Ngành đường sắt xin chuyển đổi gần 180 toa xe hết niên hạn thành chuyên dùng

Lý do xin chuyển đổi là vì các toa xe này đã hết niên hạn, nhưng trên thực tế khai thác lại có năng suất vận dụng thấp

 Ảnh nh họa

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép chuyển đổi gần 180 toa xe hết niên hạn (theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt) thành toa xe chuyên dùng.

Lý do xin chuyển đổi là vì các toa xe này đã hết niên hạn, nhưng trên thực tế khai thác lại có năng suất vận dụng thấp. Trong khi đó, nhu cầu phục vụ vận chuyển vật tư, thiết bị để thi công hạ tầng đường sắt, phục vụ an ninh quốc phòng và chạy tàu an sinh vẫn rất cấp thiết. Việc dừng vận dụng số toa xe này thời gian qua dẫn đến thiếu phương tiện vận tải chuyên dùng.

Cụ thể, hiện có 87 toa xe mở đáy Hmđ, chủ yếu vận chuyển vật liệu phục vụ việc thi công, sửa chữa các công trình trên toàn hệ thống đường sắt quốc gia. Bình quân hàng năm phục vụ chuyên chở khoảng 267.000 tấn vật liệu sửa chữa đường sắt. Năm 2021, ngành đường sắt dự kiến thiếu 86 toa xe phục vụ sửa chữa các công trình thi công trên đường sắt, đặc biệt các công trình thuộc dự án cải tạo, nâng cấp trên tuyến Hà Nội - Tp. Hôt Chí Minh.

Cũng theo VNR, hiện có 69 toa xe P thiết kế chuyên biệt với mức độ an toàn cao phục vụ vận chuyển mặt hàng xăng, dầu. Năm 2021, các doanh nghiệp vận tải dự kiến thiếu 91 toa xe P để đáp ứng yêu cầu vận chuyển xăng dầu, phục vụ cấp dầu cho đầu máy kéo tàu và xã hội.

Ngoài ra, còn có 11 toa xe mặt võng Mvt. Đây là toa xe chuyên biệt sử dụng vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng nhưng ít sử dụng, chủ yếu vận chuyển máy móc, ô tô tải các loại, phương tiện, thiết bị quân sự... của Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng) theo nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng.

Khoảng 80% số lượng toa xe Mvt hàng năm thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự. Năm 2021, dự kiến thiếu 11 toa xe này để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao và nhu cầu vận chuyển phương tiện máy móc thiết bị, ô tô tải.

Riêng hai loại toa xe Mvt và toa xe P ngoài phục vụ vận tải chở xăng dầu, cung cấp nhiên liệu chạy tàu cho các đơn vị đầu máy trong ngành, theo yêu cầu của Cục Vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có nghĩa vụ phải chuẩn bị toa xe tốt, sẵn sàng thường trực để kịp thời làm nhiệm vụ quốc phòng khi có yêu cầu.

Đại diện VNR cũng cho biết, ngành đường sắt hiện có 6 toa xe khách khổ đường 1.435mm để duy trì chạy hàng ngày đôi tàu an sinh trên tuyến Yên Viên - Hạ Long. Tuy nhiên, do thực hiện quy định về niên hạn toa xe, không có phương tiện để tổ chức chạy tàu.

Tương tự, tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát dài 7km, có 6 toa xe khách được thiết kế riêng, chủ yếu phục vụ chạy tàu du lịch, tốc độ chậm 15km/h. Năm 2021, dự kiến cũng thiếu 6 toa xe này để chạy tàu phục vụ khách tham quan trên tuyến.

Theo VNR, việc đầu tư số lượng lớn toa xe thay thế như vậy là áp lực lớn về tài chính đối với các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong bối cảnh vận tải giảm sút nghiêm trọng hiện nay.

Trong khi đó, về căn cứ pháp lý có thể cho phép chuyển đổi các toa xe thành toa xe chuyên dùng. Theo Khoản 3 Điều 18 Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định: Không áp dụng quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đối với các phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.

Về kiến nghị này của VNR, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác vận tải trong điều kiện khó khăn hiện nay, nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.