Nối da thành công cho cô gái bị máy cuốn sợi kéo toàn bộ mảng da đầu

Một nữ bệnh nhân bị tai nạn lao động, cuốn tóc vào máy sợi khiến mảng da đầu bị lóc rời hoàn toàn. Rất may, ê-kíp bác sĩ Chợ Rẫy phẫu thuật nối da thành công, đây là ca đầu tiên dùng phương pháp nối mạch máu da đầu bằng vi phẫu.

Bác sĩ Hiệp và bệnh nhân sau một tháng phẫu thuật ghép da đầu

Trước đó, chị  Phu Thị Kiều O. ( 28 tuổi, ngụ Tây Ninh) đang làm việc tại nhà máy kéo sợi. Bệnh nhân không đội mũ bảo hộ nên khi cúi đầu về phía trước đã bị máy cuốn lóc toàn bộ mảng da đầu. Bệnh nhân được sơ ở bệnh viện địa phương chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 18/1.

Khi tiếp nhận, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân bị lóc toàn bộ da đầu, mất một phần tai trái và lộ xương sọ. Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân được làm sạch da đầu, xử lý tóc, làm sạch các dị vật mảnh da rời kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ rồi mới phẫu thuật nối da vào đầu. Ca phẫu thuật kéo dài 4,5 tiếng. Sau mổ 1 tuần, vạt da tốt. Tai cũng được bảo tồn tối đa.

PGS.TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng – Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là một tổn thương rất nặng và rất khó xử lý. Trước đây có nhiều trường hợp tai nạn lao động bị lóc da đầu cũng đã được điều trị tại khoa, nhưng đây là lần đầu tiên việc nối trường hợp bị lóc da đầu hoàn toàn và thành công. Khó khăn nhất là đây là một phẫu thuật khó trong ngoại khoa (phẫu thuật vi phẫu), phải nối các mạch máu rất nhỏ với nhau.

Bác sĩ điều trị đang khám vết thương ở vùng tai cho bệnh nhân

Đối với trường hợp này, các mạch máu nhỏ mà da đầu còn bị dập nát, tổn thương mạch máu. Do đó,  dù kỹ thuật tốt nhưng khi nối vẫn có khả năng cao bị tắc mạch. Ca mổ thành công nhờ mảnh da được sơ cứu, bảo quản từ tuyến dưới đúng cách. Trên da đầu, máu nuôi nhiều nhất, khi lóc da đầu thì mất máu rất nhiều. Trong mổ bù thêm  hai đơn vị máu (700ml). Nếu để quá 6 giờ đầu, cơ hội sống của mảnh da sau ghép không còn nhiều, tỷ lệ hoại tử tăng dần, mất máu nuôi dần dần.  

Bác sĩ Hiệp cho biết thêm, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận từ 8-10 ca lóc da đầu, chủ yếu do tai nạn lao động, đa số bệnh nhân từ các tỉnh xa, sơ cứu không đúng cách, đến viện trễ, không phẫu thuật nối được…Do đó cần phải cẩn trọng tránh bị tai nạn lao động đáng tiếc.

“Nếu có bệnh nhân nào bị tai nạn đứt lìa như vậy, không phải riêng đầu mà các chi thể khác cũng thế, nên biết cách bảo quản, bỏ vào một bịch nilon, cột lại rồi bỏ vào thùng nước đá thì mới đúng cách. Còn bỏ chi thể vào trực tiếp trong nước đá là sai cách, sẽ làm tổn thương tế bào, làm chết chi thể cần bảo vệ”, bác sĩ Hiệp nói. 

Niềm vui của bác sĩ và bệnh nhân sau tháng ngày điều trị có tình trạng hồi phục gần như hoàn toàn

BS.CKII Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, để có sự thành công ca mổ như vầy phải nói là nhờ rất nhiều vào sự hợp tác đội nhóm liên chuyên khoa. Từ cấp cứu đến nội ngoại thần kinh và khoa Phỏng tạo hình là nhân tố chính. Phải nói nếu cấp cứu ca này cực kỳ hiếm, nếu trước 6 giờ thì khả năng tưới máu cao, còn sau 6 giờ thì tỉ lệ chết mô da đầu cao hơn, hành trình làm da để đắp vào cho đầu bệnh nhân sẽ rất gian nan. Nếu thất bại thì tương lai cuộc sống vô bệnh nhân vô cùng vất vả.

Tại Khoa Phỏng tạo hình Thẩm mỹ, bệnh nhân bày tỏ lòng biết ơn ê kíp bác sĩ nỗ lực cứu chữa, và cũng không nghĩ rằng trường hợp của mình phức tạp đến mức vậy. Chị O. chia sẻ lúc trước tai nạn mái tóc chị dài ngang lưng. Sau tai nạn 1 tháng khả năng hồi phục hoàn toàn, và tóc đã mọc lại dần dần để chuẩn bị một cuộc sống mới.

Được biết hoàn cảnh gia đình bệnh nhân tương đối khó khăn, kíp bác sĩ mổ gần như không lấy thù lao mà ủng hộ tất cả cho bệnh nhân. “Thật sự gia đình bệnh nhân rất nghèo, gia đình đã tặng bác sĩ 1kg muối tôm đặc sản Tây Ninh đã khiến tôi rất cảm động và tình cảm của họ dành cho tôi rất trân trọng”, bác sĩ Ngô Đức Hiệp chia sẻ.