Hơn 20 năm trước, lần đầu tôi được xem nhạc nước ở Singapore. Đó là một đêm ấn tượng ở công viên Sentosa với màn trình diễn âm thanh và ánh sáng choáng ngợp. Có lẽ, ấn tượng về sự choáng ngợp ấy sẽ còn lại rất lâu, nếu như hôm sau tôi không trở lại công viên ấy.
Dưới ánh nắng nhiệt đới ban ngày, cái sân khấu nhạc nước giống như một cái máng bê tông khổng lồ lô nhô ống kẽm. Lúc đó, tôi đã nghĩ những sân khấu nhạc nước như thế này, có lẽ chỉ phù hợp với những khu vui chơi giải trí. Và thật thế, ít năm sau, những sân khấu nhạc nước được du nhập về Việt Nam, trong các khu vui chơi như Vinpearl hoặc Tuần Châu.
Và thật bất ngờ, không chỉ các khu vui chơi, mà ngay cả các khu đô thị mới xây, sân khấu nhạc nước không chỉ là sản phẩm giải trí, mà còn trở thành thứ góp phần làm tăng giá trị bất động sản gần đó. Những căn hộ hướng tây, lẽ ra khó bán vì phong thủy, vì nắng nóng, cũng có thể trở nên đắt giá, quý hiếm vì có tầm nhìn ra sân khấu nhạc nước.
Tất nhiên, người mua những căn hộ đó chỉ hình dung đến vẻ lộng lẫy của sân khấu nhạc nước mà quên rằng họ sẽ phải sống chung với nó trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm... chứ không phải một lần ghé chơi.
Những ngày vừa qua, tôi thấy người ta bàn tán về viễn cảnh sẽ có một sân khấu nhạc nước ở bên Hồ Gươm. Hy vọng, đó chỉ là một ý tưởng bất chợt, không phải là ý định nghiêm túc. Bởi nếu thực sự mà có một sân khấu nhạc nước ở Hồ Gươm, đó quả là một niềm kinh dị.
Không gian Hồ Gươm không đơn thuần là một công viên giải trí. Đó là không gian văn hóa của thủ đô, nơi mà người ta đến không chỉ để giải trí, mà còn để hoài niệm, để thư giãn, để chiêm nghiệm về chiều sâu văn hóa của thành phố ngàn năm.
Trong không gian đó, ánh sáng và âm thanh của sân khấu nhạc nước sẽ là một nguồn ô nhiễm đáng kể. Đó là khi nó hoạt động. Còn khi nó không hoạt động, tôi sẽ gặp lại cái máng nước bê tông lô nhô ống kẽm ngày nào, khi đến Sentosa. Đó là một thảm họa về cảnh quan!
Không thể phủ nhận, nhạc nước, cũng như karaoke là những phát nh giải trí vĩ đại của con người. Nhưng, cũng giống nhau thôi, khi chúng ta ngộ nhận giữa giải trí và nghệ thuật, thì thảm họa sẽ đến. Karaoke trong phòng kín, ở không gian riêng tư là một công cụ giải trí tuyệt vời.
Nhưng khi mang karaoke ra không gian công cộng, đó sẽ là một công cụ tra tấn cộng đồng vô cùng hiệu quả. Nhạc nước cũng thế, nếu nó được coi là sân khấu trình diễn trong không gian giải trí thuần túy, ấn tượng là tuyệt vời. Nhưng ở không gian văn hóa công cộng, khả năng tàn phá cảm xúc của nó cũng là vô hạn.
Vậy nên, câu chuyện nhạc nước, có lẽ không phải điều cá biệt. Mà quan trọng hơn, đã đến lúc cần có nhận thức đầy đủ hơn về sự khác biệt giữa văn hóa và giải trí./.