Người dân bất an lo cây xanh ngã đổ

Thời gian qua, tại TP.HCM tình trạng cây xanh liên tục bật gốc, ngã đổ xuống đường khiến người dân cảm thấy bất an. Đặc biệt, hiện Nam bộ đã bước vào mùa mưa, do đó có nguy cơ cây xanh ngã đổ, gây thiệt hại về tài sản và tính của người dân.

Đầu tháng 4 năm 2023, có lẽ nhiều học sinh và phụ huynh sẽ không bao giờ quên khi 1 cây cổ thụ trong Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1) bị bật gốc, khiến 7 người bị thương. Ngày 12/6, 1 cây xanh cao hơn 20 m bật gốc đè lên ô tô tại TP. Thủ Đức đã làm cho các phương tiện hư hỏng nặng.

Ngày 24/7, 1 nhánh cây dầu trên đường Lê Hồng Phong (phường 2, quận 10) bất ngờ gãy, rơi xuống đường gây hư hỏng cho 1 ô tô và 1 xe máy.

Hiện trường vụ cây đổ hôm 3/4 tại trường THCS Trần Văn Ơn. Ảnh: Hồng Lĩnh

Mới đây nhất vào chiều ngày 28/7, 1 người đàn ông đang đi xe máy trên đường Hùng Vương (quận 5) thì bất ngờ 1 nhánh cây xanh trên cao gãy, rơi trúng khiến bị thương. Từng là nạn nhân khi bị cây xanh ngã đổ đè lên người, anh Phạm Hoàng Phú (36 tuổi) vẫn chưa hết sợ hãi khi lại sự việc:

“Lúc đó là em đứng chôn chân tại chỗ luôn, bất ngờ quá. Cái cây nó đè lên tay của em, còn thân cây đè lên xe, nó ngán luôn chân của em. Cái chị kia đội nó bảo hiểm là nó bể nón bảo hiểm luôn”.

Đặc biệt, nhiều người cảm thấy lo lắng khi có 1 số cây nhìn rất xanh tốt, nhưng khi ngã đổ thì gốc cây đã mục. Theo người dân, các đơn vị liên quan cần sớm triển khai công tác cắt tỉa nhánh cây, cũng như cần “siêu âm” những cây xanh đã mục rỗng để loại bỏ nhằm đảm bảo an toàn.

"Chắc chắn là phải sợ rồi, không may mà đang làm như vậy mà cây nó ngã 1 cái thì ̀nh đâu có biết được."

"Có những cách nào đó, hay là cơ quan về cây xanh họ có những cái máy để mà thăm dò, hoặc siêu âm để biết được cái cây nào nó nguy hiểm và cái cây nào không."

Theo thạc sỹ Lê Thị Xuân Lan (chuyên gia khí tượng thủy văn), TP.HCM và các tỉnh Nam bộ đã bước vào mùa mưa, do đó, nguy cơ về ngập nước và cây xanh ngã đổ là rát cao. Nhất là với những cơn mưa kéo dài, kèm giông lốc và gió giật, người dân cần hết sức cẩn thận: 

“Cơ quan ban ngành chịu trách nhiệm, phải rà soát lại cây cối, những cái cây gãy, mục là có thể gây tai nạn chết người. Tại vì những tai nạn này nó rất bất ngờ, thường khi cơn gió giật mạnh nó xảy ra vào giờ cao điểm, người ta đi ùn ùn ở ngoài đường, cho nên rất nguy hiểm.”.

Đang chạy xe máy trên đường, người đàn ông bất ngờ bị nhánh cây xanh trên cao rơi xuống, trúng vào người khiến nạn nhân bị thương hôm 28/7

Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, để đảm bảo an toàn cây xanh, hạn chế sự cố cây xanh trong mùa mưa năm 2023, đơn vị đã giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật triển khai và duy trì thực hiện xuyên suốt các kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây và đặc biệt là rà soát, xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn.

Lý giải về việc một số cây “nhìn rất xanh tốt, nhưng khi ngã đổ thì gốc đã mục”, ông Hồ Hữu Hải (Trưởng Phòng Công viên - Cây xanh, thuộc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật), cho rằng đây là vấn đề “khuất lấp bên dưới”:  “Trung tâm cũng như các đơn vị chăm sóc bảo dưỡng cũng tăng cường cái nghiệp vụ, tăng cường ra soát khảo sát. Cái thứ 2 nữa là đánh giá, nhìn nhận qua một số điều kiện không gian sống xung quanh hoặc nhận diện qua những biểu hiện về tán lá, để có thể hạn chế thấp nhất những trường hợp có thể xảy ra. Thì đối với công tác này thì hiện nay trong mùa mưa bão, Trung tâm Hạ tầng vẫn đang tăng cường để rà soát.”.

Ngoài ra, trong mùa mưa bão, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cũng duy trì thường xuyên việc kiểm tra, xử lý thay thế cây xanh mất an toàn hoặc cây xanh có nguy cơ mất an toàn, cũng như tổ chức công tác ứng trực 24/24, tiếp nhận thông tin và kịp thời xử lý nhằm có sự phản ứng nhanh nhất trong việc khắc phục, xử lý sự cố cây xanh.