Nhà ở kết hợp kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu PCCC

Hàng hóa lấn lối đi, không có cửa thoát hiểm dự phòng, không có hệ thống thoát khói hữu hiệu, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa đồng bộ, thiết bị thiếu... Đó là hiện trạng tại các căn nhà ở của hộ gia đình kết hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, khiến nguy

Từ thực tế khám nghiệm hiện trường các vụ cháy xảy ra trong năm vừa qua, cho thấy hệ thống dây dẫn điện trong những khu vực kinh doanh sản xuất, kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt (Ảnh: Thanh Niên)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ từ những căn nhà kết hợp giữa ở và kinh doanh đã được cảnh báo rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên do ý thức PCCC kém, người dân sử dụng tận dụng tối đa không gian của căn nhà để kinh doanh đã khiến nguy cơ hỏa hoạn luôn rình rập.

Điển hình là vụ cháy xảy ra vào cuối tháng 7/2017, tại ngôi nhà 4 tầng ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội làm 2 người chết và vụ cháy ngôi nhà 5 tầng vào cuối tháng 9/2017, tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, khiến 2 cháu bé tử vong.

Khi được hỏi “Cần phải làm gì để tránh nguy cơ cháy tại nhà ở kết hợp kinh doanh?”, một số người dân chia sẻ như sau:

"Đi ra đi vào đều phải cẩn thận, quan sát, nếu có sự cố gì là chúng tôi hô hoán, chữa cháy ngay, nhưng ở đây chưa bao giờ có cháy cả".

"Tôi chủ động tạo những lối thoát hiểm, vì dụ khi xe máy mà cháy đằng trước mà chạy lên gác thì càng chết, nên quan trọng nhất là phải tạo lối thoát hiểm".

Theo Đại tá Lê Văn Hiến, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa, từ thực tế khám nghiệm hiện trường các vụ cháy xảy ra trong năm vừa qua, cho thấy hệ thống dây dẫn điện trong những khu vực kinh doanh sản xuất, kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật phục vụ việc kinh doanh và sinh hoạt.

Hơn nữa, không có sự bảo trì, cải tạo hệ thống điện đã xuống cấp, treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện, để các chất dễ cháy như bình chứa khí gas, xăng, dầu, giấy, vải… gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện.

Đại tá Lê Văn Hiến cho biết: "Thực tế diện tích các cửa hàng kinh doanh kết hợp nhà ở không lớn, thường tận dụng tối đa diện tích sàn và không gian trong nhà để chứa hàng hóa; các mặt hàng được bày la liệt dưới sàn nhà, chiếm lối đi lại, thậm chí cầu thang lên xuống cũng được tận dụng để hàng hóa.

Nhiều hộ kinh doanh bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy. Mặt khác có dự trữ nhiều vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ... đặt gần hàng hóa, vật dụng dễ cháy xung quanh. Nguy hiểm hơn, hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn... đây chính là những nguy cơ xảy ra cháy nổ".

Cũng theo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, một trong những nghịch lý khiến nguy cơ mất an toàn PCCC luôn ở mức báo động với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh đó là: người dân có thể bỏ hàng tỷ đồng để mua sắm tài sản trong gia đình và hàng hóa, nhưng không bỏ ra dù chỉ vài trăm nghìn đồng để mua những thiết bị báo cháy, bình chữa cháy...

Điều đó có nghĩa là, công tác hạn chế các vụ cháy gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán hàng xen lẫn nơi ở.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC, Đại tá Lê Văn Hiến, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa đưa ra những khuyến cáo: "Chúng tôi khuyến cáo mỗi hộ dân tự kiểm tra lại các nguy cơ cháy ở nhà mình. Thứ hai nữa là cần có kỹ năng thoát nạn. Cũng mong rằng người dân quan tâm và trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay. Với sự cố hôm nay, lúc mới phát sinh thì chỉ là đám cháy nhỏ hay là sự cố nếu kiểm soát được thì có thể dập tắt được".

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cháy nổ tại các khu dân cư, đặc biệt đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, các hộ kinh doanh cần chủ động trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ và tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện, tuyên truyền về PCCC do lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức.

Đặc biệt, khi có sự cố xảy ra, người dân cần bình tĩnh để xử lý đám cháy, tìm lối thoát nạn; đồng thời báo cho mọi người xung quanh kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm, tránh để tình trạng bị ngạt khói, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Một số thông tin về công tác PCCC tuần qua

# Theo thống kê của Phòng CS PCCC&CNCH CA TP Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thủ đô xảy ra 6 vụ cháy (2 vụ cháy trung bình, 4 vụ cháy nhỏ). Ngoài ra còn có 9 vụ chập điện trên cột và 16 sự cố khác.

# Ngày 7/10, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an TP Hà Nội đã tổ chức tập huấn Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Công an cơ sở. Qua tập huấn, các học viên được các chuyên gia trao đổi một số kiến thức, văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH.

# Cũng trong tuần qua, CAQ Ba Đình đã tổ chức tuyên truyền, thực tập chữa cháy, cứu nạn cho các em học sinh trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Nội. Qua buổi diễn tập, các học sinh và thầy cô giáo sẽ có thêm kỹ năng thực tiễn trong công tác thoát nạn khi có sự cố cháy.