Đường Nguyễn Văn Quá đã được đầu tư nâng cấp và xây dựng cống hộp quy mô lớn (kích cỡ 1,6 x 1,6m đến 2,2 x 2,2 m) trên đoạn đường dài hơn 2km. Trong đó, một đoạn dài 800m được nâng cao độ mặt đường lên 1,7m vượt mức triều cường để chống ngập.
Công trình này do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 9/2015. Tuy nhiên, sau khi việc đầu tư nâng cấp hoàn thành, tuyến đường này vẫn tiếp tục bị ngập nặng mỗi khi mưa lớn. Nhiều năm nay, con đường này được xem như "rốn ngập mới" của TP.HCM.
Có nhà mặt tiền ở đường Nguyễn Văn Quá (thuộc phường Đông Hưng Thuận, quận 12), cô Nguyễn Thị Minh (55 tuổi) ngao ngán vì hễ mưa to là đường ngập mặc dù tuyến đường này đã được đầu tư hơn 160 tỷ đồng để chống ngập.
Theo cô Minh, sau khi đầu tư nâng cao mặt đường, thay cống hộp lớn tưởng sẽ hết ngập nhưng vẫn không cải thiện được. Vừa trò chuyện với phóng viên, cô Minh chỉ tay về phía trước cửa nhà và cho biết, gia đình cô đã phải nâng nền cao hơn so với mặt đường Nguyễn Văn Quá 30cm nhưng nước vẫn tràn vào nhà.
Đường này giờ còn ngập không cô?
Ngập chứ.
Làm cống rồi mà cô?
Ui làm cống thì làm chứ mưa nước nó chảy không kịp vẫn ngập. Cũng như nó thoát không kịp, cũng thoát nhưng thoát chậm, cũng như là nhiều nước quá nó thoát không kịp.
Ngập cao không cô?
Tới đây nè, vô nhà luôn.
Sát bên nhà cô Minh là quán nước của anh Hải (45 tuổi). Anh bán nước ở đây đã hơn 2 năm. Theo anh Hải, chỉ cần mưa khoảng 30 phút là khu vực trước nhà bị ngập nặng khiến việc, đi lại và kinh doanh buôn bán gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài việc nâng nền, quán anh “đầu tư” làm thêm 1 tấm vách ngăn bằng kim ngăn nước và rác tràn vào nhà mỗi khi bị ngập. Anh Hải cũng cho biết, 1 số người dân xung quanh đã nhiều lần phải ra khách sạn ngủ vì nước ngập tràn vào nhà, mới đây nhất là cơn mưa lớn vào chiều tối ngày 20/10: “Nước ngập vào tới nhà luôn, quét sình lầy muốn xỉu luôn. Nó ngập lên tới đầu gối luôn, cái dãy nhà trọ kế bên là tối đó không ngủ được, phải đi mướn khách sạn ngủ. Nhà mà nó ngập ngang đầu gối à”.
Không chỉ nhà mặt tiền, nhiều hộ dân sống trong hẻm trên đường Nguyễn Văn Quá cũng khổ sở không kém. Khổ nhất là mỗi lần mưa lớn, họ phải bỏ hết công việc để tát nước và dọn dẹp. Có nhà ở gần cuối 1 con hẻm nhỏ trên tuyến đường nay, nhà bà Nguyễn Thị Kiều (50 tuổi) đã quá quen với cảnh mưa là ngập nhiều năm nay.
Vào mùa nắng, mùi hôi thối từ con kênh phía sau nhà bốc lên trùm kín. Còn đến mùa mưa, nước chảy ào ạt cuốn theo vô số rác tràn vào nhà. 1 số người thuê trọ xung quanh nhà bà cũng dọn đi nơi khác vì quá ngao ngán.
Lý giải về tình trạng ngập trên đường Nguyễn Văn Quá, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, do vị trí cống Cây Liêm (từ Nguyễn Văn Quá thoát về kênh Tham Lương) thi công chưa đúng theo quy hoạch thoát nước chung của khu vực đã làm giảm khả năng thoát nước hạ nguồn.
Một nguyên nhân nữa là do lưu lượng mưa tăng cao khiến kênh Đồng Tiến (thuộc rạch Cây Liêm) tiếp nhận lượng nước rất lớn từ các phường Trung Mỹ Tây, phường Đông Hưng Thuận. Nên khi tiếp giáp đường Nguyễn Văn Quá, lòng rạch thoát không kịp làm nước chảy tràn lên các tuyến hẻm, gây ngập trong khu vực.
Bên cạnh đó, vị trí rạch Cầu Suối băng đường Nguyễn Văn Quá được xây dựng bằng tuyến cống D1000 cũng không đảm bảo thoát nước cho khu vực thượng nguồn. Ông Lý Thanh Long (Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết thêm.
“Hiện nay để giải quyết vấn đề này thì Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đang tập trung triển khai các thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo rạch Cây Liêm và dự án nạo vét, cải tạo rạch Cầu Suối để mở rộng lòng rạch tại các vị trí thu hẹp dòng chảy, lắp đặt hoàn thiện hệ thống cống. Bên cạnh đó, tập trung duy tu các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống để tăng cường khả năng thoát nước".
Hơn ai hết, hàng ngàn hộ dân sống trên đường Nguyễn Văn Quá, đều mong muốn chính quyền TP.HCM sớm có giải pháp căng cơ để chống ngập. Còn hiện tại họ chỉ còn biết sống chung với ngập lụt mỗi lần mưa lớn:
"Nước ngập thì mất cái đồ đạc tivi nó ngã đỗ hư hết, cứ lấy đồ tấn lại chứ biết làm sao".
"Làm cái đường đó rồi mà giờ vẫn ngập nữa".
"Hy vọng mình làm sao để làm con đường này để cho dân đỡ khổ".