Người khuyết tật đòi quyền lợi tham gia giao thông trước thềm Thế vận hội Olympic và Paralympic 2024

Được tiếp cận hệ thống giao thông công cộng an toàn, thân thiện là mong muốn của hầu hết những người khuyết tật. Tuy nhiên, tại không ít đô thị, các công trình hỗ trợ người khuyết tật thường ít được quan tâm, ngay cả ở quốc gia có chế độ phúc lợi cao như Pháp.

Đây cũng là lý do mà mới đây nhiều người khuyết tật tại Paris biểu tình đòi quyền lợi. Họ hy vọng có thể thu hút được sự chú ý của dư luận, trong bối cảnh thế giới đang hướng về Thế vận hội Olympic và Paralympic 2024 sắp cận kề. 

 

Babou Sene (ngồi xe lăn) tại nhà ga xe lửa Gare de Lyon - Ảnh AP

Một buổi sáng tại thị trấn Melun, ngoại ô thủ đô Paris, Pháp, Babou Sene, 31 tuổi, nhọc nhằn rời khỏi chiếc xe lăn, lê người xuống đất, rồi vất vả bám vào lan can, leo từng bậc cầu thang lên tầng 2 nhà ga tàu điện Gare de Lyon. Một vài hành khách tốt bụng giúp Sene bê chiếc xe lăn và hỗ trợ anh lên cầu thang.

Tuy nhiên hôm nay, Sene không đi một mình. Bên cạnh anh là hàng chục người khuyết tật ngồi xe lăn khác với băng rôn và biểu ngữ cầm trên tay. Tất cả đều bắt chuyến tàu hướng đến thủ đô Paris để biểu tình, tố cáo nhà chức trách chậm trễ trong việc xây dựng các công trình phụ trợ khiến người khuyết tật gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ công.

Babou Sene bày tỏ nỗi bức xúc: “Thật ức chế và bực bội khi không thể đi lại được. Những cảm giác của chúng tôi lúc này là tức giận, thất vọng, muốn nổi loạn nhưng rồi lại phải cam chịu. Bởi thực tế là, dù đã nhiều lần đấu tranh nhưng những ý kiến, mong muốn của người khuyết tật hầu như không được lắng nghe, bất chấp mọi nỗ lực của chúng tôi”.

Ở lần đi Paris này, tấm áp phích biểu tình của Sene có nội dung “Khi không thể tiếp cận các công trình công cộng, chúng tôi không thể tiếp cận các quyền công dân của mình”.

Trong khi đó, biểu ngữ trên tay những người bạn đồng hành của anh cũng nhấn mạnh những khó khăn mà người khuyết tật gặp phải khi tham gia giao thông hoặc sử dụng các tiện ích công cộng.

Anh Medhi Boughachiche, một người khuyết tật gặp khó khăn trong đi lại bày tỏ: “Đối với một người khuyết tật, việc di chuyển quanh khu vực Paris là gần như không thể bởi có nhiều cầu thang bộ, trong khi cầu thang máy thì hoạt động rất kém”.

Sene hiện đang làm việc cho APF France Handicap, một hiệp hội bảo vệ quyền lợi người khuyết tật và cũng là đơn vị đứng ra tổ chức cuộc biểu tình.

Trong bối cảnh Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024 cận kề, những người biểu tình hy vọng có thể thu hút sự chú ý của công luận, đặc biệt nêu bật mức độ tiếp cận dịch vụ công khó khăn của người khuyết tật Pháp, trái ngược với tiến bộ ở các nước phát triển khác.

Là một người hâm mộ thể thao, Sene cho biết, anh sẽ đăng ký để được tham gia làm tình nguyện viên Olympic, nhưng hy vọng Thế vận hội Paris cũng sẽ đóng vai trò khởi đầu cho việc cải thiện khả năng tiếp cận của người khuyết tật Pháp: “Tôi hy vọng Thế vận hội Paris 2024 sẽ giúp khả năng tiếp cận của người khuyết tật tiến một bước về phía trước và cho thấy rằng chúng tôi đang thực sự ở nước Pháp. Sự kiện này cũng là cơ hội cải thiện khả năng tiếp cận giao thông của người khuyết tật trong cuộc sống hàng ngày”.

Thực tế, vòng luẩn quẩn ‘hứa, thất hứa rồi lại hứa’ về những công trình tiện ích nhưng không được thực hiện trong suốt hàng thập kỷ qua khiến nhiều người khuyết tật Pháp cảm thấy tức giận. Dù trước đó, không ít ý kiến phản ánh khả năng tiếp cận hệ thống tàu điện ngầm ở Paris rất hạn chế và người khuyết tật thường xuyên thất vọng mỗi khi cố gắng đi xe buýt ở thủ đô.

Nnhiều người khuyết tật hy vọng có thể thu hút được sự chú ý của dư luận, trong bối cảnh thế giới đang hướng về Thế vận hội Olympic và Paralympic 2024 sắp cận kề - Ảnh AP

Chủ trì một hội nghị quốc gia về người khuyết tật diễn ra mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thừa nhận tiến độ chậm chạp trong việc thực hiện các dự án dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, ông Macro cam kết sẽ có ‘những hành động cụ thể’ để hỗ trợ cho 12 triệu người khuyết tật Pháp, ngay trước thềm Thế vận hội.

Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định: “Chính phủ sẽ dành 1,5 tỷ euro để cải thiện khả năng tiếp cận cho người khuyết tật. Đây là khoản ngân sách lớn, dù một số người mong muốn nhiều hơn, số khác lại đề suất ít hơn. Tuy nhiên, trước mùa hè năm nay chúng tôi sẽ tập trung toàn lực vào việc thực hiện cam kết này, bằng cách thiết lập một chương trình thực tế với lộ trình cụ thể mà tất cả phải cùng nhau tuân theo”

Còn theo ông Pascale Ribes, Chủ tịch APF France Handicap, Thế vận hội Paris sẽ diễn ra từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2024, do đó, ngay thời điểm này nước Pháp cần phải ‘tăng tốc’ để xây dựng các công trình hỗ trợ dành cho vận động viên cũng như khán giả khuyết tật.

Ông Ribes cho biết, các thành phố Olympic khác đã làm tốt hơn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận giao thông công cộng cho người khuyết tật. Điển hình như Tokyo, Nhật Bản khi tổ chức Thế vận hội vào năm 2021, hơn 90% trong số 758 ga tàu điện ngầm và đường sắt đã có thiết bị hỗ trợ người sử dụng xe lăn.

Đáp lại phản ứng từ người dân, đại diện đơn vị tổ chức Olympic Paris 2024 cam kết, thành phố đăng cai Thế vận hội sẽ cung cấp các điều kiện ‘tốt nhất có thể’ cho vận động viên và du khách khuyết tật. Đồng thời khẳng định họ đang hướng tới một trải nghiệm ‘không có chướng ngại vật’ cho tất cả mọi người, với 100% địa điểm thi đấu mà người khuyết tật hoàn toàn có thể tiếp cận. 

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật và mỗi năm có thêm hàng nghìn nạn nhân các vụ tai nạn giao thông trở thành người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người khuyết tật đang gặp khó khăn trong việc mưu sinh và hòa nhập cộng đồng do rào cản hạ tầng và phương tiện giao thông.

Theo khảo sát của PV VOV Giao thông, hạ tầng giao thông tiếp cận tại Hà Nội và TP.HCM dù đã có nhiều cải thiện song vẫn chưa thực sự thân thiện với người khuyết tật.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy quyền và sự hòa nhập của người khuyết tật. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đưa ra, từ chủ trương đến chính sách và đi vào cuộc sống, cần đồng bộ và đảm bảo nhất quán, để chính sách được thực thi hiệu quả và để người dân được thụ hưởng, nhất là nhóm yếu thế như người khuyết tật.