Lạm thu, bức xúc thường xuyên đầu năm học

Tình trạng này không phải mới, song vẫn đều đặn xuất hiện mỗi đầu năm học, gây bức xúc cho không ít người.

 

Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông bất ngờ dậy sóng bởi 1 bảng kê dự toán thu chi của 1 lớp đầu cấp tại trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM).

Dư luận không khỏi ngỡ ngàng bởi danh mục 17 khoản chi với tổng số tiền hơn 260 triệu đồng, trong đó có nhiều khoản không hề nằm trong danh mục quy định của ngành giáo dục như sửa chữa phòng học, lắp máy lạnh, mua cây xanh, lắp đặt internet, thuê dạy văn nghệ phục vụ khai giảng, sơn bàn ghế, lót gạch, mua cro, ăn uống, gấu bông, lồng đèn, nhờ người bưng bê dọn dẹp…và khoản thu lên đến 330 triệu đồng.

Bảng thu chi quỹ lớp đầu năm học 2023-2024 của Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: PHỤ HUYNH CUNG CẤP

Nhiều phụ huynh cảm thấy bức xúc khi thông tin từ Ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm khi giải thích, hướng dẫn không nh bạch, cụ thể, không nói rõ là khoản thu cho 5 năm hay chỉ là 1 năm đầu cấp.

"Rất nhiều người nghĩ số tiền đó dành cho 5 năm chứ không phải 1 năm, do đó việc chi tiêu tôi thấy không hợp lý. Việc chi tiêu cho các con hợp lý nhưng số tiền chi tiêu cần phải làm sao cho hiệu quả nhất", một phụ huynh nêu ý kiến.

Qua rà soát, Sở GDĐT TP.HCM xác định hầu hết các khoản thu/chi đầu năm của lớp ½ trường tiểu học Hồng Hà là sai quy định và Ban đại diện cha mẹ học sinh phải hoàn trả lại cho các phụ huynh.

Bà Lê Thụy Mỹ Châu – Phó giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết thêm: "Cũng xin thông tin rõ đây là việc thu sai quy định. Liên quan đến việc này, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Thạnh đã chỉ đạo chấn chỉnh nghiêm và có văn bản phê bình đối với giáo viên chủ nhiệm của lớp 1/2 về các sai phạm. Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đón nhận những thông tin phản ánh từ các cơ quan báo, đài. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất đối với các trường trong việc thu khoản thu này ngay từ đầu năm".

PV VOV Giao thông cũng đã có một cuộc khảo sát nhanh với một số phụ huynh có con đang theo học tại các trường tiểu học khu vực trung tâm thành phố Hà Nội cũng như vùng ven TP.HCM. Theo đó, anh Nguyễn Xuân Minh – phụ huynh có con gái năm nay lên lớp 3 trường tiểu học Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, tp. Hà Nội) cho hay ngoài các khoản thu theo quy định như học phí, bán trú, học 2 buổi, đồng phục, phù hiệu… thì anh và hơn 40 phụ huynh khác của lớp chỉ đóng thêm khoảng 1,3 triệu đồng dùng để mua thêm các dụng cụ bổ trợ học tập, liên hoan và một số hoạt động ngoại khóa khác.

"Trường anh thấy cũng thoải mái vì cũng không đáng kể mấy, mà cũng lạ như nhà anh ở trung tâm mà đóng không nhiều lắm, cũng bình thường, tầm đấy cũng chấp nhận đươc. Nếu tính chi tiết các khoản chi linh tinh cũng hết tầm đấy thôi. Con bé nhà anh đợt vào lớp 1 có đóng nhiều hơn lớp 3 nhưng cũng không nhiều", anh Minh cho biết.

Còn chị Huế Xuân, phụ huynh của một học sinh lớp 4 trường tiểu học Tây Bắc Lân (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết sau cuộc họp với giáo viên chủ nhiệm đầu năm, Ban đại diện cha mẹ học sinh có vận động đóng góp thêm 100.000đồng/ người để mua thêm dụng cụ học tập, liên hoan hoặc hỗ trợ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp.

"Năm nay ban cha mẹ học sinh đóng 100.000, những năm trước từ lớp 1 đến năm nay là lớp 4 dao động từ 50-100.000 thôi. Thường không có chuyện phụ huynh phản đối bởi số tiền từ 50-100.000 dành cho cả năm thì không nhiều nhưng vẫn đủ cho các khoản chi nhỏ nhỏ", chị Xuân cho biết.

Ảnh nh họa

Rõ ràng đã có sự khác biệt lớn trong công tác vận động và thu chi quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh từ các tỉnh thành, các khu vực, các trường thậm chí là các lớp trong trường. Điều này phản ánh sự bất cập trong hoạt động, sự thiếu đồng nhất trong quan điểm của các Ban đại diện cha mẹ học sinh. Không khó lý giải cho tình trạng này bởi xuất phát điểm và nhu cầu của mỗi phụ huynh dành cho con em mình là khác nhau, song sự khác biệt này ít nhiều gây ảnh hưởng đến các gia đình khác.

Anh Nguyễn Văn Khoa (ngụ quận Tân Phú) bày tỏ: "Tôi nghĩ nên bỏ vấn đề hội cha mẹ học sinh đi vì học hành của con mình đã đóng phí hàng tháng rồi, còn chuyện phí hội cha mẹ học sinh nên bỏ đi vì mỗi lần đi họp tôi ngại lắm, vì thế nào lát xong cuộc họp là phải đóng".

Ở 1 góc nhìn khác, bà Tố Quyên thành viên nhiều năm liền của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường tiểu học Lê Ngọc Hân (quận 1, TPHCM) chia sẻ cách làm nhận được sự đồng thuận của nhiều phụ huynh trong trường: "Một số phụ huynh cũng ngại trong vấn đề đi họp phải đóng quỹ trường, lớp. Đóng quỹ thì cũng tùy trường, có trường khoảng mấy trăm nghìn, một triệu hoặc ở mức nào đó thì tùy. Tôi thấy đó là điều mà rất nhiều phụ huynh ngại. Nhưng ở lớp của con tôi thì lại xử lý theo hướng là đưa ra nhưng không bắt buộc phải đóng như nhau. Những người không có điều kiện thì có thể đóng ít hơn hoặc trong lớp có "mạnh thường quân" thì có thể đóng giúp, hỗ trợ thêm".

Theo PGS TS Nguyễn Đức Lộc – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Sociallife) thì dù Ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò quan trọng trong kết nối giữa nhà trường với gia đình, song việc giám sát đánh giá hoạt động của đối tượng này là chưa sát sao dẫn đến các bất cập trong thời gian qua.

"Dù có các văn bản quy định về quy chế hội phụ huynh học sinh nhưng khi đi vào thực tế thì chẳng ai kiểm tra cả, dẫn đến việc làm quyền, lạm thu và không nh bạch trong thu chi và tạo ra các bức xúc. Nhiều phụ huynh bị áp lực do con em mình đang học, nếu phản ứng thì bị phân biệt đối xử, nhiều người có tâm lý ngại, chính vì ngại đã dẫn đến tình trạng vừa rồi", PGS TS Nguyễn Đức Lộc nêu ý kiến.

Qua các vụ việc gây bức xúc dư luận về tình trạng lạm thu đầu năm, ngành giáo dục TPHCM cũng đã có những giải pháp chấn chỉnh về việc vận động tài trợ thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường, bà Lê Thụy Mỹ Châu – Phó giám đốc Sở GDĐT TP.HCM nêu quan điểm: "Chúng ta phải bám theo tinh thần thông tư 16 của Bộ Giáo dục cũng như việc vận động tài trợ phải đảm bảo đúng quy định. Sở chúng tôi không đồng ý việc huy động nguồn tiền của phụ huynh cho việc này, đây là khoản phải có sự giám sát của cả xã hội".

Nhiều phòng học ở các trường chỉ có thiết bị cơ bản, phụ huynh buộc phải lắp điều hòa, máy chiếu. Ảnh: Tiền Phong

Lạm thu đầu năm học, sao nói hoài vẫn còn mãi

Việc vận động các nguồn lực cùng tham gia với Nhà nước để nâng cao chất lượng giáo dục (xã hội hóa giáo dục) trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn là chủ trương phù hợp và trên thực tế đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, qua hơn 30 năm triển khai, chủ trương này đã bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó tình trạng lạm thu là một trong những biến thể đáng được nhìn nhận đầy đủ hơn.

Dù ít hay nhiều thì các khoản đóng góp thông qua Ban Đại diện cha mẹ học sinh (trước đây gọi là Hội Phụ huynh học sinh) đã trở thành quy luật bất thành văn tồn tại ở hầu khắp các trường học trên cả nước.

Ở góc độ tích cực thì các khoản đóng góp này đã và đang giúp hoạt động giáo dục trở nên thuận lợi hơn, các học sinh có nhiều điều kiện để học tập tốt hơn. Song với những gì diễn ra nhiều năm qua thì tình trạng thu không theo quy định, thu vượt quá khả năng đóng góp của phụ huynh vào đầu mỗi năm học không khác gì một “vấn nạn”.

Bằng những lý do tưởng chừng như “chính đáng” như làm cho lớp học sáng hơn, mát hơn, có thêm phương tiện hiện đại hơn, đường truyền internet nhanh hơn, làm sao để các con được phục vụ tốt hơn … không ít Ban đại diện cha mẹ học sinh đã thu và chi những khoản tiền rất lớn mà không cần biết các phụ huynh còn lại phản ứng thế nào hoặc có phù hợp với pháp luật hay không.

Trách nhiệm đầu tiên dĩ nhiên thuộc về các Ban Đại diện Cha mẹ học sinh, tuy nhiên không thể phủ nhận trách nhiệm của các Giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu các trường cũng như không thể không nhắc đến vai trò của cơ quan chủ quản ngành giáo dục các địa phương khi để xảy ra tình trạng lạm thu kéo dài nhiều năm qua. Tuy nhiên cũng cần phải xem lại các quy định về công tác vận động đóng góp, các hướng dẫn về thu chi và hơn hết là nhiệm vụ giám sát của các bên liên quan trong vấn đề này.

Nói một cách công bằng thì hiệu quả sau 10 năm đầu tiên triển khai quá trình đổi mới ngành giáo dục và đào tạo vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Và nếu không giải quyết triệt để được tình trạng “lạm thu đầu năm” thì sẽ còn rất lâu nữa ngành giáo dục mới có thể đạt đến ngưỡng căn bản, toàn diện như định hướng của Đảng và Nhà nước ta.

Thay vì khẩn trương kỷ luật một giáo viên chủ nhiệm hay cảnh cáo một hiệu trưởng khi dư luận ồn ào về lạm thu thì đã đến lúc cần tính toán đến các giải pháp mang tính căn cơ hơn như thiết lập đầy đủ các quy định, hướng dẫn và thực thi công tác giám sát triệt để việc thu chi các nguồn quỹ từ trường học để đảm bảo tính công khai, nh bạch, khoa học. Bởi nếu cứ tiếp tục xử lý theo kiểu “hớt ngọn” như hiện nay thì lạm thu đầu năm sẽ vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.