Phân loại rác tại nguồn: Vẫn còn nhiều khó khăn

Sau hơn 9 tháng thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 5 quận, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, dần hình thành thói quen phân loại rác. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, các đơn vị thu gom, xử lý rác thải vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Một cửa hàng bán đồ ăn sáng trên phố Quán Sứ luôn tấp nập khách ra vào, đồ uống được để trong các chai nhựa hoặc cốc nhựa. Một nhân viên bán hàng cho biết, dù cửa hàng muốn phân loại các loại rác thải nhựa nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được:

"Bởi vì bọn em phục vụ bên trong, quay ra quay vào, khách không biết, khách vứt lung tung nên bọn em lại phải chạy ra nhặt về. Người ta không biết tưởng mình không phân loại rác, mình có phân rồi nhưng khách không biết vứt lung tung"

Từ giữa năm 2024, phân loại rác tại nguồn đã được thí điểm trên toàn bộ 18 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Theo đó, rác được phân thành 4 loại: rác thải cồng kềnh, rác tái chế, rác nguy hại và các loại rác còn lại.

Ảnh nh hoạ

Bày tỏ quan điểm về cách phân loại này, một số người dân cho biết:

"Hơi bất cập một tý vì mình không có diện tích nên hơi bất tiện"

"Trong các nhà hàng, trường học nếu phân được như thế sẽ là tốt, còn nếu phân ở trong gia đình mà bảo từng hộp từng loại hơi khó, vì nhiều nhà nhỏ. Còn rác cồng kềnh nếu không có người trực thì người ta cứ vứt đại, chỉ thấy thứ 7, CN có người ngồi, còn bình thường chưa có người ngồi".

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài Nguyên và môi trường Hà Nội cho biết, quá trình thí điểm phân loại rác tại nguồn cũng đã đạt được một số kết quả nhất định như thu gom được 160 tấn rác thải cồng kềnh, giảm khối lượng rác thải phải mang đi xử lý. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, giai đoạn đầu xảy ra hiện tượng bỏ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định, không cho vào túi kín gây mất vệ sinh môi trường:

"Thứ nhất, người dân chưa có thói quen về phân loại nên giai đoạn đầu tỷ lệ người dân phân loại rác tại nguồn chưa cao, vi phạm vẫn xảy ra, phải tiếp tục nhắc nhở và tuyên truyền. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát về phía chủ đầu tư hay là công tác xử phạt chưa được thường xuyên liên tục bởi vì lực lượng của các phường và các chủ đầu tư là còn khá mỏng và thiếu trang thiết bị, phương tiện".

Ảnh nh hoạ

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) là đơn vị đầu tiên thực hiện thu gom, xử lý rác của chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn. Đơn vị đã đầu tư nhiều trang thiết bị, xe chở rác và nhà máy xử lý rác thải cồng kềnh để phục vụ quá trình này. Tuy nhiên, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải là còn thiếu những hướng dẫn, cơ chế cho các doanh nghiệp thu gom, xử lý rác.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc (Urenco) chia sẻ: "Gần đây nhất Bộ Tài nguyên Môi trường mới ban hành quy trình, định mức cho công tác phân loại rác này. Tuy nhiên chưa có hướng dẫn để tính toán đơn giá thu gom, vận chuyển cũng như xử lý các loại chất thải này và về chi phí để xử lý chất thải nguy hại. Hiện nay tôi đang tạm lưu giữ chất thải nguy hại tại các địa điểm đó và thời gian lưu giữ cũng chỉ được 1 năm. Chính vì vậy,  cũng phải có cơ chế và hướng dẫn để xử lý những loại chất thải chất thải nguy hại."

Theo Luật Bảo vệ môi trường, từ 1/1/2025 bắt buộc thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp, đơn vị thu gom, xử lý rác thải.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng có thể xem xét trang bị hệ thống camera nhận diện và sử dụng công nghệ mới để giám sát, xử lý vi phạm được triệt để những hành vi vi phạm, tăng tính răn đe. Song điều quan trọng là mỗi người dân, gia đình, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức cần nêu cao ý thức thực hiện phân loại rác tại nguồn để xây dựng môi trường của thủ đô xanh, sạch, đẹp.