Những người ngược chiều

Nghề nào cũng có khó khăn, vất vả bởi đặc thù riêng của từng công việc. Vào những ngày Tết, nhiều người vẫn thầm lặng thực hiện nhiệm vụ của mình. Với lính cứu hỏa, nhiệm vụ còn nặng nề hơn, bởi không chỉ Tết, mà quanh năm, họ vẫn luôn đối đầu với “giặc lửa”.

Ở hầu hết các vụ cháy, những người lính cứu hỏa phải chấp nhận những rủi ro, nguy hiểm trực chờ. Biết rằng có thể bị thương hoặc hy sinh tính mạng, nhưng với họ, khi đã vào nghề, là chấp nhận sự hy sinh, gian khổ.

Khi một vụ cháy xảy ra, ai ai cũng chỉ muốn thoát ra khỏi đó, chỉ có họ, những người lính cứu hỏa, là lao vào đám cháy, cố gắng hết sức để cứu người, cứu tài sản cho nhân dân.

Năm 2022 vừa qua chứng kiến không ít những vụ cháy lớn để lại nhiều hậu quả cả về tài sản và con người. Có thể kể đến vụ cháy quán karaoke tại TP Phú An, tỉnh Bình Dương khiến 32 người thiệt mạng; hay vụ cháy quán karaoke tại Quan Hoa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội khiến 3 chiến sĩ PCCC hy sinh.

Ai cũng biết nghề Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC&CNCH) là một nghề nguy hiểm và nặng nhọc. Họ, những người lính cứu hỏa phải “trực chiến” 24/24 và cả 7 ngày trong tuần, 12 tháng trong năm. Đây là công việc đòi hỏi phải có sức khoẻ dẻo dai, tinh thần thép và có sự phối hợp ăn ý bởi lính cứu hoả phải luôn làm việc theo nhóm.

12 năm gắn bó với công việc chữa cháy, Thượng úy Hoàng Văn Hải – cán bộ Đội PCCC&CNCH Công an Quận Bắc Từ Liêm quá đỗi quen thuộc với việc mỗi lần chuông báo cháy rung lên hay có bộ đàm anh em báo cháy:

“Về cái chất nghề, kỷ niệm, cũng như người ta nói cái ngành của tôi là “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Nhiều khi anh em cũng làm không những về nghiệp vụ rồi, đấy là cái máu trong người, cái nghề nghiệp, mình vào mình cứu được người dân ra, cứu được tài sản của người dân. Đấy là cái niềm hạnh phúc, cái niềm vui của mình”.

Khi một vụ cháy xảy ra, ai ai cũng chỉ muốn thoát ra khỏi đó, chỉ có họ, những người lính cứu hỏa, là lao vào đám cháy, cố gắng hết sức để cứu người, cứu tài sản cho nhân dân

Gắn bó về nghề lính cứu hỏa là hình ảnh các anh chiến đấu với những đám cháy dữ dội, đòi hỏi sự linh hoạt cũng như đoàn kết trong chiến đấu. Không như lý thuyết, không như diễn tập, trên thực tế, không có vụ cháy nào giống vụ cháy nào nên người lính cứu hoả vừa cần vững chuyên môn, vừa phải giỏi ứng biến, xử lý.

Thượng úy Hải nói thêm: “Kinh nghiệm trong trường lớp đôi khi không đủ, cái lý thuyết trong trường lớp không đủ đâu mà là cái kinh nghiệm thực tiễn. Đi làm nhiệm vụ, thiên biến vạn hóa lắm, không thể biết được. Đặc biệt là làm cái nghề này là nghề nguy hiểm “Người ta chạy ra, mình lại chạy vào”.

Nhớ lại kỉ niệm trong vụ cháy chung cư Goldmark City khiến nhiều người dân sinh sống tại tòa nhà hốt hoảng tháo chạy xuống dưới, Thượng úy Hải kể:

“Hôm đó, tôi cùng một đồng chí chiến sĩ được chỉ huy giao nhiệm vụ vào chữa cháy ở cái phòng cháy bên trong và sử dụng cái lăng của chữa cháy cơ sở. Và cái áp lực nước ở trên tầng cao của lăng cơ sở sử dụng lăng A rất là lớn.

Lúc mà chữa cháy, áp lực đầu lăng, tôi phải ôm lại để cho đồng chí kéo ra sau đó lại vào chiến đấu. Lúc mình chiến đấu không thấy đau đâu và cũng không thấy cơ thể mình như thế nào đâu, nhưng mà lúc chữa cháy xong xuống thì nó tím hết 2 bên đùi và phải đến 1 tuần sau mới tan được tụ máu”.

Không như lý thuyết, không như diễn tập, trên thực tế, không có vụ cháy nào giống vụ cháy nào nên người lính cứu hoả vừa cần vững chuyên môn, vừa phải giỏi ứng biến, xử lý

Hiện nay, khi đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ cũng gây không ít khó khăn cho công tác PCCC&CNCH, nhất là khi những vụ cháy xảy ra trong giờ cao điểm, hoặc tại các khu phố cũ, khu dân cư nằm trong ngõ hẹp v.v… khiến xe chữa cháy không thể tiếp cận.

Trung uy Bùi Thế Tân là một người lính lái xe của Đội PCCC&CNCH Công an Quận Bắc Từ Liêm với 9 năm kinh nghiệm tâm sự, trên đường đi cũng không tránh khỏi những áp lực, căng thẳng khi gặp phải tình huống tắc đường hay có người cản trở phía trước. Những lúc như vậy bản thân luôn phải giữ bình tĩnh và nhắc nhở người dân chú ý nhường đường cho xe chữa cháy làm nhiệm vụ:

“Đi ra đường mình quan sát nói chung là cũng căng mắt, vì xe giờ đông, nhiều lúc đi chữa cháy mà tắc đường, đến muộn, người dân không hiểu cho mình, người dân bảo sao đến muộn thế, cháy hết rồi mới đến. Lúc đấy mình cũng tủi thân lắm biết làm thế nào đâu.

Giờ xã hội phát triển, xe cộ đông. Giờ cao điểm, lúc đấy mình mở còi ưu tiên, chỉ huy bên cạnh thì đọc loa điều hướng hỗ trợ anh em lái xe di chuyển trên đường. Một số người dân ý thức đi gọn vào, nhưng nhiều xe người ta chưa chấp hành lắm".

Đến với nghề lính PCCC, nhiều chiến sĩ vẫn chia sẻ, đó là “người không chọn nghề, mà đó là nghề chọn người”. Nhưng điều đó không quan trọng, tuy gian khổ nhưng họ luôn tự hào khi được là chiến sĩ cảnh sát PCCC trong sự tin yêu, gắn bó của người dân.

Một người lính cứu hỏa với gần 30 năm kinh nghiệm chia sẻ: “Tại sao anh vinh dự được làm lính PCCC, vì lính PCCC đi đến đâu người ta cũng quý lắm. Người ta thấy mệt mỏi quá, người ta mang nước cho uống. Ngày xưa anh đi chữa cháy còn có cụ bà nói “Đây nhà vừa ăn cơm xong, anh em vào làm bát cơm.

Chưa bao giờ anh nghĩ anh bỏ nghề. Nói thực tâm là có những lúc anh có thể có ngã rẽ tốt đẹp hơn nghề PCCC, những lời mới hấp dẫn hơn, nhưng anh nói thôi. Nghề này thánh thiện thế, tại sao mình không làm?”

Dẫu biết là nguy hiểm, dẫu biết là gian nan, nhưng trái tim các anh luôn hướng về một phía. Lao vào các trận đánh, dù không tiếng súng nhưng cũng cam go chẳng kém gì chốn trận tiền

Nghề PCCC được ví như “cứu cái còn trong cái mất, lao vào những nơi nguy hiểm nhất khi mọi người chạy ra ngoài”.

Luôn luôn phải đối mặt giữa cái sống và chết, bản thân những người lính cứu hỏa, họ luôn rèn luyện một tâm lý thật vững vàng, một sức khỏe tốt nhất để đối mặt với hiểm nguy trong các tình huống nguy cấp với quyết tâm cứu người, cứu tài sản, chữa cháy.Các bạn thân mến,

Hình tượng những bước chân của lực lượng PCCC ngược chiều với dòng người chạy trốn hiểm nguy trong bài thơ “Ngược chiều” của Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc (nguyên Tổng Biên tập Báo Gia đình & Xã hội) đăng tải trên trang facebook cá nhân ngày 3/8/2022 đã đem đến cho người đọc một bức tranh khái quát về công việc lặng thầm của những người lính cứu hỏa. Đây cũng là “nén hương tưởng nhớ” ba chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã hy sinh tại quận Cầu Giấy - Hà Nội khi làm nhiệm vụ hôm 1/8/2022.

Kênh VOV Giao thông trích một đoạn trong bài thơ “Ngược chiều”:

“Ngược chiều nỗi sợ

Ngược chiều những bước chân

Ngược chiều không gian

Nhưng trái tim đang nhằm cùng một hướng

Trận đánh cam go dẫu không tiếng súng

Đích đến của anh, hạnh phúc bao người”.

Dẫu biết là nguy hiểm, dẫu biết là gian nan, nhưng trái tim các anh luôn hướng về một phía. Lao vào các trận đánh, dù không tiếng súng nhưng cũng cam go chẳng kém gì chốn trận tiền. Tất cả đều hướng đến một cái đích chung là Vì hạnh phúc của bao người.Năm cũ qua đi, năm mới đã tới.

Xin chúc cho những người lính chữa cháy một cái Tết an vui và một bầu trời sức khỏe. Và dù mong muốn các đồng chí, đồng đội “thất nghiệp” như lời chúc Tết của Bác ngày nào, song với tinh thần bất diệt, họ vẫn luôn trực chiến, sẵn sàng chiến đấu với giặc lửa khi sự cố xảy ra.