Khách du lịch, không phải "con mồi" để... thịt

Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang nỗ lực khôi phục lại hoạt động du lịch, đặc biệt với việc mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 để thu hút khách du lịch quốc tế - một trong những nguồn thu chính và rất quan trọng của ngành du lịch...

 

Từ lâu, câu chuyện chặt chém, bắt chẹt du khách ở các điểm du lịch không còn quá xa lạ với hoạt động du lịch ở ta. Không chỉ với khách nước ngoài, lạ nước lạ cái, mà ngay cả với khách du lịch trong nước cũng gặp vấn đề này
Nếu bỏ thời gian ngồi nghe câu chuyện của cánh đạp xích lô chở khách du lịch, những người chạy xe ôm, xe taxi thi thoảng đâu đó trong câu chuyện của họ là những mánh khoé nhằm móc tiền nhiều nhất có thể của du khách - khi mà họ vừa đặt chân tới Hà Nội du lịch, còn lạ nước lạ cái. Còn nhớ cách đây một thời gian, một cặp vợ chồng du khách nước ngoài thuê xích lô du lịch đi thăm quan quanh Hà Nội với quãng đường khoảng 5km đã bị tài xế xích lô "chém" 1,5 triệu đồng...
Chẳng phải nói oan, vì thực tế đã có rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Không những vậy, việc chặt chém du khách còn rất phổ biến ở các khu du lịch, nhà hàng, quán ăn... Câu chuyện xích lô, taxi chặt chém khách du lịch không còn quá xa lạ, và phổ biến ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt ở những trung tâm du lịch như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, gây bức xúc dư luận và tạo tâm lý cảnh giác đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Những cảnh chèo kéo du khách của người làm dịch vụ du lịch trên phố không còn quá xa lạ, và diễn ra hằng ngày, gây khó chịu và phản cảm. Hồi tháng 5, tại Huế, một cặp vợ chồng người Australia cũng bị một lái xe xích lô tìm cách lấy tiền dịch vụ cao hơn nhiều so với mức quy định và đã bị cơ quan chức năng xử lý, buộc phải trả lại tiền cho du khách
Khách du lịch cần được bảo vệ. Bởi nếu không, hình ảnh du lịch Hà Nội nói riêng, và du lịch Việt Nam sẽ ngày một xấu đi và trên thực tế, con số thống kê năm này qua năm khác về việc khách du lịch quốc tế gần như không bao giờ quay trở lại Việt Nam lần thứ 2 đã trở nên quá... bình thường
Khách quốc tế khi đến Hà Nội luôn phải đối mặt với những dịch vụ chặt chém, đặc biệt với những dịch vụ "vỉa hè" như bán hàng ăn, giải khát, đặc biệt quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm rất nhiều năm nay, những người bán hàng rong đã làm hỏng hình ảnh du lịch Thủ đô nhưng những đơn vị chức năng vẫn không thể giải quyết triệt để. Phóng viên Kênh VOV Giao thông đã có lần phản ánh về việc, một người bán hàng rong khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm đòi 70 ngàn đồng cho 2 ếng dứa với 1 du khách nước ngoài...
Với việc không chuyên nghiệp hoá nổi hoạt động du lịch, rất khó tránh khỏi cảnh chèo kéo, bắt chẹt du khách vô tội vạ
Luật Du lịch năm 2017 đã xác định phải coi khách du lịch là “nhân vật trung tâm” của hoạt động du lịch. Thế nhưng, ngay cả với du khách trong nước, mỗi khi đến một điểm du lịch bất kỳ, đều luôn mang trong mình tâm lý nơm nớp lo ngại bị chặt chém mỗi khi muốn sử dụng một dịch vụ nào đó. Những ngày này, thông tin về 2 hãng taxi hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất bị đình chỉ hoạt động do làm thủ thuật nâng giá dịch vụ cũng đang gây bức xúc trong dư luận.
Nhiều năm trước, Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Hà Nội đã cho lập văn phòng tiếp nhận thông tin và giúp đỡ du khách quốc tế khi đến Thủ đô, nhưng gần như văn phòng này lúc nào cũng đóng cửa im ỉm, và một thời gian sau thì chuyển thành quán cà phê
Văn phòng này được chuyển qua khu vực phía sau đền Bà Kiệu, tuy nhiên có vẻ cũng không hoạt động hiệu quả, và thường xuyên bị bao vây bởi dịch vụ trông giữ phương tiện giao thông khiến du khách cũng khó lòng tiếp cận khi có vấn đề
Một quầy thông tin du lịch gần như "bỏ hoang" nhiều năm nay trước vườn hoa Lý Thái Tổ
Lúc nào cũng đóng cửa kín mít, phủ bụi, bẩn thỉu vì không hoạt động
Không biết, liệu du khách khi gặp vấn đề sẽ làm thế nào để "nhờ trợ giúp" khi những quầy thông tin này được dựng lên, chỉ với một mục đích duy nhất là đóng cửa im ỉm, và làm xấu thêm cảnh quan đường phố?