Lương tăng, liệu có chặn được giá cả “bám đuôi leo thang”

Thời điểm tăng lương đang tới gần, bên cạnh sự hào hứng của người lao động thì còn nỗi băn khoăn, liệu giá cả trên thị trường có tăng theo? Việc này không còn lạ trong những đợt tăng lương trước. Vậy cần làm gì để kiểm soát mức tăng của giá hàng hóa, dịch vụ khi thu nhập của người dân được cải thiện?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh xung quanh nội dung này.

 

Người lao động lo lắng liệu khi lương tăng, giá cả có tăng theo (Ảnh nh họa: Thanh niên)

PV: Theo ông quan sát, liệu đã có dấu hiệu của việc lương chưa tăng nhưng giá cả thị trường đã rục rịch "tát nước theo mưa" hay chưa?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết chúng ta biết rằng, thông thường các năm việc tăng lương thì giá cũng thường tăng theo và thông thường giá này nó tăng hai lần. Một là khi mà chúng ta quyết định tăng lương thì lập tức giá bắt đầu tăng và khi người được hưởng lương nhận được lương thì lúc đó giá lại tăng một lần nữa.

Vì vậy, trong thời gian cũng tương đối dài, mọi người cứ nói rằng lương lên thì giá lên, thậm chí là lương lên không đủ bù giá lên. Thời gian vừa qua, giá đã rục rịch tăng ở một số mặt hàng. Tuy nhiên mức tăng này chưa cao và chúng ta hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý tốt hơn để giá không tăng hoặc tăng hợp lý.

PV: Để tránh việc “lương tăng 1 đồng, giá tăng 3 đồng”, theo ông cần triển khai giải pháp nào?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Có mấy giải pháp cơ bản cần tiến hành ngay và luôn.

Thủ tướng Chính phủ mấy hôm gần đây đã ra công điện yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước ổn định thị trường, giá cả, không để cho giá tăng theo lương.

Để làm việc đó, trước hết, Cục giá của Bộ Tài chính cùng với Tổng cục quản lý thị trường của Bộ Công thương phải rà soát đầu ra, đầu vào giá thành của những mặt hàng thiết yếu để xem giá thành thế nào, giá bán ra sao, có tăng hay không và tăng có hợp lý không, rất quan trọng vì nó ảnh hưởng ngay đến đời sống cũng như mặt bằng giá.

Thứ hai, các Cục quản lý thị trường cùng các đội quản lý thị trường phải cùng với chính quyền kiểm tra đầy đủ các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh, hộ tiểu thương cũng như chợ dân sinh việc tăng giá cả, đảm bảo niêm yết giá và tăng giá phù hợp.

Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải xem xét, nếu có việc tăng giá điện hay tăng giá các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo thì cũng phải xem mức tăng có phù hợp và phải có thời gian giãn cách để không tạo ra những cú sốc về giá.

Và đặc biệt việc kiểm tra, giám sát phải thực hiện thường xuyên, liên tục trước và sau khi tăng lương. Quan trọng nhất là nếu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nào tăng giá bất hợp lý thì phải có chế tài xử lý nghiêm.

PV: Nhà nước nên tính toán ra sao để đảm bảo an sinh cho những đối tượng không được tăng thêm thu nhập do nằm ngoài diện được tăng lương, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nhà nước đồng thời tăng lương tối thiểu vùng 6% và rõ ràng như vậy là lương của những người lao động về cơ bản cũng sẽ tăng lên.

Đối với một số đối tượng không nằm trong vùng được tăng lương thì đây là những lao động tự do và đương nhiên là họ sẽ có những khó khăn nhất định, về phía Chính phủ phải có các cơ chế hỗ trợ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho họ để họ có thể được hưởng chính sách an sinh xã hội mà Bộ Lao động Thương binh Xã hội và Chính phủ đã ban hành thời gian vừa qua.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Ngoài nỗi lo giá cả tăng theo sau khi tăng lương, người lao động cũng lo ngại rủi ro trong việc thanh toán, chi trả, thực hiện chế độ của doanh nghiệp liên quan đến tiền lương, bảo hiểm khi tăng lương từ tháng 7 tới.

Về vấn đề này, Ths. Luật sư Phạm Văn Hiến, Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự nhấn mạnh: “Pháp luật đã có quy định, có chế tài để xử lý, cụ thể theo quy định tại Nghị định số 12 năm 2022 xử phạt hành chính về vi phạm tiền lương, việc không trả đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, không trả hoặc trả không đầy đủ tiền lương, tiền làm thêm giờ và thanh toán các chế độ khác kèm theo thì có thể bị xử phạt lên tới 50 triệu đồng tùy theo tính chất, mức độ của hành vi. Liên quan đến hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, pháp luật hình sự đã có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Đó là theo quy định tại Điều 216 BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017, mức phạt đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, mức phạt tù cao nhất lên tới 7 năm. Người sử dụng lao động là cá nhân, tổ chức thì có thể phải chịu thêm mức phạt tiền, với cá nhân thì mức phạt tiền lên tới 100 triệu đồng và với pháp nhân, tổ chức, doanh nghiệp thì mức phạt tiền lên tới 3 tỉ đồng.”