Không thể trông chờ sự tự nguyện

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ khi tham gia giao thông là cách để bảo vệ an toàn cho trẻ và xây dựng nguồn nhân lực tốt cho đất nước trong tương lai.

Do vậy, song song với các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động cưỡng chế, xử lý nghiêm các vi phạm về đội mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ.

Trong số các nguyên dẫn đến tình trạng phụ huynh phớt lờ quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, là hiện nay chưa có nhiều trường hợp vi phạm bị xử phạt, trong khi nhiều phụ huynh “hiểu nhầm” hoặc cố tình hiểu nhầm là hiện chưa có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe máy.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp cưỡng chế đối với những hành vi này, ưu tiên bố trí nguồn nhân lực để tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tham mưu với Chính phủ, thực hiện nghiên cứu đặc điểm thể trạng của học sinh Việt Nam theo từng lứa tuổi, xây dựng quy chuẩn thiết kế mũ bảo hiểm phù hợp với trẻ em Việt. Từ đó, huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia sản xuất mũ bảo hiểm cho trẻ em để tăng tính đa dạng và sự tiện lợi cho người tiêu dùng.

Nhiều phụ huynh “hiểu nhầm” hoặc cố tình hiểu nhầm là hiện chưa có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe máy

 

 Đồng thời, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, phối hợp với Bộ giáo dục và đào tạo ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường xây dựng các chương trình giáo dục về an toàn giao thông nói chung, đội mũ bảo hiểm nói riêng, sinh động, thực chất hơn; đồng thời có những quy định, hướng dẫn các trường bố trí các giá, nơi treo mũ bảo hiểm cho các con khi mang tới trường.

Về phía các nhà trường cần phối hợp với Ban An toàn giao thông các địa phương tiếp tục làm mới các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn về tác dụng của mũ bảo hiểm đối với trẻ em khi tham gia giao thông.

Ngoài những cuộc thi tìm hiểu trên lý thuyết, những poster, clip sinh động, các nhà trường cần bổ sung học liệu, tổ chức có những hoạt động thực hành trực quan, sinh động để các em học sinh dễ hình dung về sự cần thiết bảo vệ vùng đầu đối với sức khỏe nói chung và khi tham gia giao thông nói riêng.

Cùng với đó, thông qua Đoàn/ Đội trong nhà trường, các đội Sao Đỏ cử các em học sinh trực tiếp giám sát, chấm điểm và thi đua trong hoạt động chấp hành luật giao thông đường bộ nói chung và đội mũ bảo hiểm nói riêng.

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về quy định đội mũ bảo hiểm, giúp người tham gia giao thông, đặc biệt là các bậc phụ huynh hiểu đúng, đầy đủ về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em và trẻ em dưới 6 tuổi khi tham gia giao thông.

Chỉ khi các phụ huynh nhận thấy việc đội MBH đúng cách cho trẻ cũng quan trọng như tiêm vắc –xin phòng bệnh, có tác dụng bảo vệ sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ khi tham gia giao thông, mới có thể giáo dục, hướng dẫn con em mình hiểu đúng về tác dụng của mũ bảo hiểm.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) chỉ ra đội MBH đạt chuẩn giảm 6 lần nguy cơ tử vong và giảm 74% nguy cơ chấn thương sọ não. Đối với trẻ nhỏ, việc bảo vệ vùng đầu càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển khi trưởng thành. Khi không may xảy ra, mũ bảo hiểm là một trong những giải pháp duy nhất để bảo vệ vùng đầu cho trẻ nhỏ.

Trẻ em là tương lai của đất nước. Giáo dục trẻ em hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm và thói quen bảo vệ an toàn cho bản thân ngay từ nhỏ không chỉ giúp thế hệ tương lai có ý thức chấp hành pháp luật tốt mà còn xây dựng được nguồn nhân lực mạnh khỏe trong tương lai.