn… nên mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư đường sắt rất lớn, nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn chế, hiệu quả tài chính đầu tư đường sắt thấp nên khó thu hút vốn từ xã hội hóa.