Ngành đường sắt phải cam kết tính an toàn với đầu máy, toa xe được điều chỉnh niên hạn

Bộ GTVT thống nhất định hướng sửa quy định niên hạn đầu máy, toa xe, nhưng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về công tác đảm bảo an toàn với các phương tiện này.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về quy định niên hạn đầu máy, toa xe cũng như đề xuất sửa Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Ảnh nh họa 

Theo Bộ GTVT, tình hình thực tế vận hành và kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy, đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về định hướng sửa đổi nội dung liên quan đến niên hạn là có cơ sở và cần thiết phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Bởi theo tính toán, đến 2025 đường sắt sẽ thiếu trầm trọng đầu máy, toa xe để phục vụ vận tải với khoảng 60 đầu máy, hơn 500 toa xe. Để đầu tư số này, Tổng công ty tính toán sơ bộ cần đến khoảng 8.000 tỷ đồng để đầu tư thay thế đầu máy, toa xe sử dụng dầu diesel.

Thực hiện quy định về niên hạn đầu máy, toa xe, đến 31/12/2025, Tổng công ty và các công ty vận tải đường sắt sẽ phải dừng hoạt động khoảng 114 đầu máy, 1472 toa xe hàng và 168 toa xe khách.

Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ trong thời gian đang tiến hành tổng kết, đánh giá và sửa đổi Luật Đường sắt, cần xem xét chỉnh sửa quy định tại Nghị định 65/2018, Nghị định 01/2022 theo hướng điều chỉnh thời điểm áp dụng niên hạn đối với đầu máy, toa xe cho đến khi Quốc hội thông qua Luật Đường sắt sửa đổi. Dự kiến Bộ GTVT đề xuất Chính phủ đưa Luật Đường sắt sửa đổi vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.

Ngoài ra, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xây dựng lộ trình để chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực đường sắt; rà soát, ban hành bổ sung các nội dung trong các quy định liên quan nhằm tăng cường trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ đối với phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác vận hành, đặc biệt đối với các phương tiện có thời gian khai thác vận hành trên 40 năm.

“Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về công tác đảm bảo an toàn của đầu máy, toa xe trong quá trình khai thác vận hành”, Bộ GTVT nhấn mạnh.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2018, trong đó quy định niên hạn phương tiện giao thông đường sắt. Đối với đầu máy và toa xe chở khách niên hạn sử dụng là 40 năm, toa xe chở hàng là 45 năm và lộ trình thực hiện niên hạn của bắt đầu từ năm 2020.

Tuy nhiên, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, kinh nghiệm thực tế khai thác vận hành cho thấy, hiện nay, trên đường sắt quốc gia vẫn đang sử dụng các đầu máy, toa xe có thời gian khai thác vận hành trên 40 năm. Công tác bảo dưỡng, kiểm định theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành và các phương tiện này vẫn đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành khai thác.

Trên thế giới, rất nhiều nước không quy định về niên hạn đầu máy, toa xe điển hình như Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...