Những người “dọn bão”

Sau bão số 3, Hà Nội có hàng vạn cây xanh bị đổ. Ngay sau khi bão đi qua, mặc dù vẫn còn mưa, những người dân phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã khẩn trương khắc phục, nhằm sớm ổn định cuộc sống cũng như giao thông tại thủ đô.

Bão đi qua, phía sau đó là những cơn mưa lớn và gió lạnh, thế nhưng tình người tại thủ đô lại ấm áp lạ thường…

Thức dậy sau 1 đêm trú bão trong nhà, người dân thủ đô không khỏi bất ngờ khi hàng loạt cây cổ thụ đổ gục sau bão. Ngay từ sáng sớm, lực lượng CSGT (Công an TP. Hà Nội) đã có mặt tại các ngả đường để cảnh báo, phân luồng giao thông và xử lý hậu quả sau bão.

Những chiếc cưa máy, dao chặt cây đã được chuẩn bị từ trước để phục vụ cho công tác dọn dẹp cây xanh, đảm bảo giao thông thông xuốt khi người dân tham gia giao thông trở lại.

Lực lượng CSGT dầm mình trong mưa để xử lý hậu quả sau bão Yagi.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Hưng, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 4 (Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội), lực lượng CSGT thủ đô đã chủ động nắm tình hình, tổ chức cảnh báo và cùng các lực lượng khác dọn dẹp hiện trường xuyên đêm. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đều xác định rõ vai trò của mình, sẵn sàng cống hiến hết sức giúp người dân vượt qua khó khăn... bám trụ trên đường, sẵn sàng có mặt tại những điểm nóng giúp dân chằng lại nhà cửa, sơ tán người dân khi khẩn cấp và giải quyết cây đổ...

“Để đảm bảo trật tự ATGT sau cơn bão số 3, đơn vị chúng tôi đã chủ động theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng áo mưa, ủng, cưa máy, đèn pin, dây thừng, barie, biển cảnh báo, xe đầu kéo để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn, huy động các tình huống đột xuất.

Chúng tôi cũng thiết lập đường dây nóng, kích hoạt hệ thống thông tin liên lạc đến các đơn vị liên quan, nhất là lực lượng cứu hộ cứu nạn, cơ quan y tế, bệnh viện đóng quân trên địa bàn. Đồng thời đảm bảo quân số trực chiến sẵn sàng nhanh nhất khi cần thiết”, Trung tá Nguyễn Văn Hưng cho biết.

Theo Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội), ngay từ khi nhận được thông tin bão Yagi đổ bộ vào nước ta, Phòng CSGT đã triển khai ứng phó với bão số 3 theo phương trâm 4 tại chỗ, đảm bảo TTATGT; tập trung hướng dẫn, điều tiết giao thông theo điều kiện biến đổi bất thường của thời tiết.

Tại các nút giao thông, các đội CSGT bố trí lực lượng hướng dẫn, triển khai công tác phân luồng đảm bảo ATGT, tập trung lực lượng phương tiện hỗ trợ cho việc đi lại của nhân dân.

Tất cả 100% quân số của lực lượng Phòng CSGT Hà Nội được ứng trực để phòng chống, kịp thời cứu nạn cứu hộ khi có bão.

Trong ngày hôm qua, tại các quận nội thành, các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai dọn dẹp đường phố sau cơn bão lơn theo nguyên tắc ưu tiên theo thứ tự giải quyết, giải toả phục vụ đảm bảo giao thông, các tuyến đường trọng điểm, trục chính, nơi có các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện...

Trung tá Từ Minh, chỉ huy trưởng BCH Quân sự quận Hà Đông cho biết: “Chúng tôi đã tập chung chỉ đạo lực lượng để đảm bảo giải phóng các cây gãy đổ để đảm bảo lưu thông đi lại cho người dân. Trước khi dự báo mưa bão chúng tôi đã chủ động huy động trên 2000 lực lượng của các đơn vị để tham gia khắc phục. Mong là trong thời gian sớm nhất sẽ ổn định được cuộc sống của nhân dân”.

Lực lượng quân đội cũng có mặt từ rất sớm trên các tuyến đường để xử lý cây gãy đổ, giúp giao thông thông suốt trở lại.

Tranh thủ ăn vội những mẩu bánh mỳ còn dang dở để lấy lại sức sau 1 ngày dọn dẹp đường phố của thủ đô, chị Nguyễn Thị Nguyện, công nhân công ty môi trường đô thị Hà Nội, chi nhánh Ba Đình chia sẻ: Từ tờ mờ sáng, sau khi bão qua đi, mưa còn chưa ngớt, chị cùng đồng nghiệp đã ra đường để thu dọn hậu quả của bão.

Theo chị Nguyện, đối với những công nhân vệ sinh môi trường, đây không chỉ là công việc hàng ngày mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân đối với thủ đô để chung tay góp sức khắc phục hậu quả, giúp thủ đô trở lại yên bình sau cơn bão.

“Tôi làm từ 5h sáng sau bão, cành cây, cây đổ, rác thải nhiều lắm. Nếu ô tô chờ đi thì là xe thứ 3 rồi, tất cả cành cây gãy, bùn công, rác… Lịch của chúng tôi đang cố là phải xong vì lượng rác rất nhiều mà lượng công nhân thì có hạn”.

Cả hệ thống chính trị chung tay để thủ đô trở lại bình thường sau bão

Không chỉ lực lượng chức năng, công việc  dọn dẹp thủ đô còn được lan tỏa đến các người dân tại các khu chung cư, khu đô thị hay các hội nhóm trên mạng xã hội. Trong ngày 8/9, dọc các tuyến phố như Sơn Tây, Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Hàng Bông… các bạn trẻ làm nghề xe ôm công nghệ cũng chung tay góp sức để giao thông tại thủ đô nhanh chóng trở lại bình thường.

Ngay từ ngày 7/8, thời điểm cơn bão Yagi chưa đổ bộ vào Hà Nội, bạn trẻ Nguyễn Xuân Dương, hiện đang làm xe ôm công nghệ tại Hà Nội đã livestream trên nền tảng mxh tiktok để kêu gọi nhiều đồng nghiệp cùng thu dọn đường phố sau khi bão qua.

Ngay từ sáng sớm, Dương đã chạy xe từ huyện Hoài Đức đến điểm tập trung tại nội thành cùng các đồng nghệp. Người mang dao, người mang cưa, người chuẩn bị dây thừng, nước uống, đồ ăn… mỗi người 1 tay, mỗi người 1 việc… Cứ thế, cứ thế mỗi tuyến phố nhóm bạn trẻ này đi qua, giao thông lại được trở lại thông xuốt.

“Bọn mình thấy các cây này gió bão đổ ra đường gây ách tắc giao thông và nguy hiểm cho người dân nên mình muốn làm việc đó để giúp mọi người có đường sá lưu thông tốt nhất và đồng thời cũng để bọn mình chạy xe tốt nhất có thể. Khó khăn nhất là các cành cây to mà bọn mình không có dụng cụ. Làm được 1 thời gian thì có các cán bộ ra dùng cưa máy để cửa. Vì cành cây rất to, dùng dao chặt sẽ rất lâu. Nhiều người đi đường cũng ủng hộ bẳng cách mua các chai nước để động viên chúng mình”.

Một nhóm bạn trẻ làm nghề xe ôm công nghệ xử lý các cành, cây gãy đổ trên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Theo báo cáo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội, cơn bão số 3 đã làm160ha rau màu bị ngập, gần 15. 000 ha lúa bị đổ; 274 nhà dân và công trình khác bị tốc mái nhà lợp tôn, 19 công trình nhà ở bị hư hỏng. Riêng về cây xanh trên địa bàn thành phố, theo con số thống kê chưa đầy đủ, bão số 3 đã làm hơn 17.000 cây xanh trên khắp các quận, huyện gãy đổ.

Do đó, sự đoàn kết, chung tay góp sức của người dân với toàn bộ lực lượng chức năng của thủ đô đã tạo nên những “người dọn bão”, để người dân thủ đô sớm trở lại ổn định cuộc sống. Những ngày này, mưa bão đã đi qua, nhưng tình người thì còn mãi./.