Khai mạc lễ hội Quýt hồng Đồng Tháp

Hơn 100 năm, cây quýt hồng bén rễ trên đất Lai Vung, nhờ khí hậu – thổ nhưỡng tích hợp, quýt hồng được nhân rộng và trở thành cây trồng có múi chủ lực của địa phương.

Các vườn quýt hồng lại Đồng Tháp đang đẩy mạnh khai thác du lịch dịp tết

Hằng năm ra trái duy nhất vào dịp tết, mọng nước, màu vàng óng ánh… là đặc sản được lựa chọn hàng đầu trong mâm ngũ quả chưng Tết của người Nam Bộ.

Sáng 5/1, UBND huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức khai mạc Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung lần thứ I - năm 2023 chủ đề “khát vọng vươn lên”.

Điểm nổi bật của Lễ hội là hoạt động trải nghiệm không gian sản xuất quýt hồng, Hội thảo "Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị quýt hồng", Tọa đàm “Quýt hồng - Tiềm năng của địa phương và cơ hội cho mọi khách hàng”.

Tết quý mão 2023, Lai Vung có 5.000 tấn quýt hồng để cung ứng cho thị trường

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết, đây là lần đầu tiên huyện Lai Vung tổ chức Lễ hội Quýt hồng nhằm tôn vinh cây quýt hồng, người trồng quýt hồng, phát huy giá trị văn hoá - kinh tế của loại sản phẩm đặc sản. Đưa sản phẩm quýt hồng Lai Vung vươn lên tầm cao mới.

Dịp tết này, toàn huyện Lai Vung có hơn 200 hecta quýt hồng, sản lượng ước đạt 5.000 tấn để cung ứng cho thị trường Tết nguyên đán Quý Mão 2023 (tập trung ở các xã: Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Hòa Long, Hòa Thành và Vĩnh Thới). Giá khởi điểm tại vườn 55.000 đồng/kg. Bên cạnh quýt trái, nhà vườn ở Lai Vung nhiều năm nay đã đưa quýt hồng lên chậu giá nhấp nhất 1,5 triệu/chậu nhằm phục vụ nhu cầu biếu tặng, được thị trường ưa chuộng.

Lễ hội nhằm tôn vinh cây quýt hồng, người trồng quýt hồng, phát huy giá trị văn hoá - kinh tế của loại sản phẩm đặc sản.

Để nâng cao giá trị cho sản phẩm thế mạnh, nông dân Lai Vung đã chủ động mở các dịch vụ du lịch cho khách đến tham quan, trải nghiệm vào thời gian thu hoạch quýt. Đến nay, toàn huyện có 9 khu, điểm du lịch quýt hồng, góp phần phục vụ tốt nhu cầu tham quan của du khách gần xa.

Đặc biệt, với công nghệ chế biến mới, ép dầu, sấy vỏ quýt, những quả xấu không đạt tiêu chuẩn trong quá trình thu hoạch được phân loại và vẫn bán được thay vì bỏ đi như trước đây, góp phần gia tăng chuỗi giá trị cho trái quýt.

Khai mạc lễ hội

Hiện nay, Lai Vung đã và đang chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, tạo ấn tượng trong lòng du khách về một vùng đất hiền hoà, với những con người nghĩa tình, năng động và sáng tạo.

Tất cả đã góp phần định vị ngày càng rõ nét hình ảnh quê hương đất Quýt hồng.

Huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp được mệnh danh là “vương quốc” trồng cây quýt hồng tại ĐBSCL vì được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt quanh năm với lượng phù sa dồi dào. Quý hồng Lai Vung hơn 100 năm nổi tiếng là đặc sản trái to, ít hạt, vỏ mỏng, màu sắc vàng cam bắt mắt, mọng nước, thơm dịu và có vị ngọt thanh.

Thời hoàng kim, Đồng Tháp sở hữu trên 1.000 hecta quýt hồng, trung bình 01 hecta nông dân lãi 500 triệu đồng. Nhưng ảnh hưởng dịch bệnh vàng lá thối rễ, diện tích đã giảm chỉ còn 200 hecta ở thời điểm hiện tại. Để vực dậy loại cây đặc trưng, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt Đề án bảo tồn vườn quýt hồng giai đoạn 2020-2024 với diện tích hơn 546 hecta, tổng vốn thực hiện hơn 73 tỷ đồng.