"Làm mát" những cái đầu "nóng" trên đường

Thời gian qua tại TP.HCM và một số địa phương phía Nam đã liên tiếp xảy ra nhiều liên quan đến hành vi xô xát, người tham gia giao thông “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhau sau va quẹt, mâu thuẫn nhỏ khi đi đường.

Dù thông tin về những vụ án hình sự liên tục xuất hiện nhưng dường như vẫn chưa đủ "làm mát những cái đầu nóng". Các vụ đánh nhau trên đường vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đêm giao thừa ngày cuối cùng của năm 2024 vừa qua, chắc nhiều người vẫn chưa hết bức xúc khi xem clip 2 vợ chồng đánh anh tài xế xe công nghệ ở đường Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM). Chỉ vì 1 mẫu thuẫn rất nhỏ mà Nguyễn Văn Dũng và Bùi Thị Ngọc Anh đã liên tục đánh, đạp lên đầu của nam tài xế xe công nghệ khi anh này vào căn ngăn.

Ngay sau đó, đôi nam nữ này đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 1 ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ để điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng”.

Cũng trong tháng 12/2024, Nguyễn Thùy Trang (SN 1988, ngụ phường Hiệp Bình Chánh) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thủ Đức ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Trang là người đã đánh nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ chắn barie tàu hỏa trên đường Kha Vạn Cân sau khi 2 bên có lời qua tiếng lại.

Hình ảnh đôi nam nữ hung hãn tấn công tài xế xe ôm công nghệ tại TP.HCM

Đầu tháng 12/2024, Bùi Thanh Khoa (SN 1984, ngụ huyện Nhà Bè) đã có hành vi dùng hai tay đánh liên tiếp vào mặt người phụ nữ trên đường Khánh Hội (quận 4) sau va quẹt giao thông gây phẫn nộ trong dư luận. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4 đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Khoa về hành vi cố ý gây thương tích.

Tại Bình Dương, ngày 2/1, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt khẩn cấp Lê Văn Hiền (36 tuổi, quê An Giang) về hành vi hành hung anh N.T.B (38 tuổi) ngay tại giao lộ Mỹ Phước - Tân Vạn với đường NE8 (phường Thới Hòa, Tp. Bến Cát). Chỉ vì va chạm khi tham gia giao thông, đối tượng nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của nạn nhân khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

"Hành vi đó là rất nguy hại cho xã hội nên công an là cứ trừng trị theo pháp luật".

"Thực trạng này rất đáng báo động, cái hành vi này không những xem thường pháp luật, gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà còn gây mất an toàn giao thông và gây bức xúc. Và theo tôi nghĩ thì cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay, nghiêm trị những hành vi xem thường pháp luật như thế này".

Đây chỉ là số ít trong nhiều vụ liên quan hành vi thiếu văn hóa, hoặc sử dụng bạo lực trên đường phố do va chạm giao thông trong thời gian vừa qua. Theo GS. TS Vũ Gia Hiền (chuyên gia tâm lý) nguyên nhân dẫn đến những trường hợp va chạm chỉ là do vô ý và hậu quả để lại là không đáng kể nhưng hệ lụy do chính cách ứng xử của những người liên quan lại rất nghiêm trọng bởi gây ra thương tích, thậm chí xảy ra án mạng.

Điều này cho thấy một bộ phận người tham gia giao thông ngày càng thể hiện sự côn đồ, hung hăng, coi thường pháp luật, thiếu kiềm chế và không chuẩn mực khi tham gia giao thông. Ngoài ra, do thiếu kiểm soát cảm xúc, những cá nhân có khả năng kiểm soát cảm xúc kém dễ có xu hướng hành xử bạo lực hơn trong những tình huống xung đột giao thông.

“Trong thời gian qua, quá trình giáo dục ở nước ta, rồi đào tạo thì không có chú ý đến giáo dục tâm lý, hướng dẫn những phương pháp kiểm soát cảm xúc, kiểm soát tâm lý. Cái thứ 2, khi không kiểm soát tâm lý tốt thì trong cuộc sống của chúng ta lại có quá nhiều cái áp lực, nhất là thời gian qua kinh tế khó khăn, rồi nhiều thức. Và ý kinh tế khó khăn và nhiều thứ áp lực như vậy thì tức bực nó mất kiểm soát nó bộc lộ”, GS. TS Vũ Gia Hiền cho biết.

Hình ảnh người phụ nữ đánh nhân viên đang thực hiện nhiệm vụ chắn barie tàu hỏa trên đường Kha Vạn Cân

Ở góc độ pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng theo quy định pháp luật hiện nay, hành vi côn đồ, đánh nhau liên quan đến va chạm giao thông hoặc mâu thuẫn nhỏ hoàn toàn có thể bị xử lý hành chính hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội như “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Tội gây rối trật tự công cộng”. Các tội phạm trên đều có chế tài xử lý rất nghiêm khắc, mang tính răn đe cao.

“Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những hành vi này. Cần có những biện pháp tuyên truyền, phổ biến tới người dân về ý thức chấp hành pháp luật trong cuộc sống. Đồng thời tăng cường sự hiện diện ngay lập tức khi va chạm, mâu thuẫn”,  Luật sư Diệp Năng Bình nói.

Theo công an TP.HCM, tất cả các vụ việc được báo chí, mạng xã hội phản ánh đều sẽ được công an các cấp xử lý kịp thời. Và tùy theo tính chất, mức độ có thể áp dụng xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có gây thương tích, hủy hoại tài sản. Công an TP. HCM khẳng định bất kể người nào có hành vi côn đồ đều bị xử lý nghiêm.

Thượng tá Lê Văn Hải (Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM) cho biết, thời gian tới, công an TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nhiều hình thức tuyên truyền cho người dân về thượng tôn pháp luật trong mọi tình huống. Đặc biệt, khi xảy ra va chạm giao thông, người dân cần bình tĩnh xử lý và giải quyết trong ôn hòa.

“Trong trường hợp xảy ra mâu thuẫn trên đường, 1 trong 2 bên có sử dụng vũ lực khi tấn công thì người dân cần giữ khoảng cách, nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của bản thân. Đồng thời nhanh chóng liên hệ cơ quan chức năng ở trên địa bàn”. 

Có thể thấy mâu thuẫn từ những vụ va chạm giao thông đều có thể được xử lý ổn thoả nếu các bên giữ được bình tĩnh, ứng xử văn hoá. Tuy nhiên, với những hành vi côn đồ, hung hãn, bạo lực, cần phải xử lý nghiêm nh để chúng ta có một môi trường giao thông lành mạnh và ngăn chặn những hành vi tương tự xảy ra.