Hỗ trợ tiền, giảm học phí có giúp bớt “ngại” sinh con?

Từ năm 2021 đến năm 2023, mức sinh thay thế ở nước ta giảm từ 2,11 xuống 1,96 con/phụ nữ - thấp nhất lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới; xu hướng không muốn sinh con hoặc sinh rất ít con đang lan rộng tại đô thị.

Trong Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo, đơn vị này đang xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số nhằm bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, ền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số.

Vậy, những chính sách cơ bản của Luật Dân số hướng đến duy trì mức sinh thay thế là gì? Những quy định mới này có ý nghĩa thế nào trong việc hoàn thiện chính sách nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế ở nước ta?

Pháp lệnh Dân số qua hơn 20 năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế bởi các vấn đề dân số và kinh tế, xã hội hiện nay đã có những thay đổi khác biệt. Do đó, Bộ Y tế đề nghị xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới; có các biện pháp giải quyết xu hướng già hoá dân số trong thời gian tới và tận dụng lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

Đồng thời, Luật Dân số cũng khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; đáp ứng đủ các điều kiện về nguồn lực để thực hiện toàn diện công tác dân số trong tình hình mới.

Tại Dự án Luật Dân số có 6 chính sách cơ bản, bao gồm: Duy trì mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; Thích ứng với già hóa dân số, dân số già; Phân bố dân số hợp lý; Nâng cao chất lượng dân số và Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, những chính sách cơ bản của Luật Dân số hướng đến duy trì mức sinh thay thế được đề cập là: nếu như Pháp lệnh Dân số hiện hành quy định, mức sinh thay thế là mức sinh tính bình quân trong toàn xã hội mỗi cặp vợ chồng có 2 con; thì theo dự thảo Luật Dân số, mức sinh thay thế là mức sinh mà bình quân mỗi phụ nữ có 1 con gái sống đến tuổi sinh đẻ, để thay thế mình trong quá trình sinh sản.

Dự thảo Luật Dân số đề xuất, quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con. Đây được xem là biện pháp quan trọng giúp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.

Dự thảo Luật cũng quy định các biện pháp linh hoạt để có thể bù trừ mức sinh giữa khu vực có mức sinh thấp và khu vực có mức sinh cao. Chính phủ quy định các biện pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể phù hợp từng thời kỳ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; UBND các tỉnh, thành phố trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ưu tiên đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Hiện luật Dân số đang tiếp tục thực hiện tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật Dân số để gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ; đề xuất thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến Luật Dân số vào kỳ họp thứ 10 năm 2025 và thông qua Luật Dân số vào kỳ họp thứ 11 năm 2026 Quốc hội khóa 15.

Ảnh nh họa: Duy trì mức sinh thay thế là mục tiêu rất quan trọng với công tác dân số trong tình hình mới.

CẦN THÊM NHỮNG CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN VIỆC LÀM

Trong bối cảnh đang có chênh lệch mức sinh và xu hướng giảm sinh, dẫn đến khó đạt mục tiêu duy trì mức sinh thay thế thì các chính sách về vấn đề này cần được hoàn thiện ra sao trong Luật Dân số? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình về nội dung này.

PV: Thưa bà, một trong những chính sách quan trọng của Luật Dân số là duy trì mức sinh thay thế nhằm ổn định quy mô dân số. Bà đánh giá thế nào về sự cần thiết của chính sách này?

ĐBQH Trần Khánh Thu: Việc xây dựng Luật Dân số và Chính phủ mong muốn được trình trong kỳ họp tới này là nội dung hết sức cần thiết bởi Pháp lệnh Dân số được ban hành từ năm 2003 nên chính sách về dân số hiện nay trong bối cảnh nước ta được đánh giá là cần phải có một pháp luật về dân số chính thống để có thể xây dựng được chính sách bền vững.

Đây là 1 trong 5 trụ cột để đánh giá một quốc gia có phát triển không, phát triển dân số là một trụ cột này. 

PV: Thực tế hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ngại sinh con. Vậy dự thảo Luật dân số đề xuất thưởng tiền, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em..., theo bà, liệu có giúp nhiều gia đình không còn "ngại" sinh con?

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình

ĐBQH Trần Khánh Thu: Vấn đề rào cản khiến phụ nữ ngại sinh con trong giai đoạn hiện nay không hẳn liên quan tới kinh phí mà còn ở một số tác động xã hội.

Việc đề xuất các chính sách ễn giảm học phí hay hỗ trợ chi phí cho trẻ em cho thấy đây là chính sách nhân văn của Luật

Tuy nhiên vấn đề ngại sinh con hay biện pháp để duy trì mức sinh trong cả nước cần phải có thời gian có đánh giá tác động vì có thể ở địa phương này thì nó cần thiết nhưng ở địa phương khác thì chưa thực sự đủ mạnh để có thể tác động đến chính sách mà chúng ta mong muốn là duy trì được mức sinh thay thế.

PV: Bà có thêm những đóng góp gì để xây dựng Luật Dân số với mục tiêu duy trì mức sinh thay thế?

ĐBQH Trần Khánh Thu: Với mục tiêu xây dựng chính sách duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên địa bàn cả nước - các quy định này bên cạnh là quyền còn là nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân, góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch giữa mức sinh giữa các vùng, gắn liền với các chính sách phát triển chung của đất nước.

Nội dung này tôi nghĩ Dự thảo Luật đã đưa ra nhiều giải pháp, tuy nhiên, muốn duy trì mức sinh thay thế thì đầu tiên giữa các vùng, các đối tượng cần phải có chính sách cụ thể, khác nhau và có đủ sức tác động.

Ví dụ ở những vùng mà mức sinh thay thế còn cao thì cần có chính sách để giảm mức sinh ở mức chấp nhận được; còn ở những vùng đã giảm nhanh trong thời gian thì cần có tác động để không bị giảm tiếp và duy trì được mức sinh thay thế bền vững hơn về cả số lượng và chất lượng.

Xây dựng pháp luật về dân số trong bối cảnh hiện nay là cần thiết nhưng cần phải có những đánh giá, rút kinh nghiệm những giai đoạn trước và phải phù hợp với giai đoạn hiện nay, đặc biệt phải phù hợp với tốc độ già hóa dân số nhanh. 

Trong thời gian tới nên cần có cả những chính sách liên quan tới việc làm, chứ không chỉ mục tiêu duy trì mức sinh khi chất lượng cuộc sống không đảm bảo thì cũng khó thực hiện được.

 PV: Vâng, xin cảm ơn bà!

NHƯ HIỆN TẠI, KHÓ DUY TRÌ MỨC SINH THAY THẾ

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng bà Phạm Thị Lan - Trưởng phòng Dân số và Phát triển Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam về những đóng góp cho Luật Dân số từ kinh nghiệm thế giới về ứng phó với tình trạng mức sinh thấp.

PV: Thưa bà, mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quy mô và cơ cấu dân số. Bà đánh giá thế nào về thực trạng này ở Việt Nam hiện nay?

Bà Phạm Thị Lan: Hiện nay, mức sinh thấp không chỉ ở riêng quốc gia nào mà 80% dân số trong khu vực đang sống ở các quốc gia đang chứng kiến sụt giảm mức sinh; có những quốc gia chỉ có 1 con/ 1 phụ nữ hoặc thấp hơn. Theo phân tích của chúng tôi, đây không phải là vấn đề tạm thời mà là phổ biến ở nhiều quốc gia.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức sinh thấp như kinh tế khi các cặp vợ chồng hay cá nhân có kinh tế không đảm bảo thì họ chưa sinh con; các điều kiện về việc làm không cho phép sinh con; các vấn đề về bất bình đẳng giới, xã hội đặt vai trò cho người phụ nữ quá lớn, chị em phụ nữ ngại sinh con.

Nếu giải quyết vấn đề mức sinh thấp đòi hỏi một giải pháp tiếp cận toàn diện, tạo cơ hội để các cặp vợ chồng có cơ hội được lựa chọn, quyết định số con, lần sinh, thời điểm sinh và giúp họ giải quyết những bất cập liên quan tới việc làm cha mẹ.

PV: Vậy, bà có những đóng góp ra sao cho quá trình xây dựng chính sách về đảm bảo mức sinh thay thế trong Luật Dân số?

Bà Phạm Thị Lan: Chúng ta tạo các giải pháp chính sách để giúp các cặp vợ chồng, các gia đình nuôi dạy con cái tốt, giúp họ thích ứng với những biến đổi về nhân khẩu học.

Chúng tôi mong muốn là Luật Dân số tới đây sẽ đưa ra những quy định cụ thể hơn, cơ chế chính sách tốt hơn để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh; hiện thực hóa được quyền của các cặp vợ chồng để tự quyết định sinh con và thời gian sinh con.

Cần có các chính sách phù hợp tạo công ăn việc làm tốt cho người trẻ, thúc đẩy năng suất lao động để góp phần tạo ổn định kinh tế - xã hội bởi nếu chúng ta vẫn duy trì điều kiện sống như hiện tại thì chúng ta khó duy trì được mức sinh thay thế. 

 PV: Vâng, xin được cảm ơn bà!

Việc đảm bảo duy trì được mức sinh thay thế, mức sinh hợp lý giữa các vùng, ền giúp nước ta sẽ có được quy mô dân số phù hợp; duy trì ổn định tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ kéo dài giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”; làm chậm lại thời gian chuyển đổi sang giai đoạn “già hóa dân số” và cải thiện chất lượng dân số tốt hơn. Và việc xây dựng Luật Dân số chính là “cơ hội” để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách cân nhắc các chính sách về dân số để phát triển phù hợp.

Bạn kỳ vọng gì vào dự án Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo với các chính sách để duy trì mức sinh thay thế? Những quy định và cách tiếp cận mới như vừa nêu, liệu có thể thay đổi được suy nghĩ của những cặp vợ chồng ngại sinh con?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 024.37.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

----

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM 91MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast.