Hoàn thành việc sửa chữa cầu Thăng Long, thông xe ngày 8/1/2021

Dự kiến dự án sửa chữa cầu Thăng Long (Hà Nội) sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác ngày 8/1/2021. Việc đưa vào khai thác trở lại cầu Thăng Long sẽ kết nối với đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long và giảm tải cho cầu Nhật Tân.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long triển khai vào giữa tháng 8/2020, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng. Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, mẻ bê tông nhựa Polimer lớp phủ mặt cầu cuối cùng đã được thảm xong, phần kết cấu chính, kết cấu chịu lực cũng đã hoàn thành, việc như sơn kẻ mặt đường, hộ lan và các công việc khác sẽ được hoàn thiện trong những ngày tới, đáp ứng yêu cầu của Bộ GTVT.

“Cầu Thăng Long như trong quyết định duyệt thì phần kết cấu chịu lực của bê tông UHPC bên dưới là 30 năm, trong quyết định phê duyệt thế và khả năng nó sẽ chịu bền vững theo kết cấu của cầu thép, còn phần bê tông nhựa thì nó sẽ khoảng 5-10 năm tùy theo lưu lượng xe và mức độ thời tiết”, ông Nguyễn Trung Sỹ cho biết.

Được biết, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng, được khởi công ngày 16/8 và đến ngày 27/9 đã cào bóc, làm sạch mặt cầu. Từ 30/9 - 9/12 tiến hành hàn đinh neo, rải cốt thép và đổ bê tông UHPC cho 36 khoang mặt cầu, từ 9/12 - 31/12/2020 tạo nhám, quét keo Epoxy dính bám và thi công lớp phủ mặt cầu.

Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5/1985. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.

Do đó, Tổng cục Đường bộ đã phối hợp với các đơn vị chức năng để nghiên cứu, phân tích các nguyên nhân hư hỏng và đưa ra giải pháp sửa chữa, trong đó có công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng UHPC là giải pháp kinh điển trong sửa chữa cầu trên thế giới.

Các chuyên gia đánh giá, công nghệ hàn đinh neo không sinh nhiệt (nhiệt độ dưới 80 độ C) không ảnh hưởng tới bản thép mặt cầu, thời gian hàn chỉ từ 3-15 giây và sau đó sẽ đổ bê tông siêu tính năng UHPC lên trên đảm bảo kết cấu bản mặt cầu bền vững.

Riêng với lớp thảm bê tông nhựa tạo nhám (dày 4cm) trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại từ 5 - 10 năm tùy theo tải trọng xe đồng thời mong muốn có hệ thống kiểm soát tải trọng xe tại cầu để đảm bảo bền vững kết cấu của cầu Thăng Long.