Phản ứng của ngành công nghiệp ô tô đối với chiến thắng của tỷ phú Donald Trump vào ngày 6/11 đã nhanh chóng hiện hữu khi tỷ phú Elon Musk được cho là người hưởng lợi nhiều nhất. Cổ phiếu hãng xe điện Tesla tăng 14,7%, lên cao nhất kể từ tháng 7/2022. Việc này giúp CEO Elon Musk có thêm 26,5 tỷ USD chỉ trong một phiên.
Trong khi đó, cổ phiếu của nhiều ông lớn khác trong ngành ô tô như BMW, Volkswagen, Porsche và Mercedes-Benz đã giảm từ 5,2% đến 7,7%, theo Reuters. Các nhà sản xuất xe điện đến từ Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng khi BYD đã chứng kiến cổ phiếu của mình giảm 3,6%, trong khi cổ phiếu của Nio và Li Auto niêm yết tại Mỹ lần lượt giảm 5,3% và 3,3%.
Lí giải cho sự sụt giảm này, là bởi tổng thống đắc cử Donald Trump là người có chính sách đi ngược lại với cựu tổng thống Joe Biden. Trong khi ông Biden tích cực ủng hộ xe điện thì ông Trump lại kịch liệt phản đối. Ông Trump từng cho biết sẽ chấm dứt khoản trợ cấp 7.500 USD với người mua ô tô điện ở Mỹ, vốn liên quan đến Đạo luật Giảm Lạm phát trị giá 430 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.
Đây vốn là yếu tố thuyết phục người tiêu dùng chuyển sang xe điện. Trong 5 tháng đầu năm 2024, khách hàng mua xe điện tiết kiệm được 600 triệu USD, với mức trung bình 6.900 USD, theo Bộ Tài chính Mỹ.
Ông Trump từng chia sẻ trong một bài phát biểu vào hồi tháng 7: “Tôi sẽ chấm dứt lệnh bắt buộc sử dụng xe điện ngay vào ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống. Điều đó sẽ giúp ngành công nghiệp ô tô Mỹ thoát khỏi sự xoá sổ. Chúng ta cần hồi sinh ngành công nghiệp chế tạo xe càng sớm càng tốt.
Trung Quốc, họ đang xây dựng những nhà máy chế tạo xe khổng lồ, chúng ta không e sợ điều đó nhưng những nhà máy đó cần được xây dựng trên đất Mỹ, với công nhân Mỹ vận hành chúng. Nếu không, tôi sẽ áp thuế quan từ 100 - 200% cho tất cả xe nhập khẩu, khiến chúng không thể bán được trên đất Mỹ.”
Mặc dù hầu hết các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, trong đó có Trung Quốc, đều có nhà máy tại Hoa Kỳ, nhưng các công ty này vẫn phải dựa vào hàng nhập khẩu để mở rộng phạm vi mẫu xe của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Động thái của ông Trump là để thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy trên đất Mỹ, từ đó tạo thêm việc làm cho người dân quốc gia này.
Bên cạnh đó, trước đây ông Trump còn hứa sẽ bỏ lệnh cấm sử dụng xe chạy xăng khi ông tái đắc cử tổng thống. Ông cho biết, khi mình trở thành tổng thống, sẽ không có một bang nào được phép cấm sản xuất xe chạy xăng. Trước đó, một số bang tại Mỹ như California đang dần lên kế hoạch cho việc đặt ra các yêu cầu khắt khe về khí thải ô tô từ năm 2026, hướng đến mục tiêu năm 2035 không còn xe chạy xăng.
Ông Trump cho biết: “Xe điện rất ấn tượng nhưng tôi cũng ủng hộ xe chạy xăng và cả xe hybrid. Chúng ta không thể cấm, không thể bắt người dân chỉ có thể mua xe điện. Chưa kể, quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng, trạm sạc tại Mỹ có thể tốn tới 3 – 5 nghìn tỷ USD. Không một quốc gia nào có đủ tiềm lực kinh tế cho việc đó”.
Không còn ưu đãi thuế, không còn cấm xe chạy xăng, doanh số xe điện ở Mỹ sẽ giảm, cũng có nghĩa mục tiêu khí thải và môi trường khó đạt được. Điều này cũng tác động tới những hãng xe gồm General Motors (GM) và Ford khi cả lượng đầu tư cũng như khách hàng mua xe sẽ giảm dần.
Vậy tại sao Tesla, với tỷ phú Elon Musk, vẫn đang nghĩ khác khi ủng hộ ông Trump? Ông Karl Brauer, nhà điều hành, chuyên gia phân tích của trang iSeeCars.com chia sẻ:“Điều này thật thú vị vì chúng ta đều biết rằng đã có rất nhiều sự hỗ trợ của chính phủ cho quá trình chuyển đổi sang xe điện, và Tesla là một trong những người hưởng lợi từ nó, còn Donald Trump thì không ủng hộ chính sách xe điện.
Tôi cho rằng, Elon Musk đã nhận ra xe điện không còn là mục tiêu dài hạn của Tesla. Musk cần một mục tiêu lớn khác, và nó có thể là xe tự động, hay còn gọi là robo taxi. Chúng ta đều thấy Musk đã dành khá nhiều thời gian và tiền bạc vào công nghệ này. Chỉ là chúng ta chưa biết bao giờ Musk mới có thể gặt hái thành quả”.
Trước đó, tỷ phú Elon Musk từng cho biết, không có ưu đãi thuế "thực ra có thể giúp Tesla" về dài hạn vì các đối thủ của hãng có thể gặp những trở ngại lớn hơn nhiều. Bản thân ông Trump cũng đã bớt chỉ trích xe điện sau khi nhận được sự ủng hộ và hậu thuẫn từ phía Elon Musk. Cuối tháng 10, Tesla công bố kết quả kinh doanh quý III, với 2,5 tỷ USD lợi nhuận, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng cao hơn dự báo của giới phân tích.
Có thể nói, hiện ngoài Tesla, ngành xe điện Mỹ đang đối mặt với một tương lai “không chắc chắn” khi Donald Trump tái đắc cử tổng thống. Dù vậy, việc huỷ bỏ những gì mà chính quyền Biden đã gây dựng chắc chắn sẽ tốn thời gian và không dễ dàng cho ông Trump. Chính quyền Biden trước đó đã nhanh chóng xúc tiến các khoản trợ cấp trước cuộc bầu cử.
Các giám đốc điều hành của một số hãng ôtô lớn nhất nước Mỹ như Ford hay GM đều ủng hộ xe điện. Có lẽ, chúng ta sẽ phải chờ những động thái của ông Trump trong thời gian tới để biết được tương lai của ngành xe điện sẽ ra sao.
Trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô đang tìm hướng chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á để né các mức thuế cao từ Mỹ thì cơ hội có thể mở ra cho các quốc gia trong khu vực này như Thái Lan, Malaysia,… và bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, rủi ro vẫn tồn tại, đặc biệt là khi có những dấu hiệu cho thấy tổng thống Trump có thể xem xét áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Việc đánh thuế xe nhập khẩu đối với các thương hiệu có ý định bán xe điện trên đất Mỹ nhưng “không chịu đầu tư” của ông Donald Trump có thể khiến các thương hiệu này gặp khó, trong đó bao gồm cả thương hiệu xe điện của Việt Nam là Vinfast, bởi hiện Vinfast đã hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy trị giá 4 tỷ USD ở bang Carolina cho tới năm 2028.