Những nụ cười trong làn nước lũ

Khi tôi đang loay hoay với đống máy ảnh giữa cơn mưa tầm tã trên đầu và dưới chân nước ngập đến ngang đùi, bỗng thấy một bóng người lờ mờ phía xa ngoắc tay lia lịa, ban đầu cứ tưởng gọi ai, quay tứ phía thì chỉ có mình, nên đoán người ta gọi mình.

Mưa to quá, trắng xóa cả không gian trước mặt, mắt mũi kèm nhèm nên cũng chỉ nhìn thấy một cái bóng mờ mờ phía trước. Chẳng phân biệt nổi đàn ông, đàn bà, lớn tuổi hay không?

Dò dẫm một hồi cũng tới gần, hóa ra là một ông cụ. Dáng người nhỏ thó, nước lúc này ngập đến ngang đùi tôi, còn ông thì nước liếm hẳn qua thắt lưng. Ông cụ hồ hởi: Chú nhà báo hử? Về viết bài đưa tin? Vào đây, vào đây tôi cho xem cái này hay lắm…

Những tưởng ông cụ “khoe” nhà bị ngập nước. Kêu khổ. Mà chẳng phải. Rẽ nước đi trước, ông bước vào khoảng sân nhà mênh mông toàn nước, nước ngập cả vào trong phòng khách. Mà cũng chẳng thấy ông lôi tôi vào nhà để “khoe” nhà ngập.

Chỉ tay vào đống đá đủ mọi hình thù xếp trong góc sân, lấp ló trong làn nước đục ngầu: Chú thấy chưa? Đây là đĩa xôi, đây là con gà, chân giò, bát măng mọc này, con rùa nhé, còn đây là lò gạch…

Hóa ra, ông cụ rối rít gọi tôi bằng được vào nhà, là để khoe những sản phẩm bằng đá do chính ông tạo tác. Quả thực ông cụ khéo tay, những viên đá vô tri được ông tạo hình giống như thật, thậm chí cả màu sắc.

Mải mê giới thiệu sản phẩm tự tay mình làm đến mức chẳng màng đến xung quanh là nước lụt đang dâng dần…

Tôi hỏi, thế lụt vào nhà như thế này, gia đình ông sống thế nào? Ôi dồi, vài hôm nước sẽ rút thôi, không cần lo lắng quá. Cụ ông vừa cười vừa bảo vậy…

Nhà ông Soái ở xóm 10, xã Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội bị nước ngập vào nhà, nhưng với tinh thần lạc quan ông cho rằng, chỉ vài ngày là nước rút, cuộc sống trở lại bình thường. Và ông lại tiếp tục công việc yêu thích của mình là tạo tác những món đồ vật từ đá...

Trong những ngày qua, đi khắp nơi, ở những điểm nóng nhất trên địa bàn Hà Nội, có một điều tôi nhận thấy, hầu hết mọi người dù không bao giờ muốn lâm vào cảnh lụt lội, đảo lộn hết mọi sinh hoạt thường ngày, nhưng không ai quá lo lắng hay thể hiện sự đau buồn.

Họ chấp nhận chuyện của thiên nhiên, và bình thản đón nhận nó, như một phần của cuộc sống. Xét cho cùng, trong khoảng trăm năm cuộc đời, có mấy lần phải chịu cảnh thiên nhiên nổi giận như thế này?

Mà khi mẹ thiên nhiên khó ở, thì cũng chỉ biết chấp nhận nó. Có chăng, sự chủ động trước khi điều tồi tệ xảy ra, sẽ giảm thiểu đi những thiệt hại về tính mạng con người, và sau đó là tài sản và những thứ khác…

Đi đến đâu cũng bắt gặp những nụ cười tươi rói trên màn nước mênh mang. Những nụ cười như muốn làm quên đi thực tại. Có ai đó bảo, lo lắng, đau khổ thì cũng vẫn phải chịu cảnh ngập lụt, mất mát… chi bằng vui vẻ mà cùng nhau giải quyết khó khăn, thế chẳng phải là tạo cho mình động lực để chiến thắng thiên nhiên hay sao?

Đi đến đâu cũng có thể bắt gặp những nụ cười, dù đang trong hoàn cảnh khó khăn...
Những đứa trẻ thì hồn nhiên chơi đùa với nước lụt
---
---
---
---
---
---
Thành viên trong gia đình an toàn, khỏe mạnh là điều hạnh phúc nhất. Mọi thứ mất đi có thể làm lại được
---

Khi khó khăn, mới thấy được tấm lòng của đồng bào. Những ngày qua, ai cũng nhìn thấy, chứng kiến, cảm nhận… những hình ảnh ấm áp, sẻ chia từ đồng bào của mình. Từ việc những đoàn dài ô tô đi chậm lại trên cầu trong cơn gió lớn để che cho những người đi xe máy an toàn qua cầu, tới những người phá cả tường nhà mình để chuyển đồ ăn tiếp tế cho hàng xóm của mình đang gặp cơn hoạn nạn.

Rồi những lời kêu gọi cứu trợ đồng bào ở Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… nhận được sự hưởng ứng của hàng triệu, hàng triệu người. Mỗi người một chút, người ít, người nhiều, người góp tiền, người góp lương thực, thực phẩm, chăn màn, dầu đèn, người lại huy động gửi áo phao, thuyền cứu hộ… cho những vùng ngập nặng.

Thế mới thấy, đôi khi, trong cuộc sống thường ngày, vì những lý do khác nhau, chúng ta những tưởng quên đi bản chất tốt đẹp của chính mình.
Nhưng khi hoạn nạn, hai tiếng “đồng bào” mới rõ làm sao!!!...