Nguy cơ cháy lớn tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề

Với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, nhiều làng nghề đang ngày càng phát triển mạnh hơn. Thực trạng này tăng thêm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ''bài toán'' an toàn phòng cháy chữa cháy cũng trở nên nan giải hơn.

Nhiều làng nghề sản xuất hàng hoá dễ cháy nổ như: chăn, ga, gối, đệm...đây là những yếu tố tiềm ẩn, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người và tài sản

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Theo thống kê, hiện huyện Thường Tín có nhiều làng nghề sản xuất hàng hoá dễ cháy nổ như: chăn, ga, gối, đệm xã Tiền Phong, chế biến gỗ xã Vạn Điểm, nghề sơn mài Duyên Thái, mây tre đan Ninh Sở và có 3 chợ lớn: chợ Vồi, chợ Tía và chợ Đỗ Xá nơi giao thương hàng hóa lớn. Đây là những yếu tố tiềm ẩn, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người và tài sản.

Theo ông Hoàng Văn Khương – chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ tại xã Vạn Điểm - Thường Tín (Hà Nội), để phòng ngừa cháy nổ với mỗi cơ sở làng nghề trong khu dân cư, việc trang bị các thiết bị PCCC tại chỗ là rất quan trọng:

 

“Theo tôi PCCC là rất quan trọng vì cơ sở của mình xung quanh đều là gỗ. Đối với cơ sở của tôi thì để hạn chế cháy nổ ngoài việc bảo ban anh chị em công nhân thì điều quan trọng là phải có các thiết bị PCCC như bình chữa cháy tại chỗ và nguồn nước lúc nào chúng tôi cũng phải đảm bảo”.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC đối với các làng nghề đã có những chuyển biến rõ rệt, các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến công tác PCCC nói chung và làng nghề nói riêng. Tuy nhiên, công tác PCCC ở các làng nghề còn nhiều bất cập, vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Trao đổi với chương trình, Thượng tá Đỗ Xuân Bình – Phó trưởng Công an Huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, với gần 50 làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện, công tác đảm báo an toàn PCCC thường gặp không ít khó khăn. 

Bởi tại đây, mô hình sản xuất nhỏ lẻ nghề thủ công xen kẽ ngay tại xóm, làng vẫn còn khá phổ biến. Kéo theo đó, phần lớn đường làng nhỏ, hẹp, không thuận tiện cho xe cơ giới đặc chủng:

 

“Ý thức, kiến thức PCCC của đa số chủ cơ sở và người lao động còn chủ quan, thờ ơ, chưa hiểu rõ tác hại do cháy nổ gây ra nên việc sử dụng lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện rất cẩu thả, tùy tiện, không biết sử dung bình chữa cháy, không có kiến thức về PCCC, nhiều cơ sở sản xuất khi xây mới hoặc cải tạo tại các làng nghề không thực hiện quy định về thẩm duyệt PCCC dẫn đến hàng loạt sai phạm như: không có lối thoát hiểm, hệ thống điện không đảm bảo an toàn phòng cháy, phòng nổ; không có hoặc có trang thiết bị PCCC tại chỗ nhưng không đảm bảo về số lượng, chất lượng; thiếu hoặc không có nguồn nước chữa cháy...”

Trước thực tế nêu trên, theo Thượng tá Đỗ Xuân Bình, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC huyện Thường Tín cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền PC&CC tại các đơn vị, doanh nghiệp, đầu tư kinh phí trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, xây dựng phương án PC&CC, nhất là tại các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, cơ quan doanh nghiệp có nhiều yếu tố liên quan đến cháy nổ:

 

“Để đảm bảo an toàn PCC cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sức mạnh toàn dân, có định hướng quy hoạch về hạ tầng, đảm bảo giao thông, nguồn nước phục vụ công tác PCCC đặc biệt cho các làng nghề. Tập trung công tác thực tập phương án tại các cơ sở và nâng cao chế tài xử phạt vi phạm hành chính đồng thời có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý các trường hợp vi phạm an toàn PCCC&CNCH”.

Hơn lúc nào hết, để công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các làng nghề phát huy hiệu quả, vẫn cần sự chủ động và ý thức cảnh giác của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất làng nghề và mỗi người dân. Có như vậy, mới có thể hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ, để góp phần bảo vệ tính mạng tài sản của nhà nước và nhân dân./.

Nếu có bất kỳ câu hỏi, băn khoăn liên quan đến công tác đảm bảo an toàn PC&CC, quý thính giả có thể liên hệ với chương trình qua tổng đài 024.37.91.91.91, thư điện tử: hoso114vov@gmail.com.