Ô nhiễm không khí đang hủy hoại sức khỏe như thế nào?

Khoảng 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm trên toàn cầu do ô nhiễm không khí (ONKK), nhiều hơn số người chết do các bệnh nguy hiểm như AIDS, ho gà, sốt rét; thậm chí nhiều hơn cả thương vong do khủng bố và chiến tranh.

Còn tại Việt Nam, mỗi năm, ít nhất 70.000 người chết vì ô nhiễm không khí. Trung bình cứ 7,5 phút lại có một người ra đi, vì một căn bệnh nào đó do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí, “sát thủ” giấu mặt, đang âm thầm hủy hoại sức khỏe của chúng ta như thế nào? Các đô thị đang làm gì để bảo vệ người dân trước những nguy cơ này?

Đón nghe Diễn đàn 91, phát sóng trực tiếp lúc 12h30'-13h30', thứ Năm (24/10/2024) trên tần số FM91 của Kênh VOV Giao thông Hà Nội và TP. HCM và vovgiaothong.vn với chủ đề: Ô nhiễm không khí đang hủy hoại sức khỏe như thế nào?

Cùng sự tham gia của các vị khách mời: TS Nguyễn Thị Trang Nhung - Giảng viên Trường ĐH Y tế Công cộng và bà Nguyễn Hoàng Ánh - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất lượng môi trường Bộ Tài nguyên & Môi trường

Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ BÀO MÒN SỨC KHỎE VÀ TÚI TIỀN 

Từ 6 tháng nay, bạn Lan Phương ở Yên Nghĩa, Hà Đông đã chuyển sang sử dụng tàu điện trên cao vì cảm thấy sức khỏe bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, đặc biệt mỗi khi phải đứng chôn chân hàng tiếng đồng hồ trong bầu không khí đặc quánh, ngột ngạt do bị tắc đường:

"Em thấy không khí khá là kém, không khí ngột ngạt quá, nhiều khi em đi đường em thấy bị say, chóng mặt  xong về đến nhà em mới hết. Về đến nhà cái khẩu trang này phải vứt ngay, phải rửa mặt, tẩy trang để đỡ bám bụi bẩn".

Những công trình xây dựng đang thi công nhưng không che chắn cẩn thận, tình trạng đốt rác tự phát diễn ra trên nhiều con đường tuyến phố khiến chất lượng không khí xấu đi, nhất là vào “mùa ô nhiễm”, từ tháng 10 đến tháng 2 hàng năm.

Ảnh: TTXVN

 

 

Để bảo vệ sức khỏe bản thân, chị Hoàng Ngọc ở Cầu Diễn, Hà Nội đã mua máy lọc không khí cho gia đình, trang bị thêm nhiều vật dụng để hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ONKK:

"Em cảm thấy chất lượng không khí trong vài năm gần đây giảm đi rất nhiều, bình thường như các năm trước em bỏ khẩu trang lưu thông trên đường thấy vẫn bình thường nhưng thời gian gần đây mỗi khi đi về nhà cảm thấy người rất khó chịu, mũi ngứa hơn và cảm thấy bị khó thở. Em mất thêm tiền để mua khẩu trang, mua nước muối rửa mũi … là những chi phí tốn thêm".

Không ít người dân lo lắng ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe và làm trầm trọng hơn các bệnh lý sẵn có:

"ONKK ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nếu những người sống gần khu vực bị ô nhiễm gặp các vấn đề về phổi, hô hấp".

"Đội khi lưu thông trên đường nhiều, đôi khi tôi mắc một số bệnh về hộ hấp, bị viêm phổi, ngẹt mũi. Tôi nghĩ cần có biện pháp khắc phục tình trạng này".

Theo TS.BS Phan Thị Kim Dung, Trưởng khoa Nhi hô hấp, Bệnh viện Xanh Pôn, ONKK hiện nay được coi là mối đe dọa đến sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Đặc biệt, hạt bụi mịn PM2.5 có thể lọt qua hệ thống ễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp, hệ tuần hoàn và cả mạch máu của con người. Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe cả về  ngắn hạn và dài hạn:

"Tác động ngắn hạn chỉ nhìn thấy kích ứng mũi họng, nhiễm trùng mắt, dị ứng mề đay, tác động về lâu dài là các bệnh đường hô hấp mãn tính, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hen phế quản, viêm họng mãn tính.. Những bệnh hay gặp nhất ở trẻ nhỏ.

Vì ONKK hầu hết xuất hiện từ trong thời kỳ bào thai và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của phổi. Các em thường có biểu hiện về hô hấp rõ ràng và thường xuyên hơn. Đối với người trưởng thành, ONKK vừa là nguyên nhân hình thành các bệnh mới, vừa là yếu tố làm trầm trọng hơn bệnh hiện có như bệnh hen suyễn ở người già, tim mạch, ung thư phổi, parkison…"

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng bệnh nhi đến khám hô hấp tại BV Xanh Pôn trong 6 tháng đầu năm nay là trên 78.600 trẻ em. Trong những ngày ô nhiễm không khí tăng, số lượng  trẻ đến khám vì các bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng, mề đay ngứa, kích ứng đường hô hấp có xu hướng tăng. Tại bệnh viện Phổi trung ương, thời điểm giao mùa hay ô nhiễm không khí tăng, lượng bệnh nhân đến khám cao hơn khoảng 20% so với ngày thường.

Còn theo thông tin từ Khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), tỉ lệ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em tại TP.HCM, một trong 2 thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao là 29%, trong khi ở Cần Thơ hoặc Lâm Đồng chỉ 5%.

Theo báo cáo Hiện trạng bụi PM2.5 và tác động sức khỏe tại Việt Nam năm 2021 (do Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Y tế Công Cộng và Trung tâm Sống và Học tập Vì môi trường và Cộng Đồng thực hiện), năm 2019 có trên 56.800 người tử vong sớm vì bụi PM 2.5 tại Việt Nam, chiếm khoảng 9,9% tổng số ca tử vong do các nguyên nhân tự nhiên tại Việt Nam.

Bên cạnh gánh nặng về bệnh tật và tử vong sớm, ô nhiễm không khí còn gây ra thiệt hại về kinh tế do phải chi trả chi phí khám chữa bệnh hoặc nghỉ ốm do bệnh hô hấp, Thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại tới 5-7% GDP hằng năm.

Ảnh: Môi trường và Xã hội

LỘ TRÌNH NÀO ĐỂ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ?

TS Nguyễn Trung Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, để Hà Nội có thể cải thiện chất lượng không khí, thì việc quan trọng là cần phải có mạng lưới quan trắc không khí và có sự phân tích các dữ liệu từ các trạm quan trắc, cung cấp thông tin cho các nhà quản lý, những người xây dựng chính sách.

Đồng thời, các đô thị  phải xác định chính xác nguồn phát thải chính và đưa ra những giải pháp khoa học để “chữa căn nguyên”:

"Để làm cái đó cần rất nhiều giải pháp, phải có phương tiện sạch nhất có thể trong điều kiện của mình, nhiên liệu phải đáp ứng và cơ sở hạ tầng phải được đầu tư. Nghiên cứu của chúng tôi, nếu các tuyến xe bus BRT tăng 30% tốc độ trung bình của xe bus Hà Nội có thể giảm được mức phát thải. Nếu mà ý thức của người dân tốt hơn, đỡ tăng đường, tăng vận tốc lên, giảm phát thải".

Theo TS Đinh Thị Thanh Bình, Giảng viên trường Đại học giao thông vận tải Hà Nội,  nguồn phát thải ô nhiễm phương tiện từ giao thông là chủ yếu. Vùng phát thải thấp là một biện pháp quản lý giao thông đô thị vừa có thể giải quyết ùn tắc giao thông, vừa có thể cải thiện chất lượng không khí:

"Gốc rễ của nó là giải quyết bài toán ùn tắc giao thông trên toàn thành phố và ứng dụng phương tiện xanh hơn, sạch hơn. Khái niệm xanh hơn, sạch hơn là lượng phát thải trên một chuyến đi, hoặc trên một tấn hàng hóa thấp. Thứ hai là xe xanh, xe sạch tiêu thụ nhiên liệu tiết kiệm, nhiên liệu sạch. Thứ ba là giải quyết ùn tắc giao thông mới là cốt lõi".

TS Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, để kiểm soát và hạn chế ô nhiễm không khí, các đô thị, trong đó có Hà Nội cần song song thực hiện cả những giải pháp ngắn hạn, cấp bách và những giải pháp dài hạn:

"Vừa rồi, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đề ra nhiều biện pháp để làm sao cải thiện chất lượng không khí, kiểm soát tốt hơn nguồn thải. Tuy nhiên, kế hoạch đấy mới được ban hành nên tôi nghĩ các cơ quan hữu quan của Hà Nội đang chuẩn bị kế hoạch để thực hiện.

Hà Nội có rất nhiều bụi từ công trình xây dựng, hạ tầng. Hà Nội cũng nên bàn bạc tăng cường rửa đường nhưng rửa vào lúc nào, tuyến đường nào, bây giờ cuộc sống hiện đại rồi cũng cần bàn bạc kĩ vừa sạch đường vừa thuận tiện giao thông".

Ảnh: VnExpress

HÀ NỘI THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG “VÙNG PHÁT THẢI THẤP” ĐẦU TIÊN TẠI Q. HOÀN KIẾM

Bàn luận thêm liên quan đến vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội.

PV: Hà Nội đã ban hành Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và môi trường đã triển khai kế hoạch này như thế nào? Tiến độ ra sao?

Bà Lê Thanh Thủy: Từ đầu năm đến nay, sau khi Hà Nội ban Kế hoạch quản lý chất lượng không khí, Sở Tài Nguyên và môi trường Hà Nội đã rà soát tất cả các văn bản, chương trình, chính sách pháp lý có liên quan đến không khí, cũng như các nội dung liên quan khác đến giao thông, nông nghiệp, quản lý công nghiệp, quản lý đô thị để chúng tôi có thể xây dựng lại một hệ thống cơ sở thông tin.

Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch và đến năm 2025, Hà Nội chính thức thực hiện kiểm kê các nguồn thải dẫn đến ONKK cho thành phố Hà Nội. Đây là một nội dung mà lần đầu tiên Hà Nội sẽ triển khai tổng thể và một cách toàn diện.

Chúng tôi cũng đang phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế về phương pháp để làm sao vừa đảm bảo khoa học, đảm bảo tính tin cậy về mặt chuyên môn đối với hoạt động này. Bên cạnh đó chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT hay Sở NN và phát triển nông thôn để thống nhất các nội dung liên quan đến chương trình giao thông xanh giảm thải ô nhiễm cho thành phố Hà Nội, hay từ nguồn đốt hở, đốt rơm rạ hay các hoạt động nông nghiệp.

Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các sở liên quan để thực hiện. Trong năm nay, Hà Nội ưu tiên vào rà soát để xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng không khí, từ đó có thể đưa ra các chính sách và các giải pháp trong thời gian tới.

PV: Hà Nội có kế hoạch xây dựng khu vực Phát thải thấp. Xin bà chia sẻ cụ thể về kế hoạch này và lộ trình thực hiện như thế nào?

Bà Lê Thanh Thủy: Quốc Hội vừa mới thông qua Luật Thủ đô cho thành phố Hà Nội. Tại Điều 28 của Luật Thủ đô đã quy định tiêu chí hoặc quy định các giải pháp để xây dựng các vùng phát thải thấp cho thành phố Hà Nội.

Đây là một cơ sở pháp lý rất quan trọng để Hà Nội có định hướng và cơ sở để xây dựng các khu vực phát thải thấp cho thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ quan đầu mối.

Chúng tôi phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các Sở ngành khác xây dựng Nghị quyết về vùng phát thải thấp và trình Hội đồng nhân dân vào tháng 12 năm nay. Trong trường hợp Hội đồng nhân dân thông qua, sẽ là cơ sở pháp lý để Hà Nội bắt tay ngay vào việc xây dựng khu vực phát thải thấp của thành phố Hà Nội. Tôi cũng vui mừng thông báo quận Hoàn Kiếm sẽ là quận tiên phong xây dựng khu vực phát thải thấp.

PV: Xin cảm ơn bà!