Mong chờ tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

TP.HCM và Tây Ninh đang tập trung chuẩn bị những bước tiếp theo để triển khai dự án. Tại Tây Ninh, việc triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của dự án đang được các sở, ngành, địa phương gấp rút thực hiện, phấn đấu hoàn thành vào ngày 15/4/2025.

Dự án sẽ tăng tính liên kết giữa các đường vành đai 3, vành đai 4 của TP.HCM với Tây Ninh và nối tiếp tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát trong tương lai

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài gần 51km, với điểm đầu dự án giao với đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi (TP.HCM) và điểm cuối kết nối quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Dự án được chia thành 4 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 là xây cao tốc theo phương thức BOT có tổng vốn hơn 10.400 tỷ đồng do UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền.

Dự án thành phần 2 xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt, vốn đầu tư 2.420 tỷ đồng từ ngân sách. Hai dự án thành phần còn lại là giải phóng mặt bằng đoạn qua TP.HCM và Tây Ninh do ngân sách 2 địa phương chi trả.

Thường xuyên đi lại giữa TP.HCM và Tây Ninh trên tuyến quốc lộ 22, anh Xuân Danh (ngụ quận 12) cho biết, áp lực giao thông trên tuyến đường này rất lớn. Do đó, hầu như các khung giờ cao điểm sáng chiều, tuyến quốc lộ 22 luôn đông đúc xe cộ chen chúc nhau để di chuyển, làm mất thời gian và khó khăn cho người dân trong việc đi lại giữa 2 tỉnh thành.

Khi biết dự án tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được phê duyệt đầu tư, anh Danh vui mừng và mong ngóng dự án sớm được triển khai: “Vừa qua thì tôi được biết Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án TP.HCM - Mộc Bài thì tôi rất là mừng. Tuyến cao tốc này mà đi vào hoạt động thì nó giải quyết áp lực giao thông rất lớn cho quốc lộ 22. Từ đó kích cầu kinh tế 2 địa phương phát triển hơn nữa, cái việc vận chuyển hàng hóa cũng được phát triển hơn nữa".

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ là đường bộ ngắn nhất kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM với Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vẹt (Ảnh phối cảnh)

Chung tâm trạng với anh Danh, anh Linh (ngụ Tây Ninh) cũng kỳ vọng một giai đoạn phát triển mới trên quê hương nhờ vào tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Không chỉ phát triển về giao thông, mà còn phát triển về kinh tế, đưa những sản phẩm của tỉnh nhà đi xa hơn, nhanh hơn và được giá.

Ngoài ra, với đường xá thuận lợi khi có cao tốc cũng giúp cho du lịch của Tây Ninh ngày càng lớn mạnh, anh Linh chia sẻ: “Thứ nhất là về mặt lưu thông thì khi người dân 2 địa phương qua lại thì nó cũng thuận tiện hơn, rút ngắn hơn, giảm chi phí. Thứ 2 mình thấy cửa khẩu Mộc Bài cũng là cửa khẩu rất quan trọng nên nếu có tuyến đường này thì có nhiều yếu tố thuận lợi hơn..”

Theo nhiều người dân Tây Ninh, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là ước muốn mà họ mong ngóng từ lâu, giúp kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM với Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vẹt, phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài - TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Và đặc biệt, khi hoàn thành sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 22 giảm thời gian và tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách đi/đến TP.HCM. Do đó, khi nghe dự án được phê duyệt, nhiều người đều đồng tình ủng hộ và sẵn sàng ban giao mặt bằng để làm dự án:

"Thì tôi biết được cái dự án này rất hữu ích cho dân cho nên chúng tôi khi nào cũng đồng tình".

"Chủ trương thì người dân rất phấn khởi, người dân cũng mong nhà nước đền bù thỏa đáng để mua ếng đất lại để canh tác".

"Mong rằng dự án này sẽ đẩy nhanh, vượt tiến độ, để đẩy nhanh việc phát triển của Tây Ninh, 1 vùng đất mà đang phát triển rất sôi động".

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khi hoàn thành sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 22 vốn đã quá tải từ nhiều năm nay

Hiện nay, TP.HCM và Tây Ninh đang tập trung chuẩn bị những bước tiếp theo để triển khai dự án. Tại Tây Ninh, việc triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng của dự án đang được các sở, ngành, địa phương gấp rút thực hiện, phấn đấu hoàn thành vào ngày 15/4/2025.

Còn tại TP.HCM, Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành phố cũng vừa đề nghị UBND huyện Củ Chi và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.

Ông Lương Minh Phúc (Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM) cho biết, dự án này có thuận lợi rất lớn là đa số đất cần giải phóng mặt bằng là đất nông nghiệp, đất ruộng.

Ngoài ra, quá trình giải phóng mặt bằng cho cao tốc Mộc Bài sẽ triển khai như Vành đai 3. TPHCM dự kiến vận dụng các cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, Luật Đất đai 2024 nhằm đảm bảo người dân được hưởng lợi tốt nhất khi bàn giao mặt bằng từ tháng 4/2025 để phục vụ khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật đầu tiên của dự án.

Ông Lương Minh Phúc nói thêm: "Chủ đầu tư đang cùng với các đơn vị chuẩn bị 1 cái tiến độ chi tiết, với mục tiêu sẽ khởi công các hạ tầng kỹ thuật vào 30 tháng 4 năm 2025. Các công tác cho dự án BOT ở lõi cao tốc thì sẽ triển khai đồng bộ với dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và 1 dự án thành phần về đầu tư công. Và 3 dự án này, chúng tôi sẽ quyết tâm lần lượt khởi công trong tháng 4 và tháng 6 năm 2025. Và hoàn thành toàn bộ công trình và thông xe vào 31/12/2027, đồng bộ với tuyến cao tốc bên nước bạn”.

Có thể thấy, khi tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối TPHCM với Campuchia, phá thế độc đạo và tạo tuyến đường mới kết nối TPHCM qua Tây Ninh.

Ngoài ra, dự án sẽ tăng tính liên kết giữa các đường vành đai 3, vành đai 4 của TP.HCM với Tây Ninh và nối tiếp tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát trong tương lai.