Lễ phục và quốc phục

Có lẽ không ở nơi đâu trên thế giới này chuyện trang phục dễ tạo ra tranh luận như ở Việt Nam. Một cô hoa hậu đi thi với bộ trang phục lạ gây tranh luận, một ông hiệu trưởng bắt chước lễ tốt nghiệp nước ngoài gây tranh luận, một vị đại sứ mặc áo dài trình quốc thư cũng gây tranh luận.

Còn tranh luận về chuyện này là bởi vì chúng ta chưa thực sự nghiêm túc nhìn vào bản chất của lễ phục và quốc phục.

Vài tuần qua, có 2 bộ trang phục được bàn tán khá nhiều, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội.

Thứ nhất là bộ trang phục của Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội trong lễ tốt nghiệp. Tất nhiên không phải chỉ một mình bộ trang phục, mà bao gồm cả quyền trượng, mũ mão và cả không gian của buổi lễ đó.

Thứ hai, đó là bộ trang phục Đại sứ Việt Nam tại Israel sử dụng trong buổi lễ trình quốc thư lên Tổng thống Israel. Đó là một bộ trang phục có thể được coi là liên quan đến Việt Nam.

Nhân chuyện này, tôi muốn được đề cập câu chuyện về quốc phục, trang phục nghi lễ.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn ra các quốc gia xung quanh để xem là trang phục nghi lễ, trang phục chính thức được sử dụng thế nào. Tại Nhật Bản, đất nước lưu giữ, bảo tồn rất nhiều giá trị của dân tộc, trang phục truyền thống của họ là Kimono, nó giống như áo dài mà phụ nữ Việt Nam sử dụng.

Thế nhưng, trang phục nghi lễ chính thức của họ, ví dụ như của Hoàng gia Nhật Bản, hay của lãnh đạo Nhật Bản sử dụng trong các nghi lễ chính thức là một bộ trang phục âu, lễ phục với áo đuôi tôm.

Hình ảnh Đại sứ Lý Đức Trung mặc trang phục dân tộc (áo Tấc) trình Quốc thư lên tổng thống Israel - Ảnh Báo Lao Động

Tôi được biết là cũng đã có những vị Đại sứ của chúng ta, khi sang Nhật và trình quốc thư họ cũng cố gắng sử dụng trang phục đuôi tôm như vậy, để có sự phù hợp.

Với Philippines, ư trang phục truyền thống của là áo trắng, được dệt từ sợi dứa, được mặc trong các dịp chính thức. Indenosia là một loại áo vải sợi lanh, phù hợp với thời tiết của đất nước họ. Hay Myanmar, trang phục chính thức của họ là dép xỏ ngón, váy áo truyền thống của người Miến Điện.

Ví dụ như khi Đại sứ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Malaysia, họ trình quốc thư cho lãnh đạo của chúng ta, họ mặc gì? Hầu hết họ đều mặc áo comple-veston, có một số ít mặc trang phục dân tộc.

Thế thì sẽ có hai câu chuyện. Thứ nhất, quốc phục không phải là một thứ mà chúng ta đi nghiên cứu, nếu có thì nó đã tồn tại và đang tồn tại. Rõ ràng là chúng ta có đặc thù về trang phục khác biệt, không chỉ là trong số 54 dân tộc anh em, mà còn là sự khác biệt của vùng ền.

Trang phục như hiện nay mà chúng ta vẫn thường dùng, chẳng hạn bộ veston-comppê có lẽ là phù hợp, bởi không phải một mình chúng ta, mà nhiều nơi trên thế giới người ta sử dụng như vậy. Và nó không mất công cho việc phải sáng tạo ra thêm một cái gì đó khác lạ.

Thứ hai, đối với các quốc gia khác, nếu như họ có một trang phục truyền thống, họ sẽ sử dụng trang phục đó. Còn nếu họ không có, thì đơn giản là họ sử dụng một thứ phổ biến hơn.

Trở lại với câu chuyện trang phục tại nghi lễ tốt nghiệp. Cho dù là có những trường đại học, cơ sở giáo dục trên thế giới người ta sử dụng những trang phục khác, nhưng chuyện đó không có nghĩa là chúng ta cũng phải làm giống họ, mà chúng ta có truyền thống của chúng ta.

Ví dụ lễ tốt nghiệp vào mùa hè, có trang phục truyền thống đơn giản, nhẹ nhàng, mát mẻ. Thực tế, việc mặc một bộ lễ phục như là chúng ta nhìn thấy trong lễ tốt nghiệp của Đại học kinh tế trong mùa hè quả thực là cũng là một vấn đề.

Nhưng điều quan trọng hơn, tôi để ý thấy trong 4 bức ảnh mà tôi có, về 4 vị Đại sứ của chúng ta trình quốc thư lên 4 quốc gia khác nhau, họ mặc 4 bộ trang phục khác nhau. Cái đó có lẽ nó phụ thuộc vào cách hiểu, cách sử dụng các trang phục dân tộc của từng người.

Liệu việc đó có cần thiết không và có nên không? Chẳng hạn hôm nay vị Đại sứ này, ở nhiệm kỳ này, sử dụng trang phục là tay áo thụng; vị đại sứ sau thì sử dụng một trang phục kiểu khác, công chúng sẽ hiểu cái đó là gì?

Tôi nghĩ, chúng ta không nên sân khấu hóa các trang phục như vậy.

Và nên tiếp cận trang phục, y phục, lễ phục một cách hài hòa, chỉn chu hơn để thật sự là chúng ta hòa nhập và không để mất quá nhiều công để tạo ra những truyền thống mà tôi nghĩ đâu đó là không cần thiết.