Hỗ trợ hồi phục sau bão lũ, chính sách phải thật khẩn trương...

Mưa bão, ngập lụt đã khiến nhiều cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp mất trắng. Chính phủ, các ngành và các địa phương cần có những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau thiên tai?

Cơn bão số 3 với lượng mưa lớn và nước sông dâng cao, khiến nhiều hộ gia đình sản xuất nông nghiệp không kịp trở tay

Anh Vũ Hồng Tuấn, một hộ nuôi cá ở thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, tỉnh Yên Bái năm ngoái gom góp được 17 triệu đồng để mua 500 con cá giống nuôi ở ao, cùng với hàng chục hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, cơn bão số 3 với lượng mưa lớn và nước sông dâng cao, khiến toàn bộ các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đều không kịp trở tay.

Đứng nhìn khu vực áo cá bị vùi lấp với hàng mét bùn, anh Tuấn và nhiều hộ dân không khỏi chua xót: "Chúng tôi thả đầu năm 2023, cuối năm 2027 mới thu hoạch. Theo dự tính 500 con cá giống, tương đương 5 tấn cá trắm và cá tạp, trị giá 100 triệu đồng. Cơn bão tràn vào khiến chúng tôi mất hết.  Lượng cá trên địa bàn thôn rất là nhiều, có trên dưới 40 hộ nuôi cá, diện tích nuôi nhiều nhất là nhà anh Nguyễn Văn Hùng nuôi gần 3 héc-ta, lượng cá giống đầu tư rất lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng, thiệt hại rất lớn".

Bà Đỗ Thị Ngân Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Âu Lâu cho biết, thiệt hại do bão trên địa bàn xã rất lớn, toàn bộ diện tích trồng lúa hè thu khoảng trên 35 héc-ta và trên 15 héc-ta ngô, rau màu trên địa bàn xã bị xóa xổ, khiến khoảng 200 hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Ngoài ra hơn 20 hec- ta ao nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ và toàn bộ cá bị thoát ra ngoài, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Ngay sau khi mưa bão chấm dứt, chính quyền xã Âu Lâu đã tổ chức thống kê thiệt hại, hướng dẫn hộ dân kê khai cũng như làm các thủ tục thực hiện theo quy định của Nhà nước, Nghị định 02 của Chính phủ.

Chính quyền xã Âu Lâu hiện đang động viên bà con nông dân ở những khu vực diện tích ngập nhẹ sẽ cố gắng tái sản xuất vào vụ Đông Xuân năm 2024-2025. Bà Đỗ Thị Ngân Hà cho biết, đối với khu vực thiệt hại nặng bị vùi lấp rất sâu, chính quyền xã sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố thành phố Yên Bái cải tạo lại ruộng đất và hệ thống kênh mương:

"Chúng tôi đề xuất thời gian tới cải tạo hệ thống kênh mương, sửa chữa và xây mới hệ thống kênh mương, trạm bơm, gia cố lại hệ thống đê điều. Rất mong thời gian tới Chính phủ sẽ có những chính sách ưu đãi như giảm lãi suất đối với các khoản vay của ngân hàng chính sách. Và hỗ trợ về cây giống, vật nuôi".

Tùy vào mức độ thiệt hại của từng doanh nghiệp, từng địa phương, Chính phủ, Bộ ban ngành xây dựng mức độ và thời gian hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng

Ngoài tỉnh Yên Bái, có hàng nghìn các hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã ở một số tỉnh phía Bắc đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhiều gia đình bị mất trắng toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, thuyền bè và các công cụ sản xuất.

Tỉnh Bắc Giang bị thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, hơn 18 nghìn héc-ta lúa, trên 2.700 héc-ta hoa màu, rau màu và gần 500 héc-ta diện tích cây trồng lâu năm bị ngập úng, hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…với tổng thiệt hại trên 5 nghìn tỷ đồng. Sau bão, việc tiêu thụ lâm sản cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Còn tỉnh Quảng Ninh, số lượng phương tiện thủy bị đắm chìm do bão là 269 phương tiện, trong đó, có 27 tàu du lịch, 116 tàu cá, 126 tàu chở hàng, chở người các loại. Hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn bị thiệt hại nặng nề.

Thống kê của 4 ngân hàng thương mại nhà nước có gần 14 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ  khoảng 191.457 tỷ đồng. Dự kiến số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh đang tiếp tục thống kê và cập nhật số liệu.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao  Học viện Tài chính, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành những chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, hợp tác xã sau bão cũng như tổ chức lại sản xuất và hỗ trợ cho các doanh nghiệp có mức thiệt hại từ 30-70%:

"Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho các doanh nghiệp chịu tác đông, chưa đòi nợ hoặc chưa chuyển nhóm nợ xấu. Bộ tài chính yêu cầu các doanh nghiệp thống kê thiệt hại có xác nhận của chính quyền địa phương, trên cơ sở đó, các đơn vị của Bộ tài chính sẽ có trách nhiệm xác nh để giãn, hoãn nộp thuế".

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng để Nghị quyết 143 của Chính phủ sớm đi vào cuộc sống, thì cần có các quy định, hướng dẫn chỉ rõ các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát và chứng nhận mức độ thiệt hại.

Trên cơ sở đó, tùy vào mức độ thiệt hại của từng doanh nghiệp, từng địa phương, Chính phủ, Bộ ban ngành xây dựng mức độ và thời gian hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Tuy nhiên, ông Doanh nhấn mạnh, quá trình triển khai phải giảm bớt các thủ tục hành chính:  

"Tinh giảm tối đa các thủ tục hành chính, tránh tối đa tình trạng người dân xếp hàng rất dài, phải có chứng nhận từ tổ dân phố, phương, quận, rất nhiều chữ ký và con dấu, thì lúc đó tính hiệu lực và kịp thời của Nghị quyết sẽ giảm đi rất nhiều".

Ông Doanh cũng cho rằng, cơ quan chức năng xem xét việc công khai các quy định, điều kiện hỗ trợ trên các trang web và để người dân có thể trực tiếp đăng ký nhận hỗ trợ thông qua điện thoại.

Ảnh: UNICEF

Để có thể nhanh chóng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sớm tái sản xuất, từng bước phục hồi sau bão, Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời các Bộ, ngành liên quan có những giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, để các chính sách này sớm được đưa vào thực tế thì cần có những văn bản dưới Luật hướng dẫn, cụ thể hóa các chủ trường, chỉ đạo của chính phủ. Đây cũng là góc nhìn của VOV giao thông: Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục sau bão

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến hơn 307 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết, nhiều tàu thuyền bị hư hỏng, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình mất trắng với tổng thiệt hại ước tính trên 50 nghìn tỷ đồng.

Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, Chính phủ đã ngay lập tức ban hành Nghị quyết số 143, đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tái thiết sản xuất, thực hiện mục tiêu đã đặt ra.

Theo đó, đối tượng nhận hỗ trợ, bao gồm người dân, lao động, nhóm yếu thế, các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, lũ lụt và sạt lở đất. Hỗ trợ sẽ tập trung triển khai trong 2 tháng là tháng 9 và tháng 10/2024.

Đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh, thời gian thực hiện chính sách có thể được kéo dài đến cuối năm 2025 nhằm đảm bảo quá trình phục hồi và thích ứng với chu kỳ sản xuất kinh doanh.

Nhiều ý kiến khẳng định, Nghị quyết 143 được coi là căn cứ, nền tảng để triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.  Hiện nay là thời điểm gần cuối năm. Những chính sách hỗ trợ có thể kéo dài từ năm nay sang năm 2025.

Do vậy, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản dưới Luật để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, nêu rõ về các mốc thời gian cụ thể áp dụng các chính sách hỗ trợ, làm căn cứ cho các ngành, địa phương đưa vào kế hoạch của năm tới và triển khai thực hiện.

Phương châm ưu tiên khẩn trương, kịp thời, song cần có cơ chế giám sát, hậu kiểm đánh giá hiệu quả.

Về phía các Bộ, ngành cũng cần tiến hành rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, phân loại các nhóm đội tượng bị ảnh hưởng theo từng mức độ, trên cơ sở đó cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thành các văn bản hướng dẫn cho từng nhóm đối tượng khác nhau.

Các giải pháp hỗ trợ phải nhanh chóng, khả thi, kịp thời hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.

Đối với các hộ gia đình, Hợp tác xã, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do bão, tùy từng mức độ thiệt hại và nhu cầu của người dân mà các địa phương, ngành chức năng bố trí ngân sách cho phù hợp; đề xuất những giải pháp hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, ngành thuế cần đề xuất các đối tượng ễn, giảm, gia hạn thuế phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Về phía hệ thống ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách, ngoài việc cung cấp những gói tín dụng hỗ trợ cho hộ gia đình, doanh nghiệp, cũng cần mở rộng phạm vi đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hoãn thu hồi các khoản nợ, ễn, giảm lãi vay; ban hành các gói vay mới với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giúp các hộ kinh doanh, doanh nghiệp sớm được phục hồi thì những chính sách phải đúng đối tượng, đảm bảo phát huy hiệu quả chính sách, các công cụ, các nguồn lực hỗ trợ, tránh cào bằng, tránh trục lợi chính sách. Trước mắt, phương châm ưu tiên khẩn trương, kịp thời, song cần có cơ chế giám sát, hậu kiểm đánh giá hiệu quả.

Đồng thời, quá trình triển khai ở địa phương cần đơn giản hóa các trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng, tránh tình trạng, người dân cần nhưng không thể tiếp cận được các nguồn hỗ trợ.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phải phát huy sự chủ động, nguồn lực của các cấp, ngành, địa phương các ngành, các địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ, phục hồi người dân sản xuất kinh doanh cũng cần tăng các các hoạt động giám sát, đánh giá, nhanh chóng phát hiện, báo cáo những vướng mắc lên cấp trên để tháo gỡ những “nút thắt”, sớm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Có như vậy, mới phát huy được hiệu quả những chính sách kịp thời của Chính phủ.