Lái xe chỉ được lái 48 tiếng/tuần, doanh nghiệp sẵn sàng đến đâu?

Từ ngày 1/1/2025, theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông, lái xe chỉ được phép làm việc không quá 10 tiếng/ngày và tổng thời gian làm việc không quá 48 tiếng/tuần. Nếu không tuân thủ, cả lái xe và doanh nghiệp vận tải sẽ bị xử lý vi phạm theo Nghị định 168.

Hiện nay, các doanh nghiệp, lái xe đã chuẩn bị như thế nào để đáp ứng quy định mới? Biện pháp nào để triển khai quy định này hiệu quả? 

Sau gần 10 ngày quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách không quá 10 giờ một ngày và không quá 48 tiếng / tuần chính thức có hiệu lực, công việc của lái xe Nguyễn Văn Trung, ở Khánh Hòa không mấy bị ảnh hưởng:

"Mình đi đúng theo luật, quy định của nhà nước đưa ra. Xe của mình n dưới 16 chỗ chạy du lịch không giống như xe khách. Xe khách chạy đường dài phải tuân thủ. Mình làm bên du lịch, khách đi đến đâu, khách nghỉ mình cũng nghỉ theo nên không quan ngại".

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe container khá lo ngại về quy định mới này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp:

"Mức trung bình 10 tiếng/ngày và 60 tiếng/ tuần là hợp lý, chứ không giới hạn 48 tiếng/ tuần. Thứ nhất gây trễ tiến độ, vì bên khách hàng cần hàng hóa cho hoạt động sản xuất. Thứ hai, nếu chỉ chạy ở khu vực ền Nam mà thuê 2 tài xế, doanh nghiệp vận tải sẽ không có lợi nhuận, chi phí phát sinh quá cao".

Quy định không lái xe 48 tiếng/tuần rất bất cập, khiến nhiều doanh nghiệp đang phải cân nhắc các phương án (Ảnh nh họa: ChatGPT)

Còn tại tỉnh Điện Biên, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng. Bởi lẽ, cự ly của tất cả các tuyến vận tải khách liên tỉnh, từ các Bến xe khách trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến hầu hết các tỉnh thành phố trong cả nước, như: Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh…, đều có cự ly trên 300 km, với tổng thời gian hành trình 01 lượt xe từ 8-10 tiếng.

Mỗi nốt liên tỉnh hiện đang cơ cấu, bố trì từ 02-03 đầu xe và mỗi đầu xe đều bố trí 2 lái xe và 1,2 nhân viên phục vụ tham gia. Thời gian làm việc của mỗi lái xe giao động từ 7-10 giờ/ngày, trung bình mỗi người lái xe làm việc từ 49-70 giờ/ tuần.

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Điện Biên, quy định không lái xe 48 tiếng/ tuần rất bất cập, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang phải cân nhắc giữa 2 phương án, nếu tiếp tục vận hành theo đúng phương án kinh doanh hiện nay thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ vi phạm, nếu không doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động:

"Nếu thực hiện đúng quy định như thế, các phương tiện vi phạm 100% vì tuyến đường đó cố định rồi và tốc độ xe giới hạn rồi, không thể tăng tốc độ để giảm thời gian làm việc xuống. Cự li quãng đường của tuyến đó đã mặc định sẵn rồi,về điều kiện kỹ thuật, năng lực của phương tiện đã có sẵn nên không thể dùng ý chí chủ quan để điều chỉnh việc đó rồi.

Phương án thứ 2  doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động. Nếu mà chạy lái xe sẽ phản ứng bởi nếu tôi chạy lái xe cũng bị xử phạt và công ty cũng bị xử phạt, nghề cũng mất, giấy phép lái xe không được lưu hành nữa".

Kinh doanh vận tải là hoạt động kinh doanh có điều kiện, trong đó yếu tố đảm bảo an toàn cho hành khách, người tham gia giao thông và lái xe cần đặt lên hàng đầu (Ảnh nh họa: ChatGPT)

Thời gian qua, không ít các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội chưa đồng thuận với quy định mới này bởi sự tác động của nó tới lái xe và doanh nghiệp là rất lớn. Tết là thời gian cao điểm, bận rộn nhất trong năm, nếu thực hiện theo quy định mới, doanh nghiệp rất khó để thuê lái xe thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, nguồn cung lái xe đang thiếu, lái xe không đủ thời gian để vận hành sẽ gây ra gián đoạn về hàng logistic, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến dài và các doanh nghiệp taxi.

Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội đề xuất: "Quan điểm của Hiệp hội là cái gì thuộc vào Nghị định, quy định của Chính phủ về pháp luật vận tải, đơn vị tham gia vận tải phải thực hiện nghiêm. Trong quá trình thực hiện, chúng ta có văn bản kiến nghị và có ý kiến xem xét, thay đổi cơ chế chính sách cho phù hợp. Hiệp hội có văn bản kiến nghị đưa ra quy định, đối với quy định thời gian lái xe 48 h/tuần chúng ta có những cơ chế, chính sách đối với lái xe chuyên nghiệp, lái xe đặc thù. Có thể vẫn làm 48 giờ/ tuần và tăng thời gian làm việc thêm khoảng 30% so với quy định, đối với lái xe đủ năng lực và đủ sức khỏe, lái xe tự nguyện, doanh nghiệp không thể ép buộc được".

Kinh doanh vận tải là hoạt động kinh doanh có điều kiện, trong đó yếu tố đảm bảo an toàn cho hành khách, người tham gia giao thông và lái xe cần đặt lên hàng đầu. Ông Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông cho rằng quy định này sẽ giúp nâng cao an toàn cho quá trình tham gia giao thông:

"Các doanh nghiệp vận tải hoạt động mang tính chất kinh doanh thu lợi. Các hoạt động kinh doanh phải đảm bảo an toàn cho hành khách, những yếu tố liên quan đến sức khỏe lái xe rất quan trọng. Một lái xe làm việc theo Luật lao động 1 ngày 8 tiếng và 48 tiếng trong 6 ngày làm việc. Một người lái xe hoạt động căng thẳng hơn, hoạt động cả trí lực, thần kinh, cơ bắp nên đòi hỏi phải giám sát để đảm bảo an toàn". 

Một trong các nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn, thì nguyên nhân sức khỏe lái xe không đảm bảo, làm việc quá giờ cũng chiếm tỷ lệ nhất định (Ảnh nh họa: ChatGPT)

Bất kì quy định mới nào khi đưa vào áp dụng trong thực tế sẽ có thể ảnh hưởng, tác động đến một bộ phận người dân, doanh nghiệp. Quy định về tổng thời gian làm việc của lái xe không quá 48 giờ/ tuần cũng như vậy.

Tuy nhiên, trong bối cảnh, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu giảm số người tử vong và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, thì mọi hoạt động giao thông cần lấy con người làm trung tâm triển khai các hoạt động thay đổi hành vi tham gia giao thông.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: Nhất quán một mục tiêu

Năm 2024 toàn quốc xảy ra hơn 21.500 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết gần 10 nghìn người và làm bị thương trên 16 nghìn người. Một trong các nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn, thì nguyên nhân sức khỏe lái xe không đảm bảo, làm việc quá giờ cũng chiếm tỷ lệ nhất định.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc lái xe liên tục quá 4 tiếng hoặc làm việc hơn 10 tiếng/ ngày có thể khiến các lái xe mệt mỏi, căng thẳng, buồn ngủ, không tỉnh táo… tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Nghị định 10/2020 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định tài xế không được lái xe quá 10 giờ/ngày và liên tục quá 4 giờ mà không nghỉ ít nhất 30 phút. Tuy nhiên, quy định này chưa đề cập tổng số giờ làm việc trong một tuần của tài xế.

Với quy định lái xe không được phép lái xe quá 48 giờ/ tuần trong Luật TTAGT năm 2024 có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2025, nếu vi phạm, lái xe, doanh nghiệp vận tải sẽ bị xử phạt theo Nghị định 168 chắc chắn đã gây ra nhiều xáo trộn cho các doanh nghiệp, lái xe, khi thời điểm Tết Nguyên Đán đang cận kề, nhu cầu vận tải gia tăng.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế, thời gian qua, có nhiều lái xe do nhu cầu muốn kiếm thêm thu nhập, doanh nghiệp vì muốn tăng lợi nhuận nên lái xe làm việc quá giờ, gây ra sự mệt mỏi, thiếu tỉnh táo khi lái xe và gây ra không ít vụ tai nạn, ảnh hưởng đến sự an toàn bản thân lái xe, hành khách, người tham gia giao thông và làm gia tăng chi phí của các doanh nghiệp. Mặt khác, từ thời điểm xây dựng dự thảo Luật, đến khi Luật được ban hành vào tháng 6/2024, các doanh nghiệp vận tải đã có thời gian để chuẩn bị.

Với những quy định hiện hành về số giờ làm việc của lái xe có thể giúp các lái xe đảm bảo thu nhập, doanh nghiệp có thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn giao thông gây ra gánh nặng thiệt hại cho Việt Nam khoảng 2,9%GDP, tương đương mỗi ngày mất khoảng 400 tỷ đồng. Ngoài ra, tai nạn giao thông làm gia tăng gánh nặng cho ngành y tế, trong khi  những tổn thất lớn về tính mạng, mất mát cho các gia đình rất khó để đong đếm được.

Dù có sự điều chỉnh như thế nào, yếu tố sức khỏe của lái xe và vấn để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông vẫn cần được ưu tiên hàng đầu (Ảnh nh họa: ChatGPT)

Quy định mới giờ làm của lái xe sẽ giúp các lái xe có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, tránh tình trạng phải làm việc liên tục, bị “vắt kiệt sức” trong những mùa cao điểm, qua đó nâng cao yếu tố an toàn cho các chuyến đi. Nhờ đó, các doanh nghiệp vận tải cũng cần cân đối, phân bổ thời gian làm việc cho các lái xe hợp lý, ổn định, đảm bảo thu nhập cho họ.

Ngoài yếu tố lợi nhuận, nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước, các doanh nghiệp vận tải, lái xe cũng cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình cao hơn nữa, các lái xe nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để cùng chung tay với các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông. Việc thực hiện quy định

Ngoài ra, để quy định này triển khai và phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn, ngành giao thông cần chủ động xây dựng kế đào tạo, chuẩn bị nguồn cung lái xe cho các doanh nghiệp, nắm bắt các nhu cầu, vướng mắc của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho tài xế, chủ phương tiện về ý thức chấp hành pháp luật và ứng dụng công nghệ trong giám sát thời gian làm việc; xây dựng hệ thống quản lý nội bộ nghiêm ngặt để bảo đảm tài xế không bị ép buộc làm việc quá thời gian cho phép và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm.

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, Nghị định 168  đã chính thức có hiệu lực. Điều này bắt buộc các lái xe, các doanh nghiệp cần phải nghiêm túc thực hiện. Những hành vi vi phạm, không tuân thủ sẽ bị xử lý để đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật.

Sau một thời gian áp dụng trong thực tiễn, nếu bộc lộ những vướng mắc, phát sinh, các doanh nghiệp vận tải, các Hiệp hội vận tải các địa phương có những văn bản kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, dù có sự điều chỉnh như thế nào, yếu tố sức khỏe của lái xe và vấn để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Có như vậy, Việt Nam mới có thể từng bước hạn chế các vụ tai nạn giao thông và thực hiện những mục tiêu như đã cam kết trong Thập kỷ an toàn giao thông lần thứ 2.