Luật hóa kiểm soát khí thải xe máy: Cần thiết nhưng cần nghiên cứu kỹ

Mới đây, quy định về kiểm soát khí thải đối với ô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông trong Dự thảo Luật Đường bộ lần thứ 5 đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến, nhận được sự quan tâm lớn từ các bộ ngành và người dân.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, tốc độ phương tiện đang gia tăng nhanh chóng. Thống kê năm 2021, với hơn 68 triệu xe lưu hành trên cả nước, trong đó mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất. Đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.

Xe máy cũ là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm đô thị - Ảnh nh họa baochinhphu

Với hơn 6 triệu xe máy, trong đó gần 3 triệu xe máy cũ sản xuất trước năm 2000 ở Hà Nội và khoảng 7,8 triệu xe máy ở TP.HCM, trong đó xe sử dụng trên 10 năm chiếm trên 67%. Đến nay, số phương tiện hiện hành cả nước đã đạt trên 70 triệu xe máy.

Theo đó, để giảm tác hại ô nhiễm môi trường của khí thải phương tiện, Bộ Giao thông vận tải đề xuất kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy. Đồng thời, người dân sẽ tiết kiệm chi phí nhiên liệu, kéo dài tuổi thọ phương tiện khi xe được bão dưỡng định kỳ.

Theo phân tích của PGS - TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM), khí thải từ các phương tiện xe cơ giới, nhất là phương tiện càng cũ thì càng gây nguy hại cho sức khỏe, do các nhiên liệu xăng dầu không được đốt cháy hết, tạo thành muội than rất độc hại xả thẳng ra môi trường.

PGS - TS Hồ Quốc Bằng cho biết: “Bụi chứa khí độc trong đó, không phải đất đá thông thường, ví dụ như kim loại nặng, thủy ngân, aczen… và các chất hữu cơ chứa vòng benzene, khi vào phổi sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp của chúng ta. Theo Tổ chức Y tế thế giới thì các loại khí đó thì có khả năng gây ung thư phổi. Tôi cho rằng giải pháp ngắn hạn là chúng ta kiểm soát khí thải xe gắn máy và kiểm soát loại xe quá cũ kỹ, quá niên hạn sử dụng loại bỏ đi”.

Còn theo thạc sĩ Nguyễn Đình Hùng – Khoa Kỹ thuật giao thông, đại học Bách Khoa TP.HCM, việc kiểm soát khí thải xe máy là xu hướng của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, để thuyết phục người dân, quy trình kiểm tra phải đơn giản và thuận tiện để người dân dễ dàng thực hiện: “Việc kiểm kiểm tra khí thải xe máy là yêu cầu cần thiết để người ta đi bảo trì xe tốt hơn, cách hoạt động tốt hơn, xe chất lượng tốt hơn.

Chúng ta kiểm tra khí thải thì sẽ kiểm tra gồm nồng độ phát thải của HC và mức phát thải của CO cực kỳ quan trọng phải nhỏ hơn 4.5%. Thì việc kiểm tra rất bình thường, hầu như các nước trên thế giới như Ấn Độ cũng có cách kiểm tra, nếu đảm bảo chất lượng, phát thải đúng tiêu chuẩn thì cứ di chuyển trên đường. Vậy thì bây giờ cũng như sau chủ trương đăng kiểm, các trạm bảo trì mở ra các trạm, ễn sao đáp ứng đủ hợp quy, hợp chuẩn là chúng ta kiểm tra thôi”.

Ảnh: Internet

Bên cạnh các ý kiến đồng thuận, ủng hộ chủ trương này, không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của đề xuất. Nhiều ý kiến còn cho rằng, cần có lộ trình phù hợp để quyết tâm này được hiện thực hóa:

"Kiểm tra khí thải rất khó, năm ra đời của xe nó không quyết định được lượng khí thải".

"Cần có một phương án, một lộ trình để thuận tiện mang xe đi kiểm định".

"Xe cũ nhưng người ta bảo dưỡng thường xuyên thì vẫn tốt chứ không phải không lưu thông được. Lực lượng chức năng làm như thế nào để phân biệt được quá khí thải, xe nào không, có phương tiện kiểm soát chính xác, không phải nhìn bằng mắt thường rồi muốn bắt sao thì bắt".

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu - Giảng viên chính kiêm điều phối viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, trường đại học Việt Đức cho rằng, cần có một quy trình cụ thể, phương án phù hợp cho điều kiện của từng khu vực và thói quen của người dân: “Kiểm soát khí thải tôi cho rằng câu chuyện này dẫn đến vấn đề rất lớn là với số xe máy hiện hành thì tôi cho rằng chi phí lớn hơn kết quả. Cho nên muốn làm phải phân nhóm ra mới đánh đúng đối tượng, tức là khu vực, loại xe gồm phân khối lớn, động cơ 2 thì cũ và xe trên 15 năm chẳng hạn.

Và mình tổ chức phương án kiểm tra nào nhanh, rẻ, nhiều, kết quả chi phí thấp, bây giờ kiểm tra tốn chi phí quá cũng gây lãng phí xã hội. Tức là làm thế nào để hiệu quả trong vấn đề chức năng, nguồn lực con người, đầu tư máy móc phương tiện mà không bị lợi dụng, trục lợi”.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu, việc áp dụng cần chia nhiều giai đoạn để đánh giá hiệu quả. Giai đoạn đầu nên thí điểm ở các đô thị đặc biệt có dân cư tập trung đông; có cơ chế, cách thức kiểm tra, phân loại phương tiện phù hợp; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân trong chuyển đổi phương tiện cũ, không đảm bảo tiêu chuẩn; nhất là xây dựng được mạng lưới giao thông công cộng đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần hạn chế xe cá nhân.

Cần thiết nhưng cần nghiên cứu kỹ

Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy là vấn đề cấp bách để giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiện nay. Tuy nhiên, nhà nước cần được tính toán kỹ càng, để đảm bảo lợi ích của người dân, tránh câu chuyện có luật nhưng khó thực thi.

Câu chuyện kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy đã được nhiều lần nhắc đến nhưng vẫn chưa được thực hiện thực chất.  Nhìn thẳng vào thực tế vấn đề ô nhiễm không khí, nhất là tại các đô thị lớn hiện nay thì vấn đề kiểm soát khí thải xe cơ giới, đặc biệt là xe máy là rất cần thiết.

Thử đặt trong hoàn cảnh vô tình đi sau những xe máy, xe thô sơ xả khói đen ngòm kèm theo mùi khét cực kỳ khó chịu, cộng thêm cảnh ùn tắc giao thông, khiến người đi đường vô cùng mệt mỏi. Không chỉ xe máy cũ, xe thô sơ mới gây ra phát thải khí ô nhiễm, ngay cả xe mới mua nhưng nếu không được bảo dưỡng, bảo trì thường xuyên cũng sẽ phát sinh khí thải.

Trong khi lực lượng chức năng khó có điều kiện để xử lý, do chưa có tiêu chuẩn, quy định ràng buộc cụ thể để xử phạt các loại xe máy, xe thô sơ không đảm bảo phát thải này. Đây là một lỗ hỗng mà pháp luật hiện nay còn bỏ trống.

Đề xuất kiểm soát khí thải mô tô, xe máy định kỳ của Bộ Giao thông vận tải vừa qua là phù hợp trong bối cảnh lượng xe cá nhân ngày càng tăng cao; nhất là xe công cộng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, trong khi xe máy cũ, xe quá niên hạn vẫn được người dân sử dụng từ thành thị đến nông thôn.

Chính vì lẽ đó,  đề xuất nhận được nhiều sự đồng tình từ các Bộ ngành và người dân. Vấn đề còn lại là công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt cần thực hiện chặt chẽ. Đặc biệt là phải có quy chuẩn cụ thể và giải pháp xử lý phù hợp cho từng loại phương tiện như xe cũ nát, xe hết niên hạn, thậm chí xe mới vận hành nhưng lại gây phát thải phải xử phạt ra sao…, cần được quy định rõ ràng trước khi đi vào cuộc sống.

Bởi chủ trương này tác động lớn đến xã hội, dân sinh; rất rõ ràng là dù xe máy có cũ nát vẫn là tài sản và là phương tiện mưu sinh thiết yếu của đa số lao động nghèo. Nếu bị xử phạt, họ sẳn sàng từ bỏ phương tiện, thay vì bảo dưỡng, bảo trì theo quy định. Do đó, nhà nước cần có cơ chế để khuyến khích, hỗ trợ, để người dân chuyển đổi phương tiện mới. Riêng những trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm, không vị tha, nhúng nhường.

Muốn vậy, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu góp ý của các bên liên quan, ý kiến rộng rãi của nhân dân, để xây dựng dự luật đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, không qua loa lấy lệ. Trong đó, cơ chế giám sát cần phải chặt chẽ, để việc xử phạt được nghiêm nh, không lợi dụng quy định gây nhũng nhiễu, tiêu cực cho nhân dân. Đồng thời cần có sự đánh giá, đo đếm hiệu quả trong quá trình áp dụng, cũng như công bố công khai kết quả thực hiện để người dân nắm và ủng hộ.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần hiểu rõ, việc sử dụng phương tiện cũ không những gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe còn gây hại đến môi trường. Vì thế đã đến lúc mọi người cần nói không với xe máy cũ, để hướng đến môi trường sống lành mạnh và an toàn hơn.