Nâng mức thuế bảo vệ môi trường bao bì khó phân hủy tương đương với thế giới để giảm "ô nhiễm trắng"

Việt Nam hiện là một trong những nước sử dụng túi ni lông nhiều nhất trên thế giới. Bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng 1kg túi mỗi tháng. Riêng Hà Nội và TP.HCM, một ngày thải ra 80 tấn nhựa và túi ni lông, phần lớn là túi khó phân huỷ.

Việc xã hội lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, nhất là túi ni-lông khó phân hủy đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường.

Để góp phần giảm thiểu tình trạng “ô nhiễm trắng”, ngoài túi ni lông đang thuộc diện chịu thuế, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ bổ sung thêm hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm vào diện chịu thuế với tên gọi chung là bao bì khó phân huỷ sinh học. Khung thuế bảo vệ môi trường với bao bì khó phân huỷ sinh học cũng sẽ được tăng lên, tương đương với các nước trên thế giới.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với GS, TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: 

PV: Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, VN cũng áp dụng thuế BVMT như 1 công cụ quan trọng để kéo giảm việc sử dụng túi ni lông khó phân huỷ với mức 50.000đ/kg.  Ở Anh, mức thuể BVMT đang được áp dụng với túi ni lông là 1.400 đ/ túi, Hong Kong là 1.500đ/ túi hay thậm chí ở Ai len là 6.600 đ/ túi… So với các nước có thể thấy, mức thuế BVMT đối với túi ni lông là khá thấp. Vậy, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Đặng Hùng Võ: Nếu chúng ta đánh thuế theo cân thì chắc chắn người ta sẽ có nhiều giải pháp công nghệ để làm túi mỏng hơn, như vậy thì lượng thuế cũng ít hơn. Người ta cũng có nhiều cách thức khác để giảm thuế. Và thực tế, việc đánh thuế như hiện nay thì việc dùng túi ni lông vẫn đang nghiễm nhiên trên thị trường, chưa thay đổi nhiều.

Chính sách thuế của Việt Nam có nhiều bất cập nhưng hạ tầng quản lý của chúng ta lại chưa đủ để thu thuế. Ví dụ như đối với những cơ sở sản xuất túi ni lông hay hộp xốp đựng thực phẩm, nếu sản xuất ở cơ sở tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp hay sản xuất vào đêm tối thì không quản lý được. Vì vậy, mức đánh thuế và phương thức đánh thuế như hiện nay thì vẫn chưa đủ để răn đe.

Ảnh nh họa 

PV: Như ông vừa trao đổi, vậy, đề xuất của Bộ Tư pháp về việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường với các loại bao bì khó phân huỷ tương đương với các nước các nước trên thế giới liệu đã đủ để chúng ta giảm thiểu tình trạng “ô nhiễm trắng”?

Ông Đặng Hùng Võ: Tôi cho rằng đề xuất này là có lý, người tiêu dùng thường có thói quen là dùng những vật dụng rẻ và tiện lợi nhưng nó lại gây ô nhiễm môi trường. Và nhiều khi, phải dùng cơ chế tài chính để hình thành ý thức này. Và mong rằng việc đưa mức thuế lên cao hơn với hy vọng đánh vào túi tiền thì người dân sẽ thay đổi ý thức.

Nhưng bên cạnh đề xuất như vậy, nếu chỉ dùng thuế thì chưa ổn. Tôi đồng ý là cơ chế pháp luật là cần, nhưng bên cạnh đó, chúng ta cần vận động thông qua các hiệp hội, báo chí, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thông qua giáo dục với nhiều hình thức phù hợp.

Rồi vấn đề bảo vệ môi trường, chúng ta phải đẩy mạnh các giải pháp thay đổi tập quán sinh hoạt của con người, sao cho đó là những tập quán sinh hoạt sạch, không gây ô nhiễm môi trường. 

PV: Xin cảm ơn ông!