Karaoke: Đừng để luật pháp trở thành sự bối rối của người dân

Hàng trăm chủ cơ sở kinh doanh karaoke ở Hà Nội kêu cứu vì nguy cơ phá sản do không biết phải làm sao để đáp ứng các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy là một câu chuyện rất đáng để suy nghĩ.

 Vấn đề có vẻ rất đơn giản khi các cơ sở kinh doanh không đáp ứng được các điều kiện an toàn thì không thể mở cửa hoạt động. Điều này không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong đơn kêu cứu của các chủ cơ sở, có một ý rất đáng quan tâm là kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể để các cơ sở kinh doanh có thể đáp ứng.

Và, đáp lại những kiến nghị này, ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Công an thành phố Hà Nội cũng cho biết:Đã kiến nghị đề xuất với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, thành phố đã chỉ đạo ngành văn hoá hoàn thiện để trình UBND TP ban hành quy định về thực hiện Nghị định 54 về karaoke.

Như vậy, có thể thấy vấn đề ở đây là còn thiếu quy định của thành phố để hoạt động kinh doanh karaoke có thể hoạt động trở lại.

Đây rõ ràng là một điều bất bình thường. Bởi, về nguyên tắc, khi chưa có những quy định mới thì mọi hoạt động vẫn cần được vận hành theo các quy định hiện hành. Việc bắt tất cả các cơ sở kinh doanh karaoke phải dừng kinh doanh để chờ quy định mới là điều trái nguyên tắc.

Các cơ sở kinh doanh cần được phép mở cửa hoạt động trở lại nếu đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định hiện hành. Khi có quy định mới, cần có lộ trình và thời hạn áp dụng để các cơ sở có thể chuyển đổi trạng thái để đáp ứng các yêu cầu mới.

Một trong hàng trăm quán karaoke bị đình chỉ hoạt động tại Hà Nội. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Trở lại với câu chuyện các chủ cơ sở kinh doanh karaoke kiến nghị cần được hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Đây là một kiến nghị mà tôi cho rằng không bình thường. Bởi một trong những nguyên tắc thượng tôn pháp luật là công dân được làm những gì mà luật pháp không cấm. Điều đó có nghĩa là luật quy định như thế nào, người dân có nghĩa vụ chấp hành, luật không cấm thì người dân có thể làm.

Trong câu chuyện kinh doanh karaoke, theo nguyên tắc này thì người dân khi đã đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật hiện hành thì cơ quan quản lý nhà nước buộc phải có trách nhiệm phê chuẩn yêu cầu hoạt động của cơ sở kinh doanh mà không cần các văn bản hướng dẫn khác, dưới luật.

Nguyên tắc là vậy, nhưng trên thực tế, không chỉ riêng đối với kinh doanh karaoke, hầu như trong mọi hoạt động của xã hội, sau khi luật ra đời vẫn phải chờ Nghị định, rồi thông tư hướng dẫn. Các bộ luật, dù đã được nâng lên, đặt xuống, qua rất nhiều lần chỉnh sửa dự thảo trước khi được đưa ra thảo luận rồi ban hành… nhưng luôn bị trễ hiệu lực vì phải chờ sự hướng dẫn thực hiện của các văn bản dưới luật.

Điều đó không chỉ khiến hiệu lực của các quy định pháp luật bị giảm sút, mà còn tạo ra vô vàn sự bối rối, nhiêu khê cho người dân, và cả lực lượng thực thi pháp luật.

Chính cái thói quen chờ hướng dẫn khiến cho vai trò của luật pháp, ý thức thượng tôn pháp luật của cộng đồng trở nên lép vế so với ý chí của các cơ quan thực thi pháp luật, được thể hiện qua các văn bản dưới luật trong vai trò hướng dẫn thực hiện.

Trở lại với câu chuyện kinh doanh karaoke, cá nhân tôi đồng tình với việc cần siết chặt việc thực hiện các quy định của pháp luật, xử lý nghiêm, rút giấy phép vĩnh viễn các cơ sở không đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.

Nhưng bên cạnh đó, đối với các cơ sở đảm bảo các quy định đang có hiệu lực thì cần được mở cửa hoạt động lập tức cho đến khi các quy định mới được hình thành và có hiệu lực.

Đã đến lúc các cơ quan thực thi pháp luật cần khẳng định rõ về nguyên tắc thượng tôn pháp luật để người dân được thực hiện quyền kinh doanh theo quy định của luật pháp.

Việc kinh doanh của người dân chỉ bị gián đoạn khi điều đó không phù hợp với quy định của luật pháp, chứ không phải chỉ vì nó là một hoạt động kinh doanh nhạy cảm.