Quyết định áp thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thương mại thay mặt cho 27 quốc gia thành viên, sẽ có hiệu lực từ ngày 31/10.
Do vậy, hai bên còn rất ít thời gian đàm phán để có thể đi tới một giải pháp hòa giải. Ông Olof Gill, người phát ngôn EC cho biết, bất kỳ phương án nào do Bắc Kinh đưa ra cũng phải phù hợp với quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đồng thời có thể giám sát và thực thi:
“Đề suất của Ủy ban châu Âu về việc áp thuế chống trợ cấp đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc nhận được sự ủng hộ cần thiết từ các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, chúng tôi và Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp thay thế đủ để ngăn chặn tình trạng trợ cấp gây thiệt hại từ phía Trung Quốc”.
Nếu được áp dụng, mức thuế châu Âu đặt ra đối với các nhà sản xuất ô điện Trung Quốc có thể dao động từ 17 tới 45% và kéo dài trong ít nhất 5 năm.
Giới phân tích đánh giá, đây là biện pháp thương mại nghiêm trọng nhất mà EU dành cho Trung Quốc trong vòng hơn một thập kỷ qua. Phóng viên đài CNBC thông tin: “Thuế áp dụng sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ mà nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nhận được từ chính phủ. Điều đáng lưu ý là tất cả đều thực hiện theo quy tắc của WTO, một tổ chức mà cả Trung Quốc và EU là thành viên”.
Thống kê cho thấy, giá trị xuất khẩu ô tô Trung Quốc vào châu Âu tăng từ 1,6 tỷ USD năm 2020 lên gần 12 tỷ USD vào năm 2023. Ô tô Trung Quốc hiện chiếm khoảng 15% thị phần ở châu Âu. Viễn cảnh xe điện giá rẻ ‘made in China’ tràn ngập, làm dấy lên lo ngại về công ăn việc làm của 2,5 triệu công nhân ngành ô tô châu Âu và hơn 10 triệu người phụ thuộc gián tiếp.
Tuy nhiên, quyết định áp thuế lại đang gây tranh cãi trong chính nội bộ châu Âu. Trong khi một số nước như Pháp, Ba Lan, Italia ủng hộ thì Đức, quốc gia có ngành công nghiệp ô tô hùng mạnh, và Hungary bỏ phiếu phản đối.
Theo bà Hildegard Muller, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức, quyết định của EC là một ‘bước thụt lùi về hợp tác toàn cầu’. Bà Muller cho rằng, điều châu Âu cần làm lúc này là ngăn chặn leo thang, tránh không rơi vào một cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc.
Trong khi đó, thủ tướng Hungary, Viktor Orban cảnh báo, EU có nguy cơ đang bắt đầu cuộc ‘chiến tranh lạnh’ về kinh tế với Trung Quốc.
Lý giải về bất đồng giữa các nước thành viên EU, ông Niclas Frederic Poitiers, chuyên gia về các vấn đề chính sách và kinh tế từ Viện Nghiên cứu Bruegel, Bỉ nhận định: “Các nhà sản xuất ô tô của Đức đã đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc và chủ yếu hoạt động ở phân khúc cao cấp nên họ không quá lo lắng về xe giá rẻ nhập khẩu. Trong khi những nhà sản xuất ô tô của Pháp hay Italia không đầu tư nhiều vào Trung Quốc và họ đang cạnh tranh trực tiếp với nước này ở phân khúc bình dân”.
Phản ứng trước kết quả bỏ phiếu của Ủy ban châu Âu, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, đồng thời cho rằng quyết định áp thuế là ‘vô lý và không công bằng’.
Các chuyên gia phân tích, nếu Trung Quốc sử dụng biện pháp đối phó, nhiều doanh nghiệp ô tô Đức có thể bị ảnh hưởng. Bởi dữ liệu thương mại cho thấy, gần 1/3 doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô Đức đến từ Trung Quốc.
Ông William Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nêu quan điểm: “Theo tôi Trung Quốc chắc chắn sẽ trả đũa. Trước mắt có thể với một số hãng ô tô của Đức như Volkswagen hay Daimler-Benz. Như chúng ta biết, từng có một làn sóng thanh tra bất thường tấn công các nhà máy của họ ở Trung Quốc và phát hiện tới 37 vi phạm về an toàn”.
Đại diện các nhà sản xuất ô tô lớn của Đức như BMW, Mercedes đều cho rằng, quyết định áp thuế đối với xe Trung Quốc là ‘sai lầm’, đồng thời kêu gọi Ủy ban châu Âu hoãn việc thực thi để hai bên tiếp tục đàm phán.
Không chỉ gây chia rẽ trong nội bộ các nước thành viên, quyết định áp thuế còn khiến châu Âu gặp thách thức trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bởi người tiêu dùng khó tiếp cận với xe điện giá rẻ. Ông Seth Goldstein, chuyên gia tài chính từ Công ty phân tích đầu tư Morningstar chia sẻ: “Tôi không nghĩ điều này sẽ có tác động quá lớn và làm chậm tốc độ tăng trưởng của xe điện. Nhưng mức thuế nhập khẩu quá cao sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu không đưa ra các mẫu xe giá cạnh tranh, đủ rẻ hoặc nằm trong mức giá mà người tiêu dùng mong muốn”.