Phải áp dụng công nghệ để ngăn chặn tình trạng “chung chi” trong xử phạt giao thông

Có lo ngại cho rằng, với mức mức tiền phạt tăng vọt như quy định, nguy cơ xuất hiện tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm cũng cao hơn.

Xung quanh nội dung này, PV VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội.

Đón nghe Tọa đàm với chủ đề: Xử phạt giao thông: Khi thuốc đã “kịch đắng” 16h00, Chủ Nhật (05/1/2025), trực tiếp trên VOVGT FM91 và Fanpage/Youtube VOV Giao thông.

Với sự tham gia của khách mời: Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (Bộ Công an).

PV: Một trong những băn khoăn của người tham gia giao thông là việc tăng mức phạt trong lĩnh vực giao thông có thể gia tăng nguy cơ “chung chi” của lực lượng thực thi công vụ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Tôi cho rằng không loại trừ những trường hợp - tất nhiên cũng cá biệt - là những việc “chung chi” giữa những người thực thi nhiệm vụ và những người vi phạm. Bởi vì do mức phạt cao, và cái thứ hai nữa là chúng ta chưa có những giải pháp triệt để để ngăn chặn tình trạng này.

Cho nên lâu nay dư luận vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tình trạng tiêu cực của lực lượng thực thi nhiệm vụ trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Và cũng nhiều trường hợp đã bị xử lý, kể cả về mặt hình sự đói với các trường hợp có cái vi phạm trong việc thực thi nhiệm vụ này.

Ảnh nh họa

PV: Vậy, làm thế nào để có thể kiểm soát những nguy cơ đó?

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Tôi thiết nghĩ rằng để ngăn chặn tình trạng này thì phải áp dụng biện pháp về công nghệ để kiểm soát được các hành vi của người thực thi nhiệm vụ và của người vi phạm trong các trường hợp xử lý vi phạm đối với trường hợp này.

Tôi cho rằng tất cả các trường hợp khi mà lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm, rồi lực lượng làm nhiệm vụ giám sát các hành vi vi phạm bằng các phương tiện, thiết bị công nghệ thì phải có các quy định rất chặt chẽ để làm sao tất cả các hành vi vi phạm đều được ghi nhận và được lập biên bản và xử lý, tránh trường hợp có thể xóa các hình ảnh, thay đổi hành vi vi phạm; rồi biên bản xử lý vi phạm thì đáng lẽ hành vi vi phạm với mức phạt cao hơn thì có thể chuyển đổi hành vi để áp dụng mức phạt thấp hơn, để ngăn chặn việc “chung chi” trong khi thực thi nhiệm vụ.

PV: Xin cảm ơn ông!