Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Gia đình bà Lê Thị Ánh ở Khu vực 7, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã quen với việc phân loại và xử lý rác hữu cơ tại nhà. Rác hữu cơ gồm rau củ quả, thức ăn thừa được phân loại riêng và ủ làm phân bón cho cây trồng.
Bà Lê Thị Ánh chia sẻ: 'Ủ phân thì tôi ủ mục rôi bón cho cây rất tốt để mình trồng cây. Thấy cũng có ích đó, làm phân cho cây cối. Tôi thấy cũng tốt, tại vì phân loại rồi mình bỏ ra có người thu gom nó cũng sạch sẽ môi trường hơn, mình khỏi phải bỏ bừa bãi, đốt'.
Đó là với hộ gia đình, còn với những đường nông thôn còn nhỏ, xe công trình đô thị của thành phố không thể vào lấy rác thì Hội Phụ nữ Phường Ngã Bảy vận động kinh phí từ các hộ gia đình thuê người đến tận nhà nhận rác mỗi sáng thứ 3 và thứ 7 để vận chuyển đến nơi tập kết. Từ khi có mô hình này, đường làng, ngõ xóm không còn tình trạng rác vứt bừa bãi ra môi trường. Trong nhà mỗi hộ dân đều có 2 thùng đựng rác phân loại rõ ràng.
Chị Nguyễn Thị Yến, Phường Ngã Bảy, TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang phấn khởi: 'Rất tiện luôn, thay vì lúc trước đi bỏ rác hơi xa thì giờ sáng có người lại lấy thu gom rác. Rác thì mình phân loại ra, như rau củ thì bỏ riêng ra, có vườn thì mình đem ra ủ làm phân tưới cây rất tốt, còn lại bọc thì túi xốp bỏ cho xe đẩy đi.
Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Ngã Bảy trao gần 360 sọt rác cho hơn 170 hộ gia đình để tiện phân loại. Việc phân loại này giúp giảm lượng rác không thể tái chế đem đi chôn lấp chỉ còn 20%. Từ đó giảm áp lực cho các nhà máy xử lí rác đang quá tải hiện nay.
Cùng với việc phân loại rác, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp cùng Phòng Tài nguyên và Môi tường thành phố Ngã Bảy triển khai kế hoạch thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh” đến năm 2025. Trong đó, thí điểm 2 mô hình tại ấp Đông Bình, xã Tân Thành và tại ấp Ba Ngàn A, xã Đại Thành. Mỗi mô hình sẽ tập trung xử lý rác cho khoảng 100 hộ dân.
Đối với thành phố Ngã Bảy, công tác thu gom và xử lý rác thải thời gian qua được ngành chức năng thực hiện cơ bản, tỷ lệ thu gom xử lý rác đạt 80%. Ngoài rác do Công ty cổ phần cấp thoát nước- công trình đô thị thu gom xử lý, thành phố còn thành lập được trên 40 tổ thu gom rác, xây dựng được 3 mô hình phân loại xử lý rác tại hộ gia đình.
Tỉnh Hậu Giang đang thực hiện đề án “Hậu Giang xanh” với mục tiêu xây dựng tỉnh thành nơi đáng sống. Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết địa phương đang tập trung in ấn tài liệu để thực hiện công tác tuyên truyền rộng rãi ra người dân biết và hiểu về đề án. Giao Sở tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở nông nghiệp, Liên nh HTX, cùng với UBND cấp huyện lập các dự án đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh, chuẩn bị dự án vào năm 2022.
Trong đó, có trồng cây xanh, dự án mua sắm các thùng chứa rác hoặc xây dựng các hố thu gom vỏ chai thuốc BVTV và đẩy nhanh tiến độ nhà máy điện rác trên địa bàn tỉnh và dự án xử lý triệt để các bãi rác hiện hành trên đại bàn tỉnh như: bãi rác Kinh Cùng, bãi rác Long Mỹ và bãi rác Tân Tiến.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: 'Mục đích đề án nhân rộng các mô hình. Các mô hình thời gian qua mặc dù tự phát, nhưng trên cơ sở đó chúng tôi kiểm chứng lại rõ ràng các mô hình này rất hiệu quả.
Người dân tự nguyện, tự giác thì người ta mới tham gia triệt để. Trên cơ sở những mô hình như thế, chúng tôi sẽ tổng hợp lại các mô hình để nhân rộng trong địa bàn tỉnh. Rất hy vọng người dân trong tỉnh đồng lòng tham gia thì đề án Hậu Giang xanh chúng ta sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt'.
Bất kỳ hành động dù nhỏ như thu gom, phân loại hay tái chế rác nhưng có thể làm thay đổi vấn đề môi trường của chúng ta. Từ những hành động dù nhỏ sẽ nhân lên thành kết quả lớn nếu nhiều người đồng lòng chung tay thực hiện.
Bảo vệ và trân quý môi trường sống, chung tay vì môi trường, đó cũng chính là bảo vệ sinh mệnh của chính chúng ta.