Bên cạnh những băn khoăn về thủ tục, tiêu chí để tiếp cận gói vay này, nhiều ý kiến cho rằng, đây chưa phải là biện pháp căn cơ để giải quyết khó khăn, túng thiếu cho công nhân khi thu nhập không được cải thiện mà chi phí cuộc sống không ngừng tăng:
"Sau dịch COVID-19, nhiều công nhân khó khăn về tài chính nhưng khó tiếp cận với khoản vay cá nhân từ ngân hàng nên phải tìm đến tín dụng đen".
"Nhà nước thì mình không biết quy định chỗ nào để mượn nên thấy anh cho mượn thì mượn thôi, chỗ khác nó còn cao hơn".
Thực tế, rất nhiều công nhân ở các khu công nghiệp rơi vào cảnh nợ nần, mà nếu đã trót vay tín dụng đen thì phần lương hàng tháng có khi chỉ đủ trả lãi bởi nhiều tổ chức tín dụng đen núp dưới vỏ bọc huy động vốn, góp tài sản kinh doanh, cho công nhân vay lãi suất đến 1.000%/tháng.
Nguyên nhân công nhân tìm đến “tín dụng đen” do gia đình gặp khó khăn đột xuất như con đau ốm, cần tiền đóng học cho con, trả tiền thuê nhà. Ngoài ra, nhiều công nhân trẻ chưa có kế hoạch chi tiêu hợp lý, thậm chí sa vào tệ nạn lô đề, cờ bạc.
Ông Phạm Xuân Hòe. Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phân tích về điều này: "Công nhân còn ít am hiểu về lĩnh vực tài chính, đặc biệt là tài chính cá nhân nên người ta thấy tiện ở đâu thì vay ở đấy, đặc biệt là khi cần tiền thì có ngay, chưa quan tâm đến hợp đồng ràng buộc trách nhiệm và lãi suất họ phải trả và cái phương pháp tính lãi của bên cho vay như thế nào. Nơi sử dụng người lao động phải có trách nhiệm với công nhân của mình".
Để hạn chế tình trạng người lao động sa vào cạm bẫy tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đưa ra giải pháp "nóng" là đề xuất gói 20 nghìn tỉ đồng với lãi suất bằng 50% so với lãi suất thông thường.
Số tiền do các công ty tài chính tiêu dùng chuẩn bị và trực tiếp hỗ trợ công nhân lao động có nhu cầu vay tại khu công nghiệp. Người lao động vay tiêu dùng có thời hạn 2 tháng đến tối đa 3 năm (tương ứng 70 triệu đồng) nhằm phục vụ tiêu dùng, sinh hoạt hằng ngày như đi chợ, đóng tiền học cho con…
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đánh giá, nguồn vốn vay ưu đãi này được cho là sẽ khoản giải quyết những khó khăn trước mắt cho công nhân, giúp họ vươn lên, vượt qua khó khăn:
"Đây là một giải pháp cấp thiết và cần nhanh chóng đưa vào thực tiễn để người lao động có thể tiếp cận với nguồn tài chính lành mạnh. Tổ chức công đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ đoàn viên và công nhân, người lao động tiếp cận với các chương trình tín dụng chính thức", bà Nguyễn Thị Như Ý cho biết.
Là người từng đề xuất các gói tín dụng cho công nhân, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các hỗ trợ tài chính kịp thời sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của công nhân trong các khu công nghiệp hiện nay, khi họ đa số là người trẻ nhưng thu nhập lại thấp. Tuy nhiên, vấn đề chính nằm ở việc giúp công nhân tính toán, cân đối chi tiêu để đảm bảo cuộc sống:
"Để người trẻ trong đó có công nhân vượt qua khó khăn, điều đầu tiên là làm cho họ hiểu biết về tài chính cá nhân, rồi giúp họ lập kế hoạch tài chính cá nhân để chi tiêu hợp lý. Thứ 2 là tạo ra môi trường sống thuận lợi cho công nhân như cho thuê nhà ở giá rẻ, giải quyết và đáp ứng đời sống văn hóa cho công nhân để người ta không sa vào bài bạc, rượu chè", ông Đinh Trọng Thịnh nói.
Không vay thì không có tiền để duy trì cuộc sống đến khi có lương thì vừa cầm chưa nóng tay đã lo trả nợ hết nên theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng, nếu không có các giải pháp toàn diện thì công nhân không thể nào thoát ra nổi cái vòng luẩn quẩn đó.
Hơn nữa người lao động đang chật vật vì vật giá sinh hoạt leo thang nhưng đồng lương còn thấp nên họ rất mong chờ nhiều giải pháp mang tính thực tế cả trong ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo cho chất lượng cuộc sống của công nhân được cải thiện tốt hơn.
"Có những giải pháp ngắn hạn và có cả cái dài hạn, khi người lao động khó khăn thì hỗ trợ vốn rất quan trọng nhưng dài hạn và toàn diện là sửa đổi chính sách nhà ở để công nhân có nhà, chống lạm phát, giảm chi phí; chính sách về giáo dục cho con em lao động nhập cư, tăng cường tiếp cận dịch vụ công. Còn các giải pháp ngắn hạn thì cần khẩn trương, giải ngân ngay những khoản vay như vậy", ông Nguyễn Quang Đồng nói.
Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, mỗi công nhân cần nâng cao sự hiểu biết về thời sự an ninh, về những nguy cơ, hiểm họa từ tín dụng đen; cần tiết chế sinh hoạt, tránh việc đẩy bản thân vào tình trạng túng quẫn về tài chính. Người lao động cần điều chỉnh mức chi tiêu tương xứng với mức thu nhập. Đây là giải pháp căn cơ, phòng ngừa sa vào tín dụng đen.
Để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều công nhân đã phải gõ cửa các tổ chức, cá nhân chuyên cho vay nặng lãi và nhanh chóng trở thành nạn nhân của các hoạt động “tín dụng đen”. Với các gói vay tín dụng sẽ nhanh chóng giải quyết những khó khăn trong ngắn hạn của công nhân.
Nhưng để bền vững và toàn diện, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, chúng ta cần quan tâm vấn đề: "Đối xử với công nhân".
Con số hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi với nhiều bị hại là công nhân được phát hiện trong vòng 3 năm qua, theo một đánh giá của Bộ Công an, mặc dù không gây bức xúc trong công nhân và xã hội; nhưng cho thấy một thực tế là nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân rất lớn. Khoản thu nhập cố định từ lương không đủ trang trải cho các nhu cầu thiết yếu.
Một nguồn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng cho công nhân trong lúc khó khăn là điều hết sức cần thiết và được công nhân mong chờ. Bởi ở đó, họ được pháp luật bảo vệ, không còng lưng chịu lãi cắt cổ, không bị đe dọa đòi nợ, siết nợ bằng các kiểu xã hội đen. Đó giống như chiếc phao cứu sinh trong lúc công nhân đang chới với vì túng quẫn.
Nhưng họ sẽ tiếp cận bằng cách nào, mới là điều quan trọng. Nếu “chiếc phao” cất quá kỹ, được chằng buộc bằng những “sợi dây” thủ tục và điều kiện vay quá chặt, thì lại giống như câu chuyện của nhiều gói hỗ trợ, tín dụng khác: tiền nhiều, nhưng không tiêu được.
Và công ty tài chính, với thao tác một chạm là có tiền, sẽ tiếp tục là lựa chọn bất đắc dĩ của công nhân, trong lúc họ chỉ cần “sống được đã” rồi mọi chuyện tính sau. Như vậy, nếu không giải quyết được vấn đề điều kiện và thủ tục, thì gói tín dụng sẽ không phát huy tác dụng. Trong khi, các hậu quả của tín dụng đen sẽ vẫn tiếp tục gây mất an ninh trật tự xã hội, cuốn thêm nhiều công nhân (và đằng sau là gia đình, người thân của họ) vào vòng xoáy không lối thoát.
Song, cái khó ở đây là việc đảm bảo các khoản vay không trở thành nợ xấu, trong khi năng lực trả nợ của người vay lại khó lòng đáp ứng.
Một nghiên cứu cách đây vài năm của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM) đã chỉ ra, 76,6% công nhân vay để chi tiêu gia đình, giáo dục, sửa nhà. Số còn lại (chưa tới 25%) vay để trả nợ, để chữa bệnh, giúp đỡ cha mẹ, làm ăn.
Nhìn vào cơ cấu này, có thể thấy sự bế tắc về tài chính của công nhân. Bởi ngoài nhóm vay để làm ăn (tức là đầu tư cho một công việc khác đem lại nguồn thu nhập ngoài lương), thì các nhóm vay thuần túy tiêu dùng đều rất khó có khả năng trả nợ.
COVID-19 và sau đó là bão giá, càng chồng thêm gánh nặng lên những đồng lương công nhân ít ỏi. Và khả năng vỡ nợ này hoàn toàn có thể xảy ra khi công nhân vay ngân hàng để chi tiêu.
Tất nhiên, các nhà băng sẽ chỉ kiểm soát nợ xấu bằng điều kiện cho vay, vì không thể dùng cách đòi nợ như tín dụng đen. Mà điều kiện vay khó thì công nhân lại không với tới.
Vì vậy, ngoài việc cân nhắc các yếu tố này để tính toán thiết kế gói vay sao cho hiệu quả, trúng đối tượng, thì điều quan trọng hơn cả, là hỗ trợ công nhân bằng các giải pháp gián tiếp.
Các biện pháp bình ổn giá cả thị trường hàng hóa, đưa hàng bình ổn đến tay công nhân, giảm tiền thuê nhà và điện nước, các chính sách ễn giảm học phí học liệu cho con công nhân, các hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thường xuyên từ phía công đoàn công ty nơi họ làm việc… được tiến hành trong thời gian đủ dài, sẽ góp phần giúp công nhân đỡ chật vật khó khăn.
Xa hơn và thường xuyên hơn nữa, là các chiến lược để nâng cao thu nhập cho công nhân trên cơ sở tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc bằng cách đào tạo và đào tạo lại, hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất, để họ thực sự tự chủ với đời sống của mình, chứ không phải là cải thiện thu nhập bằng cách tăng ca.
Covid với sự càn quét khốc liệt hai năm qua, đã làm lộ ra những lỗ hổng trong chăm sóc đời sống công nhân lâu nay, những bất ổn và thiếu sót trong cách mà các địa phương, các đô thị ứng xử với họ.
Đó là điều nhất định phải khác đi, phải khắc phục bằng được, khi bắt tay chữa lành các tổn thương để phục hồi và vực dậy sau COVID-19, không phải chỉ vì bản thân công nhân./.