Nguyên nhân nào giúp cho giá dầu thô vượt lên mốc 70 USD/thùng?

Giá dầu thô Brent đã vượt mốc tâm lý 70 USD/thùng quan trọng ngay trong ngày đầu tháng 6, thể hiện tâm lý lạc quan của thị trường với nhu cầu dầu mỏ thế giới trong nửa cuối năm nay.

Giá dầu thô Brent đã vượt mốc tâm lý 70 USD/thùng quan trọng ngay trong ngày đầu tháng 6.

Tại sao thị trường quan tâm đến con số này?

70 USD/thùng là cột mốc quan trọng cho những người theo dõi thị trường năng lượng, vì đây chính là mức giá dầu thô trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu. Lần cuối cùng giá dầu Brent chạm đến mức này là cuối tháng 5/2019.

Dầu là nguồn năng lượng được sử dụng chính cho các hoạt động sản xuất và tiêu dùng trên toàn cầu, do đó giá dầu quay trở lại ngưỡng 70 USD cũng là dấu hiệu cho thấy kinh tế hồi phục trở lại sau tác động của đại dịch.

Kinh tế thế giới hồi phục kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng

Từ quý II, các tổ chức lớn trên thế giới đã liên tục điều chỉnh tăng dự báo GDP toàn cầu. Tối ngày hôm qua, OECD tăng dự báo tăng trưởng kinh tế các nước OECD tăng từ 4.2% lên 5.8% trong năm 2021 – mức tăng trưởng cao nhất từ năm 1973.

Chỉ số PMI sản xuất tại khu vực châu Âu và Trung Quốc liên tục tăng trong thời gian vừa qua cũng phần nào cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Một trong những sản phẩm quan trọng nhất của dầu thô là chế tạo xăng cho hoạt động di chuyển đường bộ và đường hàng không.

Theo số liệu mới nhất từ nền tảng web theo dõi chuyến bay theo thời gian thực Flightradar24, số chuyến bay trong đợt nghỉ lễ 2021 chỉ ít hơn cùng kỳ 2019 khoảng 7-10%, và dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng khi người dân Mỹ bước vào kỳ nghỉ hè và nhiều người trong số đó có kế hoạch “du lịch trả thù” để bù đắp cho khoảng thời gian phong tỏa.

Nguồn cung sẽ không tăng đột ngột

Lo ngại về sự gia tăng đột ngột nguồn cung dầu từ Iran chính là yếu tố khiến giá không thể vượt ngưỡng 70 USD/thùng trong suốt tháng 5.

Trong những ngày đầu của cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran, một số nhận định cho rằng nguồn cung có thể tăng gấp đôi từ ngưỡng 2 triệu thùng/ngày lên khoảng 4 triệu thùng/ngày trong cuối năm khiến thị trường lo ngại về khả năng dư cung khi mà OPEC+ và Saudi cũng bắt đầu nới lỏng các hạn ngạch cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy triển vọng không lạc quan như Iran phát biểu, và kết quả sẽ chỉ có vào cuối tháng 8 năm nay thay vì thời điểm 18/6 Tehran mà mong muốn.

Trên thực tế, ngoài nhóm nước Trung Đông, các quốc gia khác không còn nhiều động lực để gia tăng sản lượng dầu. Khi mà các nhà đầu tư đòi hỏi mức lợi nhuận cao, các công ty dầu sẽ không thể áp dụng chiến lược gia tăng sản lượng để chiếm thị trường như trước kia.

Trong cuộc họp mới đây của tập đoàn dầu khí ExxonMobil, các cổ đông chỉ trích hội đồng quản trị lãng phí tiền bạc vào các giàn khoan, và đòi hỏi công ty phải tập trung vào các nguồn năng lượng mới, đồng thời tăng cổ tức chi trả hàng năm.

Bên cạnh đó, sức ép từ phía các chính phủ phương Tây thúc đẩy “kinh tế xanh” cũng buộc các công ty dầu truyền thống phải xem xét cắt giảm sản lượng.

Mới đây, tòa án Hà Lan đã buộc tập đoàn năng lượng tư nhân lớn thứ 2 thế giới Royal Dutch Shell Plc phải cắt giảm đáng kể lượng khí thải vào năm 2030, khiến các hãng dầu truyền thống lo ngại về làn sóng pháp lý nổ ra.

Giá dầu chưa thể đạt được mốc 80 USD/thùng

Mặc dù một số ngân hàng đầu tư cho rằng giá dầu sẽ đạt 80 USD/thùng trong năm nay, tuy nhiên vẫn có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến giá trong trung-dài hạn. Quan trọng nhất vẫn là khả năng bùng phát dịch COVID-19 khi mà vi-rút liên tục có các biến thể mới, trong khi nguồn cung vắc-xin chưa thể bắt kịp với nhu cầu.

Mới đây Malaysia đã tuyên bố trở lại tình trạng phong tỏa toàn quốc kéo dài 2 tuần, trong khi người dân tại Quảng Đông – tỉnh thành đóng góp 11% GDP cho Trung Quốc – vừa được thông báo về quy định hạn chế di chuyển, theo đó chỉ có người có kết quả âm tính trong vòng 72 tiếng được phép rời khỏi thành phố.

Từ biểu đồ trên có thể thấy, trong số các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới, nhiều nước vẫn trong tình trạng triển khai vắc-xin chậm chạp, không đủ để đảm bảo dịch COVID-19 ngừng tái diễn.

Đây sẽ là yếu tố chính cản đà tăng của dầu trong thời gian tới.