Trước đây, khi các con tôi còn nhỏ và ở tuổi đến trường phổ thông, có người từng hỏi tôi thấy vấn đề lớn nhất của trẻ em Việt Nam hiện nay là gì?
Trước hết, cần phải nói rằng, có sự khác nhau giữa trẻ em ở nông thôn và ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, vì trẻ em ở các vùng khác nhau cũng sẽ có những vấn đề khác nhau.
Hôm nay, tôi muốn nói về câu chuyện của trẻ em đô thị.
Trở lại với câu hỏi kia, tôi trả lời rằng, vấn đề lớn nhất của trẻ em đô thị trong khoảng vài chục năm trở lại đây đó là các cháu lớn lên mà rất ít được tiếp cận với thiên nhiên, tiếp cận với các điều kiện sống tự nhiên. Hầu như các cháu chi biết đến trường rồi lại về nhà, làm bài tập và học thêm theo yêu cầu của bố mẹ, thầy cô giáo.
Không chỉ ít được tiếp cận với thiên nhiên, với các điều kiện tự nhiên như thời tiết, khí hậu mà còn cả về mặt xã hội, cộng đồng. Trẻ em hiện nay chủ yếu có các mối quan hệ bạn bè ở trường học và bạn bè là còn cái của bạn bố mẹ. Điều này tương đối khác với trẻ em ở nông thôn, với những mối quan hệ bạn bè là đồng hương, cũng xã cùng huyện.
Và một trong những vấn đề liên quan đến việc ít được tiếp cận với thiên nhiên, đó là trẻ em đang ngày càng yếu đuối hơn, kém cỏi hơn trong việc thích nghi với điều kiện tự nhiên, mà một phần nguyên nhân đến từ… cái điều hòa.
Tôi nhớ đến một lời nhận xét của ông Lý Quang Diệu rằng: “Một trong những tiện nghi lớn nhất giải phóng được suy nghĩ, phát triển của người châu Á chính là cái điều hòa nhiệt độ”, vì nó giúp cho người châu Á có thể sống một cách thoải mái, tiện nghi hơn. Quả thực, khi thời tiết nóng nực sẽ rất khó để có thể làm việc được một cách thoải mái.
Nhưng có lẽ, chúng ta đang quá lạm dụng cái điều hòa trong các điều kiện cụ thể của con em mình. Tôi muốn lấy dẫn chứng từ “phong trào” lắp điều hòa nhiệt độ ở các trường học hiện nay.
Điều mâu thuẫn thứ nhất là thời điểm đầu năm học, hầu như các trường đều nhắc đến việc quyên góp để lắp điều hòa, ti vi. Nếu những thứ đó là cần thiết, thì tại sao nhà trường không đưa vào danh mục tài sản cần mua sắm, trang bị. Hoặc nếu cần đến sự đóng góp của các phụ huynh, thì cũng phải nằm trong kế hoạch mua sắm, trang bị và được quản lí, sử dụng một cách phù hợp.
Điều mâu thuẫn thứ hai là về mặt thể chất của học sinh, mặc dù điều hòa đem tới sự thoải mái, tiện nghi, nhưng liệu chúng ta có nên “nhốt” các thanh thiếu niên trong môi trường chỉ có điều hòa nhiệt độ. Điều này có thể dẫn đến việc các em khó có thể thích nghi được với môi trường không có điều hòa. Về mặt nào đó, nó dễ dàng làm cho con người yếu đuối hơn.
Thực ra, chính bản thân tôi cũng cảm thấy mình yếu đuối hơn, khó thích nghi hơn kể từ khi có cái điều hòa. Đôi khi vào mùa hè, tôi khó có thể tập trung làm việc với điều kiện không có điều hòa. Nhưng cũng chỉ cần một vài phút làm quen với quạt điện, với những phương tiện lưu thông không khí khác, thì việc không có điều hòa cũng không phải là thảm họa.
Nhưng đối với những người trẻ, về mặt thể chất, nếu họ được rèn luyện trong những môi trường tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên tôi nghĩ sẽ tốt hơn.
Việc lắp điều hòa nhiệt độ một cách đại trà ở các trường phổ thông, tôi nghĩ không chỉ có vấn đề về mặt quản trị, về cách thức huy động các khoản đóng góp của phụ huynh hàng năm, mà nó còn liên quan đến các vấn đề về mặt giáo dục.
Liệu chúng ta có nhất thiết phải nhốt bọn trẻ trong những môi trường như vậy không, khiến chúng khó có thể hòa nhập với môi trường tự nhiên và tách bọn trẻ ra khỏi thiên nhiên như vậy hay không?.