Nhiều ý kiến đề xuất cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn

Mới đây, Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được đưa ra trình bày tại buổi họp Quốc hội để xin ý kiến. Trong đó, nội dung có nhiều ý kiến nhất đó là vấn đề sử dụng bia, rượu khi lái xe.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, với lý do là nếu quy định như vậy là quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, đồng thời cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Thế nhưng, ngược lại cũng có một số ý kiến nhất trí với quy định này, vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và trong quá trình thực hiện cũng đã chứng nh tính hiệu quả. Để rõ hơn về vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia về giao thông đô thị.

Ảnh nh họa

PV: Thưa ông, vẫn biết là quy định cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là rất cần thiết trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông đang phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, việc cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn hay nói cách khác là quy định tỉ lệ nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông, theo ông là có khả thi hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Theo tôi thì đây là một vấn đề chúng ta cần phải xem lại. Vì nhiều khi tôi uống rượu, bia hôm nay mà ngày mai đo vẫn còn nồng độ cồn, hoặc là tôi uống một tí rượu thuốc ra đường vẫn có nồng độ cồn, hay tôi uống một cái chất nước nào đó nó vẫn có nồng độ cồn.

Nếu chúng ta quy định theo cái mức triệt để và hơi cực đoan, tức là có một tí nồng độ cồn, dù 1, dù 2, dù 3 mg thì theo tôi chưa được hợp lý.

Ở các nước, như là Trung Quốc họ quy định là 80 mg/ml máu, Thái Lan người ta quy định là 50, Singapore quy định là 80 và các nước Châu Âu thì cái đó càng rõ ràng. Cho nên, chúng ta phải xem lại. Mặc dù tôi hiểu rằng, quy định triệt để là thể hiện được tính nhân đạo, tính nghiêm khắc và sự sốt ruột của chúng ta đối với vấn đề tai nạn giao thông.

Nhưng khi chúng ta mà quy định rượu, bia quá chặt chẽ thì nó lại ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, và thứ hai nữa là nó ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan chức năng nữa. Trước đây mỗi ngày huy động 500 công an, bây giờ có khi là phải 1.000 công an thì mới đo hết được nồng độ cồn, đúng không? Thế cũng ảnh hưởng đến vấn đề chi phí, vấn đề hoạt động của cơ quan chức năng.

PV: Vậy ông có đề xuất giải pháp như thế nào cho vấn đề này?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy: Quan điểm của tôi là gì, là nên có quy định về vấn đề ngưỡng rượu, bia. Anh vượt qua đó thì là tôi phạt rất nặng.

Theo tôi quy định thêm là đối với lái xe càng phạt nặng nữa, lái xe khách ấy, vì sao, vì ông lái xe ông ấy chịu trách nhiệm tính mạng của 40 - 50 người đi xe mà ông uống rượu thì phạt gấp đôi, gấp ba.

Như thế, chế tài nó vừa đúng đối tượng, vừa có thể răn đe được.

Còn đối với người dân thì theo tôi cứ quá mức ngưỡng đó thì phạt, còn không thì thôi. Như thế nó cũng đỡ phiền hà đến người dân. Và để mà hạn chế rượu, bia theo tôi là phải có nhiều giải pháp, ngoài cái phần cứng ra, tức là luật pháp ra thì là trong nhà trường nên có giáo dục, trong gia đình nên có khuyên nhủ nhau, như là thôi cháu uống ít thôi nhé, nếu uống rồi thì không được đi xe...

Tức là uống rượu, bia nhiều rồi thì không được đi xe, nên là khuyên nhau uống mức độ thôi, cho nó hợp lý. 

PV: Xin cảm ông.