Lãi suất tăng, cơ hội có nhà lại càng xa

Nghị định số 100 của chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở từ mức 4,8%/năm lên 6,6%/năm, tương đương với lãi suất cho vay hộ nghèo hiện tại.

Điều này đã gây áp lực lớn cho người mua nhà ở xã hội, còn đối với người đang có dự định mua thì nó vô hình tạo thành rào cản. Ngoài ra việc áp dụng lãi suất trung và dài hạn tương tự như lãi suất cho hộ nghèo có thể gây bất an cho người vay vì lãi suất có khả năng thay đổi thường xuyên.

Vậy liệu rằng chính sách này có thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sở hữu được nhà ở xã hội hiện nay?

Theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, bắt đầu từ ngày 1/8/2024, lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở tăng từ 4,8%/năm lên 6,6%/năm. Mức vay này tương đương lãi suất cho vay hộ nghèo hiện tại. Điều này đã gây ra sự lo lắng không hề nhỏ đối với người lao động, những người đang vay vốn để sở hữu một mái ấm cho gia đình mình.

Với thu nhập từ lương giáo viên của 2 vợ chồng anh Lê Hoàng Minh vào khoảng 15 triệu/tháng. Để có tiền mua nhà ở xã hội anh, đã vay số tiền khoảng 600 triệu từ ngân hàng chính sách. Niềm vui có nhà chưa kéo dài bao lâu thì giờ đây, gia đình anh chị phải thắc chặt chi tiêu khi lãi suất đã tăng từ 4,8 lên 6,6%/năm. Việc tăng lãi suất là điều mà anh Minh chưa nghĩ đến.

"Tăng từ 4,8 lên 6.6%/năm là tương đối nhiều và đột ngột, với kinh tế hiện tại của gia đình thì cũng phải chắt chiu lại, lúc đầu mua 4.8% tưởng là 25 năm theo ký kết hợp động và quy định chính phủ nên mình thấy cũng hơi bất ngờ", anh Minh nói.

Không chỉ anh Minh mà nhiều hộ dân khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Anh Nguyễn Hoàng An đã vay 1 tỷ đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để mua nhà, mỗi tháng anh phải căng mình để cân đối giữa thu nhập và chi phí sống. Với việc lãi suất tăng, gánh nặng tài chính càng trở nên nặng nề hơn đối với anh, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế với nhiều biến động hiện nay:

"Cuộc sống mình có nhiều chi phí xung quanh nên có lúc mình thấy tạm ổn nhưng có lúc mình thấy bị động tính theo tỉ lệ % thì hơi sốc vì sẽ tăng lên 37% nếu so sánh với bên ngoài, gần tiệm cận với lãi suất thương mại rồi".

Để có được nhà ở xã hội, người lao động có thể vay ở mức tối đa là 620 triệu đồng với lãi suất 4,8%/năm thì mỗi tháng sẽ phải trả gần 2,1 triệu đồng tiền gốc và 2,5 triệu đồng tiền lãi. Thế nhưng khi nâng lãi suất lên 6,6%/năm thì số tiền lãi sẽ tăng khoảng 900 nghìn mỗi tháng. Như vậy sau thời gian vay tối đa 25 năm thì số tiền chênh lệch lãi suất sẽ là 270 triệu đồng. Đây là một con số không hề nhỏ đối với người lao động hiện nay.

Việc ưu đãi các chính sách, hạ lãi suất cho vay hoặc giữ nguyên lãi suất ban đầu 4,8%/năm là điều mà nhiều người lao động đang mong mỏi lúc này.

"Em rất mong địa phương và chính phủ hỗ trợ cho người thu nhập thấp được tiếp cận gần hơn với chính sách của nhà nước. Ưu đãi lãi suất càng thấp hơn nữa".

"Đơn giản bớt hơn nữa về thủ tục ngân hàng và lãi suất cũng phải phù hợp với thu nhập của cán bộ công nhân viên và công nhân, như vậy thì mới bớt được gánh nặng".

Không chỉ những người có ý định vay mua, thuê mua nhà ở xã hội cảm thấy lo lắng mà cả những nhà đầu tư và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của quyết định này.

Là một trong những nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM trong nhiều năm qua, ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc công ty Lê Thành cho rằng, nên có sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ đối với những người mua nhà ở xã hội. Việc tăng lãi suất đối với những người đã vay vốn trước đây là một điều bất hợp lý:

“Tôi cho rằng sự hỗ trợ của nhà nước hay chính sách tái cấp bù đối với đối với đối tượng mua nhà ở xã hội nên được hỗ trợ nhiều hơn. Đừng để đã mua rồi mà một ngày nào đó chúng ta thực hiện tăng phí thì dẫn đến khó khăn cho người ta”.

Lãi suất ngân hàng tăng cao khiến nhiều gia đình trẻ áp lực. Ảnh: PV.

Dưới góc nhìn của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM thì mức lãi suất cho vay 6,6%/năm này đang cao hơn 1,8% và tăng 1,37 lần so với mức lãi suất 4,8%/năm mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội từ ngày 31/7/2024 trở về trước.

Việc áp dụng mức lãi suất vay 6,6%/năm từ ngày 1/8 là chưa phù hợp với bản chất khoản vay nhà ở xã hội. Thậm chí cao hơn cả mức lãi suất 5% cho vay của gói 30.000 tỷ đồng đã áp dụng trước đây. Với quy định mới, thì đây là một gánh nặng đối với người lao động có thu nhập thấp, ước mơ có được nhà ở xã hội với họ sẽ ngày càng xa vời hơn.

“Quy định của Nghị định 100/2024 áp dụng lãi suất vay đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội bằng với lãi suất vay áp dụng cho hộ nghèo vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội. Bất cập ở chỗ là ngân hàng chính sách xã hội vừa có văn bản công bố ngày 1/8/2024 trong đó có xác định áp dụng lãi suất cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội tương đương với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo đang cho vay tại ngân hàng chính sách xã hội là 6,6%/năm. Mức này tăng 1,8%/năm so với 4,8%/năm và quá cao so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay tại các ngân hàng thương mại”.

Lý giải về việc tăng lãi suất vay mua nhà ở xã hội, theo Ngân hàng Chính sách xã hội, cho rằng đơn vị phải đi huy động vốn trên thị trường rồi cho vay ra. Nếu lãi suất cho vay quá thấp thì ngân sách sẽ phải cấp bù một phần chênh lệch, trong khi nguồn lực ngân sách thì có hạn.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế cho rằng việc nâng lãi suất chỉ nên áp dụng đối với những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội sau ngày 1/8, riêng đối với những người đã vay mua nhà trước đó thì vẫn nên giữ ở mức lãi suất ban đầu: “Nếu vì cân đối nguồn nhà và lãi suất thì chúng ta chỉ nên áp dụng đối với những người mua nhà ở xã hội mới, để họ cân đối xem có quyết định mua hay không. Còn đối với những người đã mua nhà ở xã hội rồi thì nên giữ mức 4,8%/năm, đây cũng không phải là lãi suất quá thấp”.

Với mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 trên phạm vi cả nước có đạt được hay không phụ thuộc vào nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, trong đó chính sách tín dụng đóng vai trò quan trọng. Vì vậy việc tăng mức tăng lãi suất cần có lộ trình và phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay. Một khi lãi suất nâng lên 1,8% so với trước đây thì ước mơ ‘an cư lạc nghiệp’ vẫn còn xa vời đối với người lao động.

Việc ưu đãi các chính sách, hạ lãi suất cho vay hoặc giữ nguyên lãi suất ban đầu 4,8%/năm là điều mà nhiều người lao động đang mong mỏi lúc này. Ảnh: Tuổi trẻ

Có thể thấy việc tăng lãi suất đã phần nào tác động đến việc sở hữu nhà ở xã hội đối với người lao động hiện nay. Vậy nên chăng việc tăng lãi suất cần được thực hiện theo lộ trình để tránh gây sốc cho người vay. Ngoài ra cần có thêm các biện pháp hỗ trợ từ phía chính phủ để giảm bớt gánh nặng cho người lao động.  

Liên quan đến chủ đề này, góc nhìn của VOV Giao thông: “Nhà ở xã hội, đừng để ‘cú hít’ trở thành ‘cú sốc’ đối với người lao động”.

Với mục tiêu tạo điều kiện cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và cận nghèo được cơ hội sở hữu một mái ấm, thời gian qua chính phủ đã triển khai nhiều chương trình và chính sách hỗ trợ đáng kể. Trong đó Nghị định số 100/2024/NĐ-CP được xem như cứu cánh cho người lao động hiện nay khi đã nới lỏng các điều kiện mua nhà ở xã hội như quy định lại về thu nhập, diện tích căn hộ.

Nếu việc nới lỏng các quy định được xem như mở rộng cánh cửa cho những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì việc tăng lãi suất như đang dần khép cánh cửa này lại. Sự tăng lãi suất từ 4,8% lên 6,6% đã gây ra nhiều lo lắng cho người lao động, đặc biệt là những người đã và đang có nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội, thậm chí phải từ bỏ giấc mơ sở hữu căn nhà do chi phí tăng cao.

Việc tăng thêm 1,8% lãi suất là một con số không hề nhỏ đối với người dân. Vì khi tăng lãi suất so với mức cũ, trong khoảng thời gian vay từ 15 - 25 năm, chi phí căn nhà sẽ bị đội lên hàng trăm triệu đồng. Lúc này đây với những người đã vay vốn sẽ phải đối mặt với thực tế rằng “lãi suất cao hơn, niềm vui ít đi”.

Có thể thấy việc tăng lãi suất góp phần đáng kể vào việc ổn định thị trường bất động sản cũng như ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Đồng thời, nó cũng có thể khuyến khích người vay sử dụng vốn một cách cẩn trọng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện nay khi mà thu nhập và việc làm vẫn còn nhiều bất ổn, thì liệu việc tăng lãi suất thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu của người dân hay không, có giúp người dân dễ dàng hơn trong việc sở hữu một căn nhà hay lại là gánh nặng về chi phí?

Để chính sách thực sự nhân văn, giúp những người khó khăn có được chỗ ở. Bên cạnh việc mở rộng quy mô gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội thì Chính phủ và các ngân hàng liên quan cần xem xét lại các chính sách hỗ trợ, cũng như cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt hơn.

Điều này không chỉ giúp người lao động có thể tiếp tục mua nhà mà còn góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát triển của thị trường nhà ở xã hội. Đừng để những chính sách được xem là ‘cú hít’ bỗng hóa thành ‘cú sốc’ cho những giấc mơ an cư của người lao động hiện nay.