Làm xe ôm truyền thống đã 20 năm nay, ông Phạm Duy Tùng, cư trú ở Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội, cho rằng, nghề của ông ở trong khu vực lao động phi chính thức. Điều đó biểu hiện qua việc không ràng buộc với một tổ chức, đoàn thể bằng hợp đồng, phúc lợi xã hội cũng hoàn toàn do ông tự đóng cho bản thân.
Ông Tùng khẳng định, cấp thẻ hành nghề cho tài xế xe ôm có nhiều lợi ích: Cơ quan chức năng dễ quản lý, ông và các đồng nghiệp cũng có một sự công nhận chính thức về nghề, từ đó nâng cao nhận diện và sự nhìn nhận, quan tâm chú ý của xã hội.
“Không có vấn đề gì từ trước đến nay cả, vì mình làm lao động chân chính, kiếm ếng ăn hàng ngày. Giờ có giấy tờ xin xác nhận của phường thì cũng là đúng đắn. Mình đi đâu, nhỡ có vấn đề gì, có xác nhận mình là xe ôm truyền thống”.
Trong khi đó, anh Vũ Đình Tuấn, một tài xế xe ôm công nghệ bày tỏ sự băn khoăn, nếu có thẻ hành nghề thì phải coi việc chở khách trên xe hai bánh là một ngành nghề thực thụ. Trong khi anh vẫn được các công ty đứng sau ứng dụng đặt xe gọi là “đối tác”:
“Nếu xác định nghề nghiệp thì phải làm việc cho công ty, bảo hiểm, chế độ đầy đủ thì cái thẻ đấy mới cần thiết. Còn hiện nay, chúng tôi chỉ là đối tác, tôi rảnh thì tôi ra tôi chạy. Tôi thấy có sự hợp lý và cả bất hợp lý. Vì đặt qua app, chúng tôi đã được xác định là tài xế rồi. Khách hàng đặt xe qua app thì cũng không cần kiểm tra thẻ nữa, vì nó cũng không cần thiết”.
Đồng tình quan điểm này, anh Phan Hải Bằng, một shipper ở Tuyên Quang, làm việc tại Hà Nội phân tích: Việc cấp thẻ vật lý với giấy xác nhận của cấp phường, xã là thừa thãi trong thời đại số hóa. Bởi các đơn vị tuyển dụng tài xế đòi hỏi bộ hồ sơ và lý lịch tư pháp, cùng khả năng quản lý, đồng bộ thông tin rất rõ ràng, bao gồm cả mã số thuế bằng công nghệ.
“Mình thấy đề xuất này cảm thấy chưa cần thiết lắm. Bây giờ cần xác nhận shipper hay xe ôm, thì với ai chạy app thì đều đóng hồ sơ qua công ty, đoàn thể rồi. Nếu xác nhận thì nên làm việc với công ty luôn. Còn cái xác nhận cần là cần với những ai không có thông tin gì, tự do, không đoàn thể. Để tránh hiện tượng, hiện nay các vụ cướp đều rơi vào trường hợp đối tượng không có thông tin gì cả”, anh Bằng cho biết.
Anh Trần Tiến Hiệp, một xe ôm công nghệ ở Long Biên, Hà Nội lại có góc nhìn trung dung hơn. Theo anh, việc xác nhận một lần duy nhất là cần thiết để thuận tiện cho việc quản lý đội ngũ tài xế xe ôm, shipper, cùng với đó đảm bảo quyền lợi cho chính tài xế và hành khách.
“Em đồng ý với điều đó. Mình chỉ mất chút thời gian thôi nhưng nó có lợi. Kể cả những ai làm công ty hay các bác xe ôm truyền thống cũng nên ra xã, phường làm cái xác nhận một lần. Ở góc độ khách hàng, nếu muốn biết người ta có phải xe ôm thật hay không, có thể kiểm tra thẻ đấy để đi lại sao cho an toàn”.
Theo dự thảo của UBND TP Hà Nội, xe ôm, shipper phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào Thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ này do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.
Nhiều ý kiến e ngại về việc phát sinh thủ tục hành chính, quá tải cho đơn vị xác nhận, trong bối cảnh số lượng tài xế xe ôm, shipper rất lớn, khó định lượng. Bởi thực tế, bất cứ ai cũng có thể trở thành xe ôm, shipper khi kinh tế chia sẻ đang ngày một phát triển dựa vào công nghệ.
Các tài xế xe ôm công nghệ đều bày tỏ, việc cấp thẻ hành nghề nên được cơ quan chức năng đồng bộ dữ liệu với các công ty đứng đằng sau các ứng dụng gọi xe, đặt giao hàng, tránh phải khai lại gây lãng phí thời gian, nguồn lực xã hội.