Lạc hậu tiêu chuẩn giáo sư

Liệu câu chuyện lạm phát học vị và những tiêu chuẩn cứng nhắc trong việc xét học hàm có liên quan mật thiết với nhau?

Mới đây, Hội đồng giáo sư Nhà nước sau khi xem xét đã từ chối công nhận tiêu chuẩn chức Phó giáo sư cho nghệ sĩ violin Bùi Công Duy.

Anh Bùi Công Duy – một nghệ sĩ violin hàng đầu, có lẽ là nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất Việt Nam. Anh ấy cũng đã tốt nghiệp Nga, học ở nhạc viện Tchaikovsky và đã nhiều năm biểu diễn ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, cùng với việc tham gia giảng dạy nhiều thế hệ khác nhau ở Học viện âm nhạc quốc gia và hiện đang là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội.

Anh Duy không được công nhận là phó giáo sư bởi vì anh không phải là tiến sĩ. Ở đây sẽ có một câu chuyện là tôi không biết đến danh xưng tiến sĩ của những nghệ sĩ biểu diễn (như anh Duy) ở trên thế giới. Tôi không thấy các nghệ sĩ đó nói rằng, họ là tiến sĩ.

Nhưng ở Việt Nam thì khác, trong hệ thống quy chuẩn về giáo dục của chúng ta, có những quy định phải là tiến sĩ thì mới có thể phụ trách một cơ sở đào tạo, hay là một ngành đào tạo, mới có thể hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh khác.

Quy chuẩn cho giáo viên hay cho các giảng viên đại học tôi nghĩ là một câu chuyện đáng để nói. Nhưng nếu đưa tất cả vào một quy chuẩn như vậy, thì nó lại là một câu chuyện khác.

Nghệ sĩ Bùi Công Duy không đạt tiêu chuẩn Phó giáo sư năm 2022

Tôi từng nghe và tôi biết có những ca sĩ tương đối nổi tiếng mà trong những lúc ngồi nói chuyện cùng, tôi hỏi vui là: “Bạn là tiến sĩ để làm gì?”. Ca sĩ đó trả lời là: “Nếu không làm tiến sỹ thì tôi sẽ khó có thể tiếp tục giảng dạy trong ngành nghệ thuật mà tôi đang phụ trách!”.

Trong lĩnh vực âm nhạc, có lẽ chỉ những người nghiên cứu về lý luận âm nhạc, phê bình âm nhạc, mới có nhu cầu và mới nên theo đuổi các chủ đề về học thuật, để làm các đề tài, luận án tiến sĩ hay là trở thành giáo sư. Còn với nghệ thuật biểu diễn, có lẽ không nhất thiết phải như vậy.

Như tôi biết, trên thế giới cũng không nhiều nơi, không nhiều nghệ sĩ có được những danh hiệu như vậy.

Tôi nghĩ, chúng ta có một cái gì đó nó đang cứng nhắc. Hằng ngày, thỉnh thoảng chúng ta được giới thiệu về rất nhiều tiến sĩ khác nhau, mà đôi khi, phải nói thật là nếu như chúng ta đọc nội dung của luận văn tiến sĩ đó, chúng ta sẽ tương đối hốt hoảng và thức mắc tại sao luận văn như thế lại có thể gọi là tiến sĩ.

Chúng ta từng biết, đã có những cơ sở đào tạo mà người đứng đầu phải chịu kỷ luật, thậm chí là chịu chế tài hình sự do tùy tiện trong việc cấp chứng chỉ bằng cấp, trong đó có đào tạo tiến sĩ, giáo sư.

Không những thế, điều này còn làm lãng phí công sức của những nghệ sĩ biểu diễn, bởi trên thực tiễn là không nên đòi hỏi họ phải làm, phải đòi hỏi họ đưa ra những quy chuẩn bằng những giấy tờ, bằng cấp. Có những lĩnh vực quan trọng nhất là hiểu biết và uy tín, mà cái đó bằng cấp họ có thể trở thành một thứ để xác nhận.

Tôi nghĩ có lẽ, một lúc nào đó các cơ quan quản lý về giáo dục cũng nên để tâm đến việc xây dựng quy chuẩn phù hợp với không chỉ là những chuẩn mực nói chung mà chúng ta tự đặt ra cho nhiều ngành khoa học khác nhau, mà còn phải phù hợp với thực tiễn trên thế giới, nơi mà không phải lúc nào người đi dạy cũng buộc phải là người được phong là giáo sư.

Câu chuyện đó nên được thực hiện, được trả lại đúng với bản chất, giá trị, nguyên tắc vốn có của hoạt động thực tế từ các ngành, các lĩnh vực khác nhau./.