Các chuyên gia lo ngại tình trạng sốt đất tràn lan như hiện nay nếu không sớm được ngăn chặn sẽ gây nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất lên quá cao so với giá trị thực, cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư của các địa phương.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Là một xã thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, thế nhưng gần đây người dân xã Xuân Hưng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa lại đứng ngồi không yên, thậm chí bỏ cả việc đồng áng bởi cơn sốt đất ập tới. Đặc biệt, từ khi thông tin về quy hoạch thời kỳ 2021-2030 công bố Cảng hàng không Thọ Xuân sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế, huyện được quy hoạch lên thị xã; với các dự án khu công nghệ cao, đô thị và du lịch cùng nhiều tuyến giao thông huyết mạch được đầu tư, kết nối. Vì thế, giá đất tại vùng ven sân bay đã tăng khá mạnh, đi tới đâu cũng nghe thấy người dân bàn chuyện giá đất.
Trong vai một nhà đầu tư F0, phóng viên VOV Giao thông có được cuộc hẹn chóng vánh với một môi giới bất động sản địa phương, anh Nguyễn Tiến Thành cho biết:
"Không có 1,1 tỉ/sào thì đừng nói chuyện với người ta, đường đẹp hơn thì 1,3-1,5 tỉ/sào; những view sân bóng đá phải 1,5 tỉ/sào họ mới bán. Đất sốt nhưng so với một số vùng khác vẫn rẻ hơn.
Ví dụ, so với sân bay Hớn Quản, Bình Phước giá ở đây chỉ bằng 1/3 thôi. Ở đây có Quốc lộ 45, 47 và đang làm Quốc lộ 47C và có đường vành đai sân bay xuyên qua đây, mọi người đón đầu việc đấy".
Theo quan sát của phóng viên chỉ trong một thời gian ngắn vùng quê nghèo ngày nào trở nên nhộn nhịp, với nhiều xe hơi từ các tỉnh thành đổ về đầu tư. Anh Nguyễn Văn Dũng, một nhà đầu tư đến từ TP. HCM bật mí, tranh thủ dịp nghỉ lễ anh bay ra Thọ Xuân để chốt vài mảnh đất, trước đó vì không ra kịp nên giờ đây anh phải trả thêm từ một đến vài trăm triệu/sào.
"Ở Thanh Hóa sân bay đang chuẩn bị mở rộng phát triển, ở đây phát triển rất nhanh, các trục đường giao thông, các tuyến dường cao tốc về Thanh hóa cũng rất thuận lợi. Ở đây rất tiềm năng, tương lai sẽ phát triển rất mạnh cho nên tôi chắc chắn sẽ đầu tư ở đây".
Cũng trong vai một nhà đầu tư đi tìm đất vùng giáp danh Hà Nội, ngay lập tức phóng viên đã được một môi giới chào mời “chốt” nhanh kẻo giá đất tăng, kèm với lưu ý rất “thời sự” đó là sẽ giúp làm thủ tục phân lô, tách thửa.
Theo môi giới này, chỉ sau 1 tháng giá đất vườn tại khu vực xã Hòa Sơn (Lương Sơn. Hòa Bình) đã tăng gần gấp rưỡi, hiện giá dao động từ 2,8-5 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
"Hà Nội bây giờ khép rồi, siết rồi giờ phải lên đằng này, làm sổ sách thủ tục dễ hơn ngoài Hà Nội.
Mà ở đây lại gần Hà Nội, trên này vẫn tách được, về thủ tục pháp lý tách thửa trên này bọn em làm cho, không lo đâu".
Sốt đất không chỉ diễn ra ở các địa phương lân cận Hà Nội, TP.HCM hay ở các vùng biển mà còn lan ra nhiều vùng ở khu vực Tây Nguyên. Một môi giới khu vực huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết, hiện giá đất rẫy đã tăng gần gấp đôi, còn đất nền, đất trồng cây lâu năm tăng tới 2-3 lần so với hồi trước tết.
"Bây giờ ở trong thị trấn Đắc Đoa giá cả lên ầm ầm. Ở các khu vực xa trung tâm 3-4km giá đất cũng đã lên cao lắm, có chỗ 8 sào trả 5 tỷ đồng mà chưa bán".
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, phó Chủ tịch thường trực Hội Môi bất động sản VN tình trạng sốt đất nền diễn ra tràn lan tại nhiều địa phương thời gian đây là bởi hàng loạt thông tin về quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng giao thông được phê duyệt và công bố, nhiều dự án đang trong giai đoạn triển khai.
Bên cạnh đó, nhu cầu về nhà ở của người dân bản địa một số vùng có tăng, nhưng điều kiện phê duyệt các dự án về nhà ở hiện đang vướng luật, khiến cho nguồn cung khan hiếm. Có “cầu” ắt có “cung”, ngay lập tức nhiều “cò” đất lợi dụng để tung tin, tạo sóng và đẩy giá đất lên cao.
Tuy nhiên cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro, ông Thanh cảnh báo:
"Việc tăng trưởng nóng và giá đang cao một cách bất thường, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thanh tra, kiểm tra và làm rõ giá như vậy có phù hợp với điều kiện kinh tế, điều kiện của người dân Việt Nam hay không?
Chính sách vĩ mô không thể để người bán muốn bán bao nhiêu thì bán, như thế khả năng chi trả của người dân để tiếp cận được nhà ở khoảng cách ngày càng tăng xa".
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thị trường bất động sản VN đang rơi vào cơn sốt giá lần thứ 4, giá bất động sản ở mọi nơi hiện đã tăng gấp đôi. Nếu cơn sốt này không được ngăn chặn và kiểm soát kịp thời sẽ tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
"Sốt giá bất động sản nếu không được ngăn chặn thì sẽ tác động gây ra khủng hoảng tiền tệ, hoặc tài chính kinh tế ở mức độ lớn, với thời gian khá lâu kinh tế mới khôi phục được.
Trong khi hậu covid tất cả mọi thứ đều sút kém, kể cả thu cho ngân sách nhà nước lẫn thu nhập của người dân. Tất cả những hành vi lợi dụng tình huống hiện nay để tạo tư lợi cho mình thông qua việc tiếp tục gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, thị trường tài chính có liên quan đến bất động sản phải có giải pháp ngăn chặn".
Như VOV Giao thông đã thông tin, để chặn “sốt đất ảo” Chính phủ đang tiến hành sửa đổi Nghị định 117. Theo đó, những thông tin chính xác về quy hoạch, dự án được công bố kịp thời, nh bạch sẽ là công cụ hiệu quả để người dân tiếp cận, tránh bị lôi kéo vào các cơn sốt đất ảo.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định:
"Mục tiêu của Nghị định 117 sửa đổi là cung cấp các thông tin cơ bản không chỉ cho cơ quan quản lý nhà nước từ địa phương tới Trung ương nắm được mà còn cung cấp thông tin cho khách hàng, cho người dân về các thông tin chính liên quan đến thị trường bất động sản.
Đặc biệt là thông tin về các quy hoạch dự án, thông tin về bán hàng trong dự án, các thông tin mà cơ quan nhà nước phải cung cấp cho người dân, thông tin về liên thông thị trường, tích hợp lại để lào sao có được thông tin vừa chính thống, vừa kịp thời".
Ngay sau khi Hà Nội và một số tỉnh thành siết phân lô bán nền, làn sóng đầu tư ồ ạt đổ về các địa phương lân cận và những vùng đất “tiềm năng” khiến giá đất tại nhiều nơi tăng nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cơn sốt này đang tạo ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, siết phân lô bán nền chưa phải là “liều thuốc” đặc trị “sốt đất ảo” mà cần sự quyết liệt hơn của chính quyền địa phương.
Việt Nam hiện đang trong cơn sốt đất lần thứ tư và có thể kéo dài đến hết năm nay. Bởi đây là năm đầu của thời kỳ quy hoạch, có nhiều nơi được quy hoạch từ nông thôn lên thành thị hoặc mở rộng đô thị.
Đây cũng là lúc Chính phủ dồn lực đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng giao thông, mà hạ tầng giao thông luôn kéo theo giá đất tăng. Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư thường tìm kiếm bất động sản giá rẻ, sinh lời nhanh để đầu tư.
Điều này khiến cho “cầu” bất động sản tăng lên rất cao, trong khi thông tin thì mù mờ, không nh bạch, nguồn “cung” bị hạn chế do các vướng mắc về thể chế, nhiều dự án nhà ở chưa được phê duyệt.
Mất cân đối cung - cầu tất yếu sẽ dẫn đến tăng giá, thế nhưng việc tăng giá này đang bị các nhà đầu tư bất động sản không chuyên lợi dụng. Tức là các “cò” đất kích cầu, rồi tung tin, tạo sóng và đẩy giá lên cao. Vấn đề ở đây là “cầu” giả tạo làm sốt giá, chứ không phải là nhu cầu thực về nhà ở trên thị trường.
Thực trạng này Chính phủ đã từng chỉ đạo các địa phương “xóa” bỏ, thế nhưng, “dẹp” chỗ này lại “mọc” lên chỗ khác.
Hiện tượng sốt đất một cách bất thường đang là mối nguy cho địa phương, dẫn tới hoạt động đầu tư không đúng quy định của pháp luật, xâm phạm, vi phạm các tài nguyên đất, đất rừng đất đồi được băm ra để rao bán. Vì vậy, các địa phương cần phải quyết liệt vào cuộc để ngăn chặn và kiểm soát tình trạng này. Đồng thời, cần phải nh bạch các thông tin về quy hoạch, về dự án để người dân nắm rõ, tránh sa vào bẫy của các “cò” đất.
Bên cạnh đó Chính phủ cũng cần có hành động quyết liệt, ngân sách nhà nước phải tung ra để hỗ trợ người dân tiếp cận nhà ở giá rẻ, chặn “cầu” giả tạo làm sốt giá. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, lấp đầy những khe hở của luật pháp; điều tra, kiểm tra, giám sát phát hiện những hành vi lợi dụng từ thị trường để tư lợi.
Cụ thể, cần phải quy định cấm "chia lô bán nền" trong dự án Luật Đất đai sửa đổi sắp tới để tránh "chôn" tiền vào đất, không thúc đẩy sự phát triển. Việc ngăn chặn các hành vi “xấu”, bắt tạm giam hàng hoạt ông lớn các tập đoàn gần đây là cần thiết để cứu vãn nền kinh tế, tài chính – tiền tệ, giúp thị trường bất động sản ổn định sau những cú chao đảo thời gian vừa qua.
Một vấn đề nữa là Ngân hàng nhà nước cũng cần phải tăng cường thanh tra, giám sát tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Mới đây, hàng loạt ngân hàng đã mạnh tay siết cho vay vào lĩnh vực này.
Đồng thời, Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định chặt chẽ về việc mua bán trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Đây được xem là chiếc van hạn chế và kiểm soát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào bất động sản qua kênh trái phiếu doanh nghiệp./.